Vốn hóa thị trường Vinhomes tăng thêm 15.674 tỷ đồng
Kể từ đầu phiên giao dịch ngày 7/8, các cổ phiếu họ Vingroup bao gồm VRE, VIC, VHM đã đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, nổi bật là VHM của Vinhomes và VRE của Vincom Retail đã tăng kịch trần 7% ngay từ đầu phiên, còn cổ phiếu VIC của Vingroup cũng không chịu kém cạnh khi ghi nhận mức tăng gần 4%.
Cổ phiếu "họ Vin" đồng loạt hút mạnh dòng tiền của các nhà đầu tư sau khi Vinhomes công bố sẽ mua 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian dự kiến mua lại là sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và công ty đã công bố thông tin về việc mua lại cổ phiếu theo quy định. Phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Dù thị trường chứng khoán chứng kiến sự điều chỉnh mạnh sau đó, thị giá cổ phiếu VHM của Vinhomes vẫn “lầm lũi” tăng trưởng.
Kết phiên 16/8, giá cổ phiếu ở mức 38.400 tỷ đồng, tăng 1,45% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là gần 14,8 triệu đơn vị.
Kể từ khi xuất hiện thông tin Vinhomes sẽ mua vào 370 triệu cổ phiếu, VHM đã trải qua 8 phiên giao dịch với mức tăng hơn 10% dù doanh nghiệp chưa thực hiện động thái nào. Vốn hóa thị trường của VHM tăng thêm 15.674 tỷ đồng lên 167.207 tỷ đồng.
Ở động thái mới nhất, ngày 15/8, HĐQT Công ty CP Vinhomes (HoSE: VHM) gửi tờ trình đến ĐHĐCĐ để xem xét và thông qua phương án mua 370 triệu cổ phiếu VHM, chiếm 8,5% số cổ phiếu đang lưu hành, nhằm đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông do giá cổ phiếu hiện đang thấp hơn giá trị thực. Nguồn vốn sẽ được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 30/6 là 146.584 tỷ đồng.
Vinhomes sẽ mua cổ phiếu ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký mua lại cổ phiếu của công ty. Phương thức thực hiện thông qua khớp lệnh trên sàn và/hoặc thỏa thuận thông qua công ty chứng khoán, phù hợp với quy định của pháp luật.
Sau khi giao dịch được thực hiện, vốn điều lệ của Vinhomes sẽ giảm 3.700 tỷ đồng, từ 43.543,7 tỷ đồng xuống 39.843,7 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành giảm đi sẽ giúp thu nhập trên 1 cổ phiếu (EPS) tăng lên.
Đáng chú ý, trong khi cổ phiếu VHM hút mạnh dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước ở 8 phiên vừa qua, thì các nhà đầu tư nước ngoài liên tục “chốt lời” mạnh mã cổ phiếu này trong thời gian kể trên. Đáng chú ý, cổ phiếu Vinhomes đang nằm ở vùng đáy giá thấp nhất trong lịch sử.
Thanh khoản chứng khoán “mất hút”
Đà rung lắc mạnh của thị trường trong thời gian qua, khiến các nhà đầu tư trong nước xuất hiện tâm lý đứng bên ngoài quan sát. Do đó, trong 4 phiên đầu tuần, thanh khoản trên sàn HoSE bình quân khoảng 13.000 tỷ đồng/phiên, VN-Index rung lắc nhẹ trong ngưỡng 1.220 – 1.230 điểm.
Trong khi, các nhà đầu tư trong nước thận trọng đứng bên ngoài quan sát, thì ở chiều ngược lại các nhà đầu tư nước ngoại, liên tục bắt đáy thị trường trong khoảng thời gian này.
Trong 4 phiên đầu tuần, khối ngoại đều mua ròng trên sàn HoSE, với tổng giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng. Khối này tập trung mua vào mạnh các cổ phiếu HDB, CTG, MSN, FPT, MWG, KDC, …
Ngược lại, khối ngoại tiếp tục “chốt lời” mạnh cổ phiếu VHM của Vinhomes. Theo sau là các cổ phiếu HPG, NLG, TCB, VJC,
Xem thêm tại đây
Tâm điểm phiên cuối tuần
Thanh khoản bất ngờ tăng đột biến trong phiên cuối tuần, giúp VN-Index “bùng nổ” tăng gần 29 điểm, vượt ngưỡng 1.250 điểm. Đây là phiên giao dịch tốt nhất kể từ tháng 11/2023, nhịp điều chỉnh này đã giúp chỉ số chính phục hồi toàn bộ thiệt hại trong nửa tháng qua.
Phiên 16/8, ngay sau khi mở cửa, sự nhập cuộc nhanh chóng của dòng tiền trên quy mố lớn giúp VN-Index tăng mạnh mà không gặp phải bất kỳ cản lực nào. Thanh khoản trên toàn thị trường đạt hơn 26.000 tỷ đồng, riêng trên sàn HoSE thanh khoản đạt hơn 23.000 tỷ đồng.
Trên bảng điện tử, sắc xanh chiếm ưu thế tuyệt đối. Dòng tiền chảy mạnh về hầu hết các nhóm ngành, …
Trong đó, hai nhóm ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trên thị trường là tài chính - ngân hàng và bất động sản ghi nhận hiệu suất đầu tư cao nhất phiên.
Xuất hiện nhiều “cây nến tím” là nhóm tài chính, với loạt cổ phiếu BSI, BVS, CTS, FTS, VIX, … tăng kịch trần. Loạt cổ phiếu khác tăng mạnh như trên 6% như HCM, SHS, MBS, … Các cổ phiếu tăng trên 5% gồm có cổ phiếu SSI, VCI, VND, …
Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, dẫn đầu là cổ phiếu LPB tăng 4,93%. Theo sau là cổ phiếu MBB và HDB đều tăng trên 3%. Tiếp đó, là cổ phiếu CTG, ACB, VPB, … tăng trên 2%.
Tương tự, tại nhóm cổ phiếu bất động sản, loạt cổ phiếu NVL, HDG, DIG, HDC, PDR, DXG, CEO, KBC … đều tăng kịch trần. Các cổ phiếu NLG, TCH, TIG tăng trên 6%. Trong khi, cổ phiếu KDH, NTL tăng trên 4%. Các cổ phiếu vốn hóa lớn của nhóm này như VHM, VIC, VRE, BCM đều giữ được sắc xanh.
Trong ngày thị trường “bùng nổ” thanh khoản, khối ngoại lại bất ngờ “quay xe” bán ròng trên thị trường. Trong đó, khối này bán ròng trên sàn HoSE với giá trị gần 76 tỷ đồng. Chính thức, ngắt chuỗi mua ròng 4 phiên trước đó.
Ở chiều mua vào, khối ngoại mua vào nhiều nhất cổ phiếu MWG với giá trị 100 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu DIG (67,97 tỷ đồng), cổ phiếu MSN (55,78 tỷ đồng), cổ phiếu CTG (53,39 tỷ đồng), …
Ngược lại ở chiều bán ra, khối ngoại bán ra nhiều nhất cổ phiếu HVN với giá trị 24,77 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu MBB (13,42 tỷ đồng), cổ phiếu SSI (9,56 tỷ đồng), …
Loạt cổ phiếu “trà đá” tăng mạnh
Phiên 16/8, ghi nhận thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất trong 10 tháng qua (kể từ tháng 11/2023). Theo đà tăng trưởng của thị trường, các cổ phiếu nhóm “trà đá” như cổ phiếu LDG Investment, Xây dựng Hòa Bình, Quốc Cường Gia Laik, DRH Holdings, Công nghiệp Tân Tạo, Hoàng Anh Gia Lai, Danh Khôi đều tăng mạnh trong phiên cuối tuần.
Cụ thể, cổ phiếu LDG +6,84% lên 2.03 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu HBC +4,89% lên 4.930 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu QCG +5,08% lên 6.200 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu DRH +5,49% lên 2.500 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu ITA +6,18%% lên 3.780 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu HNG +5,02% lên 4.390 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu NRC +2,86% lên 3.600 đồng/cổ phiếu.
Xem thêm tại đây