Tình trạng vô tiền khoáng hậu
Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng của 5 quốc gia Đông Âu tuần trước cho rằng, cần áp dụng thuế quan đối với hàng nông sản nhập khẩu của Ukraine nếu Liên minh châu Âu (EU) không thể có biện pháp nào khác ngăn chặn làn sóng nhập khẩu giá rẻ, gây bất ổn thị trường khu vực.
Trong một bức thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Slovakia cho biết, quy mô gia tăng các mặt hàng nhập khẩu bao gồm ngũ cốc, trứng, thịt gia cầm và đường... đang là "vô tiền khoáng hậu".
Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Các cảng biển ở Biển Đen của nước này đã bị phong tỏa từ sau xung đột vào năm 2022, buộc nước này phải thông qua các quốc gia EU là Ba Lan và Romania để xuất khẩu ngũ cốc.
Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn hậu cần đang diễn ra ở khu vực đồng euro. Hiện nay một lượng lớn ngũ cốc Ukraine, rẻ hơn so với sản xuất tại EU, đang ảnh hưởng đến giá cả và doanh số bán hàng của nông dân EU.
Trong thư, các thủ tướng kêu gọi EU cần thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng bất ổn thị trường do hàng nhập khẩu của Ukraine gây ra, bao gồm áp dụng lại hạn ngạch thuế quan.
Đông Âu bị ngũ cốc Ukraine "nhấn chìm"
Theo tờ Le Figaro (Pháp), làn sóng giận dữ đang lan khắp Đông Âu khi nông dân địa phương phản đối tình trạng dư thừa ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine đe dọa hoạt động kinh doanh của họ.
Nông dân ở các quốc gia từng đồng ý hỗ trợ khai thông xuất khẩu ngũ cốc Ukraine ra thị trường toàn cầu cho biết giờ đây phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Ban đầu, nông dân Ba Lan, Romania đồng ý làm quốc gia trung chuyển, giúp đưa ngũ cốc Ukraine tiếp cận thị trường toàn cầu nhưng giờ đây họ phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh.
Tháng 5 năm ngoái, Liên minh châu Âu đã đình chỉ thuế hải quan đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Ukraine trong một năm để hỗ trợ nền kinh tế của quốc gia này.
Tuy nhiên, ngũ cốc và nhiều mặt hàng khác sau khi rời Ukraine lại lưu lại EU thay vì được xuất khẩu sang nước thứ ba, gây áp lực cạnh tranh đối với sản xuất trong khu vực.
"Thay vì đến thị trường quốc tế, đến châu Phi, ngũ cốc Ukraine vẫn ở lại Ba Lan", nông dân Marcin Misiak cho biết, khách hàng quen của anh giờ quay sang chọn mua ngũ cốc rẻ hơn từ Ukraine.
Theo Misiak, vào tháng 8/2022, anh bán lúa mì với giá 340€/tấn nhưng vào đầu tháng 3/2023, giá lúa mì chỉ có giá 220€/tấn.
EU đã không thể lường trước được những tác động nhanh chóng của sự cạnh tranh từ các loại ngũ cốc của Ukraine.