Chuyên gia Hồ Quốc Tuấn: “Cần có chính sách riêng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu để có thể chống chịu qua giai đoạn khó khăn hiện nay”

Bảo Anh | 20:54 14/03/2023

Theo chuyên gia, cần sớm tháo gỡ pháp lý cho các dự án đang bị đình lại, giúp doanh nghiệp có cơ sở để họ đàm phán lại với các nhà đầu tư về vấn đề gia hạn nợ hay giảm nợ.

Chuyên gia Hồ Quốc Tuấn: “Cần có chính sách riêng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu để có thể chống chịu qua giai đoạn khó khăn hiện nay”

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Vương Quốc Anh đánh giá, những giải pháp gần đây như nghị định 08 liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hay việc hạ nhiệt lãi suất cũng như thúc đẩy đầu tư công…đều những giải pháp quan trọng giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

BTV Mùi Khánh Ly: Nhiều giải pháp được đưa ra giúp tháo gỡ phần nào những khó khăn cho doanh nghiệp, gần đây nhất là sự ra đời của nghị định 08 liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về nghị định này?

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Vương Quốc Anh

Chúng ta thấy Nghị định 08 có ba điểm nổi bật. Thứ nhất là nghị định này tạo ra một hành lang pháp lý, qua hành lang pháp lý đó thì các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đàm phán lại với trái chủ trong trường hợp gặp khó khăn về thanh toán. Và điểm thứ hai là nghị định này tạo ra một hành lang pháp lý để hoán đổi trái phiếu thành tài sản khác, ví dụ như bất động sản hoặc một số loại tài sản khác của doanh nghiệp hoặc đầu tư vào dự án. Và với hành lang pháp lý mới của nghị định thì rõ ràng nhà đầu tư cũng được bảo vệ hơn.

Và điều cuối cùng là nghị định đã giãn hoặc hoãn thực hiện một số quy định tương đối chặt chẽ trước đây đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và nhà đầu tư vào thị trường này như phải đáp ứng nhà đầu tư chuyên nghiệp hay việc doanh nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm…Nhưng nếu nhìn về dài hạn, tôi nghĩ cần phải có nhiều biện pháp tháo gỡ vướng mắc khác về mặt pháp lý cũng như điều kiện thị trường.

Các giải pháp thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội, đầu tư công…cũng đang được triển khai để hỗ trợ cho nền kinh tế. Theo ông, những biện pháp này sẽ hỗ trợ như thế nào cho thị trường?

Về dài hạn đó là những hướng đi đúng đắn, nắn dòng vốn vào các khu vực nhà ở xã hội và làm giảm bớt sự chênh lệch giữa cung cầu về nhu cầu ở thực tế. Và đầu tư công cũng như nguồn tín dụng cho nhà ở xã hội sẽ giúp nguồn tiền thực có thể đi vào thị trường, tuy nhiên nguồn tiền từ đầu tư công và nhà ở xã hội, từ tín dụng cho xã hội sẽ cần một khoảng thời gian dài hơi để đưa ra được thị trường. Như vậy trong ngắn hạn cần có những giải pháp đồng thời khác để bơm dòng tiền thật sự vào thị trường. Và dòng tiền đó thì tự thân doanh nghiệp phải xoay được hoặc có những giải pháp như xây dựng hoặc tiến hành các dự án. Như chúng ta thấy ở Trung Quốc họ cũng làm như vậy, tức là họ cung cấp dòng tiền mới, song song với đó họ gỡ rối vấn đề pháp lý, thì Việt Nam cũng có thể thực hiện như vậy.

Một mối quan tâm nữa của thị trường đó là lãi suất. Hiện, cơ quan quản lý cũng đã đưa ra giải pháp giúp mặt bằng lãi suất trong nước có phần hạ nhiệt, nhưng liệu các doanh nghiệp đã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trong bối cảnh hiện nay?

Câu chuyện lãi suất không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam mà là của toàn thế giới hiện nay. Như chúng ta đã thấy ở Mỹ, lạm phát sau một quá trình giảm xuống, đã bắt đầu chững lại quá trình giảm xuống đó, do vậy FED đã đưa ra quan điểm mới có thể sẽ phải tăng lãi suất lớn hơn. Và chúng ta cũng thấy một vài ngân hàng trung ương như ECB đã đưa ra quan điểm nâng lãi suất lên trên 4% hướng tới 4,5-5%, tức là mặt bằng lãi suất dự kiến sẽ cao hơn. Và quan trọng hơn nữa là nó sẽ kéo dài hơn.

Ở Việt Nam, thị trường vốn liên thông với thị trường quốc tế chặt chẽ hơn. Khi lãi suất USD ở thị trường quốc tế tăng lên như vậy và lãi suất các đồng khác cũng tăng lên thì khả năng để mà Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất chính sách cũng như kéo lãi suất trong nước đi xuống vẫn còn, nhưng không đủ lớn để có thể kéo lãi suất xuống ở một mức mà doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn dồi dào ngay được.

Với những phân tích ở trên thì theo ông, những giải pháp được đưa ra đã đủ để tháo gỡ những khó khăn và thách thức chung của thị trường của nền kinh tế hay chưa?

Có thể hình dung câu chuyện như này, chúng ta đang có một người bệnh đưa vào phòng cấp cứu, thì những giải pháp đã đưa ra về mặt chính sách là đóng vai trò của bác sĩ đã tiến hành cấp cứu xong. Như vậy, ít nhất chúng ta đã ở trong trạng thái làm cho bệnh nhân sống lại nhưng chúng ta chưa chữa được hết bệnh cho bệnh nhân và căn bệnh này có thể tái phát bất kỳ lúc nào. Nếu muốn chữa bệnh thì chúng ta phải có những giải pháp căn cơ hơn.

Vậy theo ông đâu là những giải pháp trọng tâm và đủ mạnh mẽ để giải quyết nút thắt cho thị trường và nền kinh tế hiện nay?

Đang có một sự tắc nghẽn nguồn vốn của nền kinh tế do lãi suất đang ở mức cao, và bây giờ chúng ta cần nguồn vốn thứ hai để kích thích nền kinh tế, đó là đầu tư công. Khi đầu tư công đưa ra sẽ thúc đẩy nhiều khu vực kinh tế. Có vốn đầu tư công đẩy ra thì ngân hàng cũng tự tin hơn trong các khoản cho vay. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở Việt Nam bị đánh giá là chậm. Và như vậy không chỉ là vấn đề thúc đẩy dự án đầu tư công trên giấy tờ mà chúng ta cần phải giải ngân đạt đủ mục tiêu đề ra.

Yếu tố tiếp theo là hiện nay là rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn và chúng ta cũng thấy là có những nhà máy đang sa thải công nhân…Như vậy, vấn đề là doanh nghiệp họ có thể chống chịu đến khi nào? Và họ có nhận được đơn hàng mới hay không? Chúng ta phải có một chính sách riêng hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu để có thể chống chịu qua giai đoạn khó khăn này, và giải pháp này cũng được xem là chính sách hỗ trợ chung cho nền kinh tế đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta. Bên cạnh đó, cần sớm tháo gỡ pháp lý cho các dự án đang bị đình lại, giúp doanh nghiệp có cơ sở để họ đàm phán lại với các nhà đầu tư về vấn đề gia hạn nợ hay giảm nợ…


(0) Bình luận
Chuyên gia Hồ Quốc Tuấn: “Cần có chính sách riêng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu để có thể chống chịu qua giai đoạn khó khăn hiện nay”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO