40 triệu là con số lãi phải trả mỗi tháng cho những bất động sản đang thế chấp mà anh Nguyễn Thuận (Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải “gồng”. Hơn 3 tháng nay, anh Thuận xoay tiền đầy vất vả để gom trả cho ngân hàng. Nguyên do khoản thu nhập từ môi giới gần như chững lại trong khi dòng tiền thu nhập từ kinh doanh đồ điện tử tại cửa hàng của anh cũng rơi vào tình trạng thu không bù chi.
Dự kiến đến tháng 11/2022, số tiền lãi mà Thuận phải trả còn tăng thêm khoảng 5% do hết chương trình ưu đãi lãi suất năm đầu tiên và mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng, dẫn tới lãi suất cho vay tăng.
Dự đoán trước được áp lực lớn từ trả lãi ngân hàng, anh Thuận đã liên hệ môi giới rao bán 2 lô đất ở vùng ven. 2 lô đất này được anh mua vào tháng 8/2021 với mức giá 1,7 tỷ/lô. Theo anh Thuận đánh giá, lô đất có vị trí đẹp, đường ô tô đi lại và gần kề dự án lớn đang nằm trong quy hoạch.
Dù vậy, 2 tháng trôi qua, kể từ khi giao cho môi giới bán, lượng khách hỏi và trả giá thấp hơn so với mức mà anh mua. Đến cuối tháng 9/2022, anh buộc phải chấp nhận cắt lỗ 50 triệu đồng/lô đất cho khách để thu tiền trả nợ ngân hàng.
“Tôi hết khả năng trả lãi vì vay tất cả bạn bè quen biết. Nếu không cắt lỗ đất, không có tiền, tôi sẽ không thể trả được tiền ngân hàng. Tôi chấp nhận bị nhà đầu tư khác ép giá”, anh Thuận chia sẻ.
Tương tự trong hoàn cảnh của anh Thuận, chị Hương Lê (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang rơi vào cảnh bị nhà đầu tư ép giá. Cụ thể, Tháng 10/2020, chị Hương Lê đầu tư căn nhà phố tại Hoài Đức với mức giá 8,3 tỷ đồng. Vì không thể thanh toán chi trả cho khoản nợ lãi, chị Hương Lê quyết định bán nhà phố.
Mức giá mà chị Hương Lê rao bán cho môi giới là 9,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía môi giới trao đổi thẳng: “Mức giá này rất khó trôi”. Sau hơn 1 tháng rao bán, với thông tin môi giới đưa ra: “Không một ai hỏi về căn nhà phố nên chị phải hạ giá xuống”, chị Huơng Lê chấp nhận đưa về mức giá 8,3-8,5 tỷ đồng.
Điều đáng nói, dù sau đó, môi giới có dẫn nhiều khách đến xem nhà nhưng mức giá mà người mua trả đều ở mức thấp. Có nhà đầu tư chỉ trả chị Hương Lê 7,5 tỷ đồng.
Sau khi có tới 5 khách ưng và trả giá thấp, đàm phán nâng giá bất thành, chị Hương Lê buộc phải chốt bán cho một nhà đầu tư với giá 7,9 tỷ đồng, cắt lỗ tới 400 triệu đồng.
Chấp nhận phải bán giá rẻ khiến chị Hương Lê cho biết, nếu như có vốn mạnh, chị sẽ lựa chọn để 3-5 năm bởi đây là căn nhà phố có vị trí đẹp và thiết kế hợp lý.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc Hà Nội, thời “ép giá” bất động sản đã tới. Hiện tại, với bất động sản giá trị cao, đa phần là những nhà đầu tư đi “săn hàng”. Vì có sẵn tiềm lực tài chính, chấp nhận chồng đủ tiền mặt, họ biết sẽ có nhà đầu tư cần thoát hàng để trả nợ. Họ sẵn sàng ép giá thấp để mua. Thực tế, hiện tại, những nhà đầu tư đi “săn hàng” đều trong tâm lý, rẻ mới mua vì thị trường đang có nhiều sự lựa chọn tốt do nhóm nhà đầu tư gánh nợ đang cần thoát hàng.
Vị này còn dự báo, làn sóng “ép giá” còn lan rộng trên thị trường trong thời gian tới. Trong một talkshow chia sẻ mới đây, bà cho rằng, những nhà đầu tư nếu có tiền vẫn tìm kiếm cơ hội sinh lời.
Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đã từng đưa ra nhận định về làn sóng giảm giá bất động sản trước đó. Ông Hiển cho rằng, đã có giao dịch ngầm mua lại bất động sản giá trị thấp.
Dự báo trong những tháng cuối năm, vị chuyên gia này nhận định, thanh khoản trên toàn thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt giảm mạnh ở những loại hình bất động sản chưa thể tạo ra dòng tiền khai thác, kinh doanh và các bất động sản giá trị lớn.
Đáng chú ý là động thái tăng lãi suất của nhiều ngân hàng đã khiến khả năng tiếp cận với dòng vốn từ ngân hàng càng thêm khó. Áp lực của những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính càng nặng thêm nên nhiều khả năng, làn sóng bán cắt lỗ vẫn tiếp diễn trong các tháng tới.