Năm 2005, tin tức MG Rover phá sản khiến không ít người hoang mang. Đây là bằng chứng cho thấy ngay cả những đế chế hùng mạnh nhất cũng có ngày tàn của nó. Trước khi đi đến bước đường cùng, MG Rover đã từng là trụ cột chính của British Leyland, một thời là nhà sản xuất xe hơi lớn thứ ba thế giới.
BMW mua MG-Rover và chi ra hơn 7 tỷ USD. Kết cục không ai ngờ tới đó là BMW bán tên hiệu Rover và xưởng Longbridge cho một nhóm tài phiệt, tập đoàn Pheonix với giá chỉ có 18 USD.
Niềm hãnh diện của kỹ nghệ sản xuất xe hơi của Anh
MG-Rover từng được ví như một viên ngọc quý trên chiếc vương miện của ngành sản xuất xe hơi ở Anh. Nhà thiết kế ô tô nổi tiếng Peter Stevens là người gắn liền với sự tồn vong của thương hiệu này.
Trong quá khứ, hãng xe MG đã khá thành công với việc nâng cấp các dòng xe cũ của Rover thành các sản phẩm mới, công suất cao. Được khích lệ bởi những thành tích đạt được, MG bắt tay chế tạo một chiếc sedan dẫn động cầu trước, trang bị động cơ V8 với tham vọng cạnh tranh với các tên tuổi hàng đầu như Porsche, Jaguar và Maserati.
Những chiếc xe của MG Rover ra đời trong lò luyện siêu xe của Ý. Sau khi mua lại nhà sản xuất Mangusta, các nhà lãnh đạo của MG đã tiến hành điều chỉnh Qvale trở thành một mẫu xe thể thao đặt riêng hoàn toàn mới.
Những chiếc xe đình đám một thời. Ảnh: Automotive News
Ý định ban đầu là đặt huy hiệu MG ở mặt trước của thiết kế hiện có, nhưng Peter sớm nhận ra điểm bất hợp lý. "Chiếc xe trông giống như một con ếch bị bẹp, và tôi nghĩ điều đó hoàn toàn sai. Nó thực sự xấu xí và có vấn đề", anh cho biết.
Chiếc xe Ý đã không thành công nhưng mẫu thiết kế mới của Mangusta được kỳ vọng là sẽ giúp MG thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Bởi vì chiếc xe đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cần thiết.
Quyết định được thực hiện, đội ngũ sản xuất đã phải làm lại khung xe ban đầu. Được thiết kế bởi cựu nhà thiết kế Công thức 1 Enrique Scalabroni, thân xe mới bao gồm các phần thép cắt laser được gấp lại và sau đó hàn lại với nhau, mang lại độ linh hoạt cao cho một thiết kế thân xe mới. Chỉ có một số thành phần được giữ lại từ thiết kế ban đầu. Peter giải thích: "Chúng tôi giữ kính chắn gió và cần gạt nước, bởi vì đó là một phần quan trọng đối với thị trường Mỹ".
Khởi nguồn của những sai lầm
X80 lần đầu tiên được ra mắt tại Triển lãm Ô tô Frankfurt năm 2001. Mẫu xe này được quảng cáo là một chiếc coupe thể thao hiệu suất cao, hứa hẹn sẽ thách thức thị trường xe thể thao thế giới lâu đời. X80 sở hữu thông số kỹ thuật cao và các đặc tính hiệu suất cao, thách thức Porsche, Maserati và Jaguar. Lúc đó chiếc xe được chào bán với mức giá khoảng 50.000 bảng Anh.
MG dự định chế tạo 2000 chiếc MG X80 mỗi năm, việc sản xuất diễn ra tại Longbridge thay vì Qvale Modena. Tuy nhiên, chiếc xe không tạo được nhiều ấn tượng và cần phải cải tạo thêm.
MG X80. Ảnh: Supercars.net
Để có được thân xe bằng sợi carbon tiên tiến, các tấm được cắt và ngâm tẩm ở Isle of Wight, trước khi được vận chuyển bằng xe tải lạnh đến Ý. Tại đây chúng được đặt và hoàn thiện thành các tấm thân xe. Kỹ thuật tiên tiến đã giúp giảm 13% trọng lượng của chiếc xe.
Khi những chiếc xe đã được hoàn thiện gần hết, chúng sẽ được vận chuyển đi sơn. Nội thất và các chi tiết của mẫu xe này được giao cho những người thợ lành nghề nhất. Peter nói: "Nhìn chung, việc sản xuất diễn ra khá nhanh và mất khoảng ba tuần để sản xuất một chiếc xe hơi".
Nước đi đưa thương hiệu vào đường cùng
Ban đầu X80 được đón nhận rất nồng nhiệt nhưng giá cao hơn so với lần công bố đầu tiên. Peter thừa nhận: "Chúng tôi thiết kế chiếc xe để bán với giá khoảng 52.000 bảng Anh, với hóa đơn nguyên vật liệu khoảng 35.000 bảng Anh. Nhưng khi ra mắt họ ra giá 65.000 bảng. Tôi nghĩ đó là một sai lầm".
Theo đánh giá của công chúng thời bấy giờ, chiếc X80 vẫn không thể chinh phục thị trường. Ngay sau đó, nhà sản xuất đã đổi tên mẫu xe thành MG XPower SV và ra mắt tại Triển lãm Ô tô Quốc tế ở Birmingham năm 2002.
Không dừng lại ở đó, một chiếc SV-R đã được ra mắt tại Geneva Motor Show 2004. Chiếc này sử dụng động cơ Ford V8 5.0 lít và có giá 82.000 bảng Anh. Điều này khiến những chiếc xe của MG Rover lép vế trước các đối thủ vì giá quá đắt.
MG XPower SV-R bị đánh giá không xứng đáng với giá tiền. Ảnh: MSN Autos
Rõ ràng, mẫu xe này sẽ không bao giờ cứu được MG. Dù ban lãnh đạo đã rất nỗ lực giải cứu hoạt động kinh doanh, được giúp đỡ nhờ sự can thiệp của Chính phủ Anh và khả năng liên doanh với các nhà sản xuất nước ngoài, công ty vẫn phải ngậm ngùi ngừng hoạt động kinh doanh. Vào ngày 8 tháng 4 năm 2005, thương hiệu chính thức bị đóng của. Không dừng lại ở đó, MG còn phải gánh khoản nợ hơn 1,4 tỷ bảng Anh.
Theo thống kê, tổng cộng chỉ có 82 chiếc xe được sản xuất. Nhà thiết kế Peter cho rằng đó là một cơ hội bị bỏ lỡ. "Nếu công ty không thất bại, nó có thể đã hoạt động tốt. Đó là một trong những sản phẩm khiến tôi tự hào" anh giải thích. "Thân xe thực sự tốt, và đường dệt của các tấm thân bằng sợi carbon không thể hiện qua màu sơn - không giống như những chiếc xe khác cùng thời".
Công bằng mà nói, MG XPower SV-R không phải là mẫu xe quá tệ. Tuy nhiên nó không xứng đáng với mức 83.000 Bảng mà nhà sản xuất định giá. Chính sai lầm về mặt chiến lược khi phát triển mẫu xe này là một trong những nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của hãng xe Anh.
Tổng hợp