TS. Cấn Văn Lực: Thủ tướng, NHNN mong muốn độ trễ CSTT ngắn hơn, thông thường là 2-3 tháng nhưng giờ chỉ khoảng 1-2 tháng, nhanh nhất có thể thì mới kịp thời

Quốc Thuỵ | 10:05 21/07/2023

TS. Cấn Văn Lực cho rằng chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ, chắc chắn" và đến nay, tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng" là rất phù hợp với với tình hình trong nước và quốc tế.

TS. Cấn Văn Lực: Thủ tướng, NHNN mong muốn độ trễ CSTT ngắn hơn, thông thường là 2-3 tháng nhưng giờ chỉ khoảng 1-2 tháng, nhanh nhất có thể thì mới kịp thời
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại tọa đàm "Điều hành linh hoạt chính s

Chia sẻ tại tọa đàm "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho rằng, trong điều kiện quốc tế và trong nước trong 2 năm vừa qua có rất nhiều biến động và nhiều yếu tố gọi là "đa khủng hoảng" xảy ra, Việt Nam đã có những điều chỉnh về mặt chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng phù hợp với bối cảnh, với thời điểm và mức độ.

“Trong thời kỳ quý I-III năm ngoái, lạm phát của thế giới tương đối cao. Lúc đó chính sách tiền tệ của chúng ta là "chặt chẽ". Cuối năm ngoái, về cơ bản lạm phát của chúng ta kiểm soát tốt và lạm phát toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thì chúng ta chuyển sang trạng thái "chắc chắn" và thực hiện được đa mục tiêu. Còn thời điểm hiện nay, Chính phủ cũng như Thủ tướng quyết định chuyển sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng". Tôi thấy rất phù hợp!”, ông Lực đánh giá

Theo ông Lực, lạm phát trên thế giới về cơ bản đã chững lại và đang giảm giá. Thậm chí, ở một số thị trường còn giảm nhanh hơn dự báo, như ở Mỹ, lạm phát tháng 6 so với cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 3% từ mức 9% của đỉnh điểm tháng 7-8/2022. Giá cả các mặt hàng, đặc biệt là giá năng lượng, giá hàng hóa cơ bản cũng đã và đang giảm dần, trừ một vài mặt hàng nông sản thời gian gần đây, như gạo, cà phê…

Trong bối cảnh như vậy, áp lực đối với lạm phát, với tỉ giá trên thế giới đã giảm nhiệt đi rất nhiều. Một bối cảnh nữa rất quan trọng là thực tiễn ở Việt Nam, về cơ bản lạm phát của chúng ta, cả lạm phát tổng thể cũng như lạm phát lõi, đã và đang giảm dần từ đầu năm tới giờ. Lạm phát tổng thể của chúng ta hồi tháng 1 so với cùng kỳ năm trước ở mức khoảng 4,9%, tháng 6 vừa qua chỉ còn khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính bình quân 6 tháng là 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản của chúng ta đã và đang giảm dần dù chậm hơn, từ mức khoảng 5,21% đầu năm xuống 4,74% của tháng 6. Đấy là cơ sở rất quan trọng.

Thứ hai là kinh tế của chúng ta 2 quý vừa qua mặc dù có tiến triển hơn nhưng vẫn còn khó khăn, chịu tác động rất lớn từ những yếu tố đặc biệt bên ngoài và những yếu tố nội tại bên trong tồn tại lâu nay và vẫn phải tiếp tục xử lý. Vì thế, chúng ta đạt mức tăng trưởng chỉ 3,72% của 6 tháng đầu năm.

"Rõ ràng, bây giờ chúng ta cần thay đổi chính sách phù hợp để phục hồi và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, chúng ta nới lỏng nhưng linh hoạt, tức là vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định được kinh tế vĩ mô", ông Lực đánh giá.

Kinh tế trưởng BIDV cho rằng dư địa chính sách tiền tệ lẫn tài khóa của Việt Nam vẫn còn.

Theo ông Lực, chính sách tài khóa rất quan trọng là nguồn thu cho ngân sách nhà nước thì có vẻ đang giảm, nhưng chúng ta đang còn dư địa, kể cả nợ công lẫn nợ nước ngoài… Tóm lại điều kiện cần là có dư địa chính sách thì chúng ta đã có.

Thứ hai là về liều lượng. Ông Lực đánh giá liều lượng hiện nay là tương đối phù hợp.

Thứ ba là phối hợp chính sách. Nếu chúng ta dồn dập quá vào chính sách tiền tệ chưa chắc đã đạt hiệu quả cao, nó phải đồng bộ các chính sách khác mới đảm bảo mức độ thẩm thấu của chính sách tốt hơn.

Riêng về câu chuyện chính sách tiền tệ, Kinh tế trưởng BIDV cho biết tín dụng ngân hàng chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư xã hội của Việt Nam, cộng với TPDN chiếm khoảng 15%, thì suy ra việc giảm mặt bằng lãi suất sẽ là giảm lãi suất cho 65% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

“Cái đấy rất quan trọng để lượng hóa. Đương nhiên rất quan trọng đối với câu chuyện chi phí hoạt động của doanh nghiệp”, ông Lực nhấn mạnh.

Ý thứ hai là chúng ta đồng ý với nhau là phải có độ trễ chính sách. Theo ông Lực, Thủ tướng cũng như NHNN mong muốn độ trễ đó ngắn hơn. Thông thường là 2-3 tháng nhưng giờ chỉ khoảng 1-2 tháng, nhanh nhất có thể thì mới kịp thời.

Vấn đề thứ ba là Thủ tướng và Chính phủ đã ra thông điệp rõ ràng là cố gắng giảm mặt bằng giảm lãi suất từ 1,5-2% cho đến cuối năm. Vị chuyên gia này cho rằng đây là một thông điệp rất mạnh dạn, rất rõ, cụ thể. Thực tế thời gian qua ngân hàng cũng đã giảm lãi suất, theo thống kê lãi suất huy động đầu vào giảm bình quân khoảng từ 1-1,2%, lãi suất cho vay cũng giảm mức độ tương tự.

“Bây giờ chúng ta tiếp tục phấn đấu để giảm tiếp lãi này theo chỉ đạo của Chính phủ. Cái này phù hợp và khả thi trong thời gian tới”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết.

Dù vậy, ông Lực cũng nhận định giảm lãi suất chỉ là 1 vế của vấn đề, điều kiện cần. Điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp mới quan trọng. Vấn đề là làm thế nào tăng cả cung và cầu. Phía cầu là chúng ta giảm lãi suất rồi, phía cung là tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.

Cuối cùng, phải khơi thông cả những kênh dẫn vốn khác, bởi vì kênh dẫn vốn trái phiếu doanh nghiệp rất quan trọng, 2 quý đầu năm chỉ bằng 60% với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chúng ta khơi thông được chỗ này thì rõ ràng dòng vốn trung và dài hạn sẽ khá nhiều.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý một điểm là giảm lãi suất cũng không thể giảm quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được. Quan sát trong 2 tháng vừa rồi, một số dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển từ kênh tiết kiệm riêng tư sang kênh chứng khoán. Như vậy vẫn phải đảm bảo một mức độ hấp dẫn nhất định để dòng tiền tiếp tục vào ngân hàng, ngân hàng có thanh khoản cho vay, đảm bảo nguồn vốn đi vào kinh doanh thay vì chỉ đầu tư tài chính hay tồn kho bất động sản như thời gian vừa qua.

“Tôi nghĩ rằng phải đồng bộ chính sách như vậy thì mới đảm bảo mức độ thẩm thấu, việc giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ mới có hiệu quả”, ông Lực đánh giá.

Bài liên quan

(0) Bình luận
TS. Cấn Văn Lực: Thủ tướng, NHNN mong muốn độ trễ CSTT ngắn hơn, thông thường là 2-3 tháng nhưng giờ chỉ khoảng 1-2 tháng, nhanh nhất có thể thì mới kịp thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO