TS. Trần Thị Hồng Minh: Việt Nam chưa tận dụng được ưu đãi từ các FTA

Hải Sơn | 16:26 23/03/2023

TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, hầu hết hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU chưa được nhận diện thương hiệu, điều này dẫn đến số lượng hàng hóa bị trả về còn cao, trong khi chưa đáp ứng được các quy tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam.

TS. Trần Thị Hồng Minh: Việt Nam chưa tận dụng được ưu đãi từ các FTA
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: Nhật Đức)

Phát biểu tại Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững”, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đánh giá những nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 khi đã có những đóng góp, đồng hành cùng Chính phủ để đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đạt mức tăng trưởng ấn tượng 8,02%.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, Việt Nam đã chứng kiến những khó khăn không nhỏ, xuất-nhập khẩu cũng có xu hướng chững lại. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cả năm 2022 lên tới 143.200, tăng 19,5% so với năm 2021 và gấp 1,6 lần mức bình quân các năm 2017-2021.

Theo bà Minh, năm 2023 doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Cụ thể: trên bình diện chung, tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Khó khăn tiếp theo là một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn. Dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái, trong khi ngành da giày phải đáp ứng các yêu cầu ở giai đoạn sau.

Thứ ba, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chúng ta đều biết, khoảng 97-98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Trong khi đó, tiếp cận tín dụng của ngân hàng dù đã có những nỗ lực cân nhắc của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, song chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ tư là việc bảo đảm chất lượng lao động góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với yêu cầu làm việc trong bối cảnh mới. Việc các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp lớn có xu hướng thành lập các trường đại học, trường cao đẳng nghề cũng cho thấy một phần sự bất cập trong chất lượng đào tạo nghề hiện nay.

Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, theo bà Trần Thị Hồng Minh, bản thân doanh nghiệp cần chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Bà Minh cho biết, theo thông tin từ EuroCharm, hầu hết hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU chưa được nhận diện thương hiệu do các doanh nghiệp chưa ý thức được đúng tầm quan trọng của tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu hay tiêu chuẩn chất lượng. Điều này dẫn đến số lượng hàng hóa bị trả về còn cao, trong khi chưa đáp ứng được các quy tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu, ngoài việc trang bị dây chuyển, máy móc, công nghệ cũng cần phải tìm hiểu và cập nhật thường xuyên những thay đổi trong chính sách nhập khẩu hàng hóa của các thị trường đối tác”, bà Minh nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới một cách bền vững. Gần đây nhất, trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định thông điệp không đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá. Việt Nam cần các quy định, chính sách cụ thể hơn đối với kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển kỹ năng lao động gắn với số hóa, từ đó cải thiện năng suất lao động…

Điều quan trọng tiếp theo, Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm, bởi đối với doanh nghiệp cần tiếp cận vốn thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Theo đó, Chính phủ cũng cần sớm ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngoài ra, chúng ta cần phát động chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế, gắn với chuyển đổi số, các sáng kiến liên kết vùng và tạo động lực để chuyển khu vực phi kinh tế chính thức sang hoạt động chính thức.

Bài liên quan

(0) Bình luận
TS. Trần Thị Hồng Minh: Việt Nam chưa tận dụng được ưu đãi từ các FTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO