Tâm điểm cổ phiếu Vinhomes
Phiên 07/8, cổ phiếu VHM của Vinhomes tăng trần, ngay sau khi xuất hiện thông tin “ông lớn” bất động sản này công bố sẽ mua 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Ước tính, dựa trên giá đóng cửa ngày 06/8 ở mức 34.800 đồng/cổ phiếu, Vinhomes sẽ phải bỏ ra gần 13.000 tỷ đồng để thực hiện thương vụ trên.
Kết phiên ngày 7/8, giá cổ phiếu VHM tăng trần 6,9% lên mức 37.200 đồng/cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 36,7 triệu đơn vị - tăng hơn 6 lần so với phiên trước.
Ở một diễn biến khác, trong khi các nhà đầu tư nội hào hứng, thì khối ngoại lại bán tháo cổ phiếu VHM với giá trị gần 720 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 7/8.
Nhờ hiệu ứng cổ phiếu Vinhomes, cổ phiếu VIC của Vingroup cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch 07/8, cùng thanh khoản tăng đột biến.
Kết phiên 7/8, giá cổ phiếu VIC ở mức 42.350 đồng/cổ phiếu, tăng 2,54% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 5,3 triệu đơn vị - tăng hơn 2,5 lần so với phiên trước.
Tuy nhiên, đà hưng phấn trên không duy trì được lâu, khi sang phiên 08/8, cổ phiếu VHM chỉ tăng 1,08%, đến phiên 09/08 mã cổ phiếu này giảm 1,06% xuống 37.200 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu VIC của Vingroup sau khi tăng mạnh 2,54% ở phiên 07/8. Trong 2 phiên sau đó, mã cổ phiếu này đã giảm liên tiếp 1,3% và 1,44%.
Kết phiên 09/8, cổ phiếu VIC ở mức 41.200 đồng/cổ phiếu, giảm 1,44% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh là hơn 2,2 triệu đơn vị.
Cổ phiếu VRE rơi xuống vùng giá thấp nhất lịch sử
Giống như 2 cổ phiếu “họ Vin” là VHM và VIC. Cổ phiếu VRE của Vincom Retail đã tăng kịch trần 7% ngay từ đầu phiên sáng 07/8.
Dù sức mua sụt giảm mạnh ở phiên chiều, nhưng kết phiên 07/8, giá cổ phiếu VRE ở mức 18.000 đồng/cổ phiếu, tăng 5,88% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh hơn 21,4 triệu đơn vị - tăng gần gấp đôi so với phiên trước.
Tuy nhiên, ở 2 sau đó mã cổ phiếu này đã giảm liên tiếp 1,94% và 0,85%.
Kết phiên 09/8, giá cổ phiếu VRE ở mức 17.500 đồng/cổ phiếu, giảm 0,85% so với phiên trước, với khối lượng cổ phiếu khớp lệnh là hơn 4,7 triệu đơn vị. Cổ phiếu VRE tiếp tục rơi xuống sát vùng giá thấp nhất lịch sử (phiên 05/8 giá 16.800 đồng/cổ phiếu) kể từ khi niêm yết vào cuối năm 2017.
Cổ phiếu Vietnam Airlines “bốc hơi” 13,6%
Dòng tiền của các nhà đầu tư tiếp tục chảy khỏi cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines. Cụ thể, kết phiên 09/8, giá cổ phiếu HVN ở mức 19.050 đồng/cổ phiếu, giảm 4,51% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh là hơn 7,6 triệu đơn vị.
Như vậy, trong tuần qua, cổ phiếu HVN đã có 4/5 phiên giảm điểm (gồm 2 phiên giảm sàn), thị giá cổ phiếu Vietnam Airlines đã “bốc hơi” 13,6% chỉ riêng trong tuần qua.
Rộng hơn, so với đỉnh giá hồi tháng 6 (phiên 20/6/2024) ở mức 35.450 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu Vietnam Airlines đã giảm 46,3%, tương ứng giảm 16.400 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình tiếp tục “rớt giá”
Sau thông tin anh ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 500.000 cổ phiếu, cùng với đà hồi phục của thị trường sau khi rực lửa ở phiên đầu tuần. Phiên 6/8 giá cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình tăng mạnh 5,65% lên 5.420 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, 3 phiên còn lại trong tuần, cổ phiếu ngành xây dựng này lại tiếp tục rơi vào cảnh bị nhà đầu tư bán tháo dữ dội.
Tuần qua, cổ phiếu HBC có 4/5 phiên giảm giá (gồm 1 phiên giảm sàn), thị giá cổ phiếu này “bốc hơi” 9,8%, tương ứng giảm 540 đồng/cổ phiếu.
Rộng hơn, trong 10 giao dịch gần đây cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình có 8/10 phiên giảm điểm, trong đó có đến 5 phiên giảm sàn. Giá cổ phiếu HBC rơi tự do, xuống mức thấp nhất kể từ trước năm 2016.
Đại gia Cường “Đô la” ngồi ghế Chủ tịch HĐQT, cổ phiếu QCG vẫn “lao dốc”
Hiệu ứng ông Nguyễn Quốc Cường (biệt danh Cường “Đô la”) được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai nhanh chóng bị “nguội”. Kể từ đầu tháng 8 tới nay, cổ phiếu QCG liên tục “lao dốc” với 6/7 phiên giảm giá (gồm 2 phiên giảm sàn).
Kết phiên 09/8, giá cổ phiếu QCG ở mức 5.850 đồng/cổ phiếu, giảm 0,34% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là hơn 595 nghìn đơn vị.
Như vậy, trong tuần qua cổ phiếu QCG đã “bốc hơi” 11,6% thị giá.
Rộng hơn, tính từ đầu tháng 8 tới nay, thị giá cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đã giảm 20,4%, tương ứng giảm 1.500 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu LDG Investment được “giải cứu”
Sau khi rơi xuống vùng giá thấp nhất lịch sử vào phiên 05/8, ở mức 1.710 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu LDG của Công ty CP Đầu tư LDG – LDG Investment đã được “giải cứu” với ¾ phiên tăng giá và 1 phiên đứng giá, cùng khối lượng cổ phiếu khớp lệnh trung bình khoảng gần 5 triệu cổ phiếu/phiên.
Kết phiên 09/8, giá cổ phiếu LDG ở mức 1.950 đồng/cổ phiếu, tăng 0,52% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh là hơn 3 triệu cổ phiếu.
Như vậy trong tuần qua, cổ phiếu LDG chỉ có duy nhất 1 phiên giảm giá, thị giá cổ phiếu LDG “hồi phục” 6,6%, tương ứng tăng 120 đồng/cổ phiếu.
Dù đã có mức hồi phục trở lại, cổ phiếu LDG hiện vẫn đang nằm ở vùng giá thấp nhất lịch sử.
Thị trường rung lắc mạnh, VN-Index rơi về sát mốc 1.220 điểm
Ảnh hưởng từ đà bán tháo trên thị trường thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên đầu tuần (05/8) với đà bán tháo ồ ạt từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Kết phiên 05/8, VN-Index giảm 48,53 điểm, xuống 1.188,07 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 8,85 điểm, xuống 222,71 điểm. Tương tự, chỉ số UPCoM-Index giảm 3,17 điểm, xuống 90,61 điểm.
Độ rộng trên thị trường nghiêng tuyệt đối về phía bán, với 747 mã giảm giá (gồm 129 mã giảm sàn) so với 133 mã tăng giá (gồm 14 mã tăng trần).
Hầu hết các nhóm ngành chìm trong sắc đỏ, trong đó cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, … bị nhà đầu tư bán tháo dữ dội.
Tại rổ VN30, toàn bộ 30 mã cổ phiếu của nhóm này đều chìm trong sắc đỏ.
Sang phiên 06/8 và 07/8, thị trường hồi phục được gần 28 điểm trong 2 phiên giao dịch này. Dòng tiền bắt đáy của các nhà đầu tư trong nước, áp đảo hoàn toàn đà bán.
Tuy nhiên, đến phiên 08/8, thị trường tiếp tục điều chỉnh, giảm gần 8 điểm. Khi dòng tiền của các nhà đầu tư chảy khỏi nhóm cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu bất động sản.
Phiên cuối tuần (09/8), VN-Index “hồi phục” hơn 15 điểm, lên 1.223,64 điểm. Nhờ động lực từ nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng và cổ phiếu bất động sản hút tích cực dòng tiền từ các nhà đầu tư.
Như vậy, trong tuần qua dù có 3/5 phiên tăng giá, nhưng chỉ số VN-Index vẫn “bốc hơi” gần 13 điểm.