Từ phép màu kinh tế đến "thập kỷ mất mát" và bị nhiều nước vượt mặt: Điều gì đã xảy ra với Nhật Bản?

Hồng Anh | 20:49 17/11/2022

Nhờ định hướng đúng đắn, Nhật Bản đã vươn xa ra thị trường thế giới với thành công của mình. Nhưng sau đó nước này đã lâm cảnh khó khăn vì nhiều yếu tố.

Từ phép màu kinh tế đến "thập kỷ mất mát" và bị nhiều nước vượt mặt: Điều gì đã xảy ra với Nhật Bản?

Trong phần 1, nhà kinh tế học người Philippines Andrew J. Masigan đã phân tích về "phép màu kinh tế" của Nhật Bản sau thất bại trong Thế chiến II.

Ở phần tiếp theo của bài viết này, ông Masigan tiếp tục giải thích cáchccc Nhật Bản tiếp tục vươn xa sau khi đạt được "phép màu kinh tế" ở thế kỷ 20, và sau đó là khó khăn vì giảm phát và kinh tế trì trệ ra sao.

Sau đây là nội dung lược dịch từ bài viết của ông được đăng tải trên trang Business World.

---

1967-1989: Thời kỳ Nhật Bản "bay cao, vươn xa"

Trong kỳ trước, nhà kinh tế học Masigan đã nêu 4 yếu tố giúp Nhật Bản vực dậy từ đống đổ nát sau Thế chiến II và "trỗi dậy phi thường" trong vai trò một cường quốc công nghiệp, đó là:

- Mục tiêu quốc gia được xác định rõ ràng (công nghiệp hóa nhanh chóng) và sự tham gia của người dân để hiện thực hóa mục tiêu đó;

- Đầu tư vào các ngành công nghiệp nền tảng như thép, hóa chất và thiết bị chính xác;

- Tập trung vào giáo dục các ngành STEM;

- Và sự hình thành của Keiretsu - mô hình hợp tác cùng phát triển của nhóm công ty có mục tiêu kinh doanh chung.

Nhưng không chỉ dừng lại ở thành công đó, Nhật Bản đã tìm cách trở nên thịnh vượng hơn gấp nhiều lần trong giai đoạn 1967-1989.

Năm 1967, Nhật Bản đã có xương sống công nghiệp vững chắc. Quốc gia này về cơ bản đã có tất cả các yếu tố cần thiết để sản xuất hàng công nghiệp: các nhà máy thép, nhà máy hóa dầu, phòng thí nghiệm hóa học, xưởng máy, nhà máy điện và nhà máy thủy tinh và thấu kính.

Với năng lực sản xuất công nghiệp của mình, Nhật Bản nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất của thế giới về các ngành công nghiệp nhẹ, bao gồm các thiết bị gia dụng, thiết bị công nghiệp nhẹ được sử dụng để sản xuất, thiết bị chính xác (chẳng hạn như nhạc cụ, thiết bị phòng thí nghiệm khoa học, v.v.) và thậm chí cả đồ chơi...

Vào thời điểm này, Nhật Bản đã sản xuất ô tô và xe máy, nhưng đến đầu thập niên 1970 nước này mới xuất khẩu các mặt hàng này ra thế giới.

Trong giai đoạn từ năm 1967-1985, Nhật Bản tiếp tục xuất khẩu các sản phẩm của mình ra khắp thế giới.

Nhờ đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm - chiếm khoảng 11% tổng doanh thu hàng năm - hàng hóa Nhật Bản đã tạo được uy tín trên thị trường về độ tinh vi của công nghệ. Các thương hiệu như Sony, Sanyo, Kenwood và Nakamichi, hay Toyota, Suzuki, Mitsubishi và Yamaha trong lĩnh vực công nghiệp, đã trở thành những cái tên quen thuộc.

Với nền kinh tế phát triển vượt bậc, các tập đoàn Nhật Bản bắt đầu xây dựng dấu ấn của doanh nghiệp mình trên thị trường nước ngoài. Họ đã đầu tư rất nhiều vào việc thiết lập các cơ sở phân phối và/hoặc cơ sở sản xuất ở mọi thị trường lớn trên thế giới. Các công ty đa quốc gia đã chuyển lợi nhuận của họ về Nhật Bản, giúp doanh thu của Nhật Bản ngày càng tăng lên.

Cuối thập niên 1970 và đầu 1980, chính phủ Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều vào việc quảng bá văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài. Dần dần, ẩm thực, văn hóa và lối sống của Nhật Bản trở nên thịnh hành, và điều này đồng nghĩa với nhu cầu đối với hàng hóa Nhật Bản cũng tăng lên. Nhật Bản đã giành được thị phần trong hầu hết các ngành hàng cạnh tranh, bao gồm ô tô, thiết bị gia dụng và đồ điện tử.

Đến năm 1985, ngành công nghiệp của Mỹ ngày càng lo lắng rằng họ đang đánh mất thị trường nội địa của chính mình vào tay Nhật Bản. Vì không thể cạnh tranh với lợi thế chi phí của Nhật Bản, họ đã kêu gọi Quốc hội Mỹ áp dụng mức thuế cứng đối với hàng hóa do Nhật Bản sản xuất.

Nhưng Quốc hội Mỹ đã từ chối đề xuất này, bởi họ lo ngại rằng nếu Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm của Nhật Bản, thì Nhật Bản cũng sẽ sẵn sàng làm như vậy với Mỹ. Không chỉ quan hệ giữa 2 nước, mà công dân của họ cũng sẽ không được tiếp cận các sản phẩm chất lượng với giá thấp nhất.

Vì vậy, hai bên đã đạt được một thỏa hiệp - được gọi là Hiệp định Plaza. Mỹ sẽ giảm giá đồng USD so với đồng yên Nhật (cùng với đó là đồng franc của Pháp, đồng mark của Đức và đồng bảng Anh). Khi đó, người Mỹ sẽ có ít sức mua hàng hóa Nhật hơn, nhưng hàng hóa của Mỹ lại trở nên rẻ hơn đối với người Nhật.

Tại sao Nhật Bản lại đồng ý với kế hoạch này? Thứ nhất là họ không có nhiều sự lựa chọn. Thứ hai, Nhật Bản phụ thuộc vào Mỹ về lúa mì, ngô và nguyên liệu thô. Đồng USD mất giá sẽ giúp Nhật Bản nhập khẩu những mặt hàng này với giá phải chăng hơn.

"Thập kỷ mất mát" của Nhật Bản

Hiệp định Plaza đã giúp người Nhật giàu có hơn khi giá trị của đồng yên tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 năm. Với một đồng tiền mạnh, người Nhật có thể tốn ít tiền để mua tài sản của Mỹ hơn, và họ đã tiếp tục mua vào rất nhiều công ty Mỹ và các địa danh lịch sử bao gồm Trung Tâm Rockefeller, CBS Records, Columbia Pictures...

Với sự giàu có ấy, người Nhật bắt đầu nâng cao mức sống của mình. Du khách Nhật Bản bắt đầu đi du lịch khắp thế giới và tiêu tiền mua hàng hóa xa xỉ. Người dân Nhật Bản đầu tư vào bất động sản đến mức giá bất động sản Nhật Bản tăng vọt kỷ lục, đến mức ngày nay cũng không thể sánh bằng. Năm 1989, một mảnh đất chỉ 32 centimet vuông ở trung tâm thành phố Tokyo được định giá lên tới 100 USD.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã giảm lãi suất để khuyến khích các công ty Nhật Bản mở rộng kinh doanh. Nhưng người Nhật đã sử dụng các khoản vay lãi suất thấp để đầu tư mua bất động sản và đầu cơ vào thị trường chứng khoán.

Và chính những khoản đầu cơ này đã dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán sụp đổ tại Nhật Bản không lâu sau đó. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn kinh tế Nhật Bản trì trệ trong thập niên 1990 - thập kỷ mất mát của Nhật Bản.

Tệ hơn nữa, do đồng yên mạnh, các khoản nợ bằng đồng nội tệ của Nhật càng tăng cao hơn. Lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, các ngân hàng phải đối mặt với một số lượng lớn các khoản nợ chưa từng có - đến mức chính phủ Nhật Bản phải vào cuộc để cung cấp huyết mạch cho hệ thống tài chính.

Người Nhật khi đó đã trở về trạng thái "thắt lưng buộc bụng", chỉ chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu cơ bản. Khi nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ giảm, thì giá cả cũng vậy. Và cùng với đó là chu kỳ giảm phát nguy hiểm bắt đầu.

Các nhà kinh tế học lo ngại giảm phát, vì giá cả giảm là biểu hiện của chi tiêu tiêu dùng yếu, vốn là một yếu tố chính cho tăng trưởng kinh tế. Các công ty phản ứng với việc giá giảm bằng cách sản xuất chậm lại, dẫn đến tình trạng nhân viên bị cắt giảm lương hoặc bị sa thải. Điều này khiến cho thu nhập hộ gia đình giảm, và người lao động có ít tiền hơn đồng nghĩa với nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tiếp tục giảm, khiến giá cả giảm hơn nữa. Và vòng lặp giảm phát lại tiếp tục.

Để thúc đẩy hoạt động kinh tế, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã giảm lãi suất nhiều lần. Nhưng động thái này đã không thành công. Giảm phát đã khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng trì trệ kinh tế trong suốt thập niên 1990.

Đến đầu những năm 2000, Nhật Bản cuối cùng cũng vượt qua đường tình trạng nợ nần chồng chất nhưng lại phải đối mặt với lực cản mới - Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thách thức vị thế của Nhật Bản trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng. Nhật Bản không thể cạnh tranh với lợi thế chi phí của Trung Quốc, lại thêm một vấn đề nghiêm trọng hơn là dân số già của Nhật Bản.

Nhật Bản không có lựa chọn nào khác ngoài việc cạnh tranh trong thị trường phân khúc cao hơn, hoặc các mặt hàng công nghệ. Nhưng trong đấu trường này, Nhật Bản lại phải cạnh tranh gay gắt với Mỹ, Pháp, Đức và Vương quốc Anh.

Nhiều thương hiệu như Sony, Toyota... đặt nhà máy sản xuất ở nước ngoài, nơi chi phí sản xuất thấp hơn, nhưng điều đó cũng khiến Nhật Bản không được hưởng các lợi ích như tạo việc làm cho người dân hay thu nhập từ thuế, mà chỉ nhận được thu nhập thông qua lợi nhuận hồi hương.

Cạnh tranh với Trung Quốc, dân số già và ít nhà máy hoạt động hơn ở Nhật Bản đã góp phần gây ra tình trạng trì trệ kinh tế ở Nhật Bản trong suốt những năm 2000. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã giảm lãi suất xuống mức âm, nhưng tác động nhận lại chỉ được tối thiểu - không đủ để kích thích tăng trưởng.

Vì vậy, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã triển khai nới lỏng định lượng: chính phủ bơm tiền vào hệ thống, và Ngân hàng Trung Ương sử dụng số tiền này để mua cổ phiếu và trái phiếu nhằm chuyển một lượng lớn thanh khoản cho các tập đoàn để họ có thể mở rộng và thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Chương trình nới lỏng định lượng lớn đến mức chính phủ Nhật Bản đã sở hữu cùng một lúc 434 tỷ USD trái phiếu và cổ phiếu.

Nhưng thật không may, chương trình nới lỏng định lượng cũng không thể kích thích nền kinh tế Nhật Bản, và sự trì trệ vẫn kéo dài suốt thập niên 2010.

Vì sao các biện pháp khắc phục hậu quả của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không thể thúc đẩy nền kinh tế, trong khi chúng hiệu quả ở nước khác? Các nhà phân tích đã chỉ ra 4 lý do sau đây:

- Thứ nhất, khác với chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ kéo dài 3 năm, chương trình của Nhật Bản kéo dài 20 năm - một khoảng thời gian quá dài để tạo tác động rõ rệt;

- Thứ hai, do dân số già, Nhật Bản không có bất kỳ sự thay đổi nào về năng lực sản xuất kể từ những năm 1980;

- Thứ ba, khác với các tập đoàn Mỹ thường sử dụng thanh khoản dư thừa để mở rộng hoạt động kinh doanh, các công ty Nhật Bản ưu tiên trả lại cho các cổ đông của mình;

- Thứ tư, các biện pháp khắc phục của Ngân hàng Trung ương Nhật không phù hợp với văn hóa của người Nhật. Cụ thể: ở Nhật Bản, việc nhân viên yêu cầu tăng lương bị coi là điều cấm kỵ. Chuyển đổi công việc để được trả lương cao hơn cũng không. Ngoài ra, người Nhật không thích các công ty tăng giá - một số công ty thậm chí còn công khai xin lỗi nếu họ tăng giá dù chỉ 5% - điều này khiến lợi nhuận của công ty bị giới hạn.

Ngày nay, Nhật Bản đã chấp nhận lao động nước ngoài để tăng cường lực lượng lao động của mình. Nước này cũng đang thúc đẩy du lịch để thúc đẩy nhu cầu địa phương.

Tuy nhiên, dân số già và ngày càng giảm của Nhật Bản là một vấn đề lớn. Trừ khi Nhật Bản chấp nhận một lượng lớn người lao động nhập cư, còn nếu không thì nước này sẽ tiếp tục bị các nền kinh tế đang lên như Ấn Độ, Indonesia, Brazil và Mexico "vượt mặt"./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Từ phép màu kinh tế đến "thập kỷ mất mát" và bị nhiều nước vượt mặt: Điều gì đã xảy ra với Nhật Bản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO