Phía Ấn Độ cho biết, việc hạn chế xuất khẩu nằm trong nỗ lực của nước này để kiềm chế giá lương thực tăng cao. Ngoài ra, nó cũng đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới hơn 40% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu và là nhà sản xuất lớn thứ 2 chỉ sau Trung Quốc nên nhưng tác động từ lệnh cấm này sẽ vượt xa ngoài biên giới quốc gia.
Các nhà phân tích của CNBC cho biết lệnh cấm có thể khiến giá gạo, vốn đã cao, sẽ còn tăng cao hơn nữa. Bangladesh và Nepal sẽ là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh cấm vì là những nước nhập khẩu lớn nhất của gạo Ấn Độ. Bên cạnh đó, việc giảm nguồn cung, các phản ứng hoang mang và hoạt động đầu cơ trên thị trường gạo toàn cầu sẽ khiến giá cả tăng vọt.
Công ty phân tích nông nghiệp Gro Intelligence còn dự đoán rằng lệnh cấm sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào gạo, bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Benin và Nepal. Ngoài ra, các nước châu Phi khác cũng nhập khẩu một lượng lớn gạo từ Ấn Độ.
Gạo trắng không phải basmati chiếm khoảng 25% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Hồi tháng 9 năm ngoái, nước này cũng đã cấm xuất khẩu gạo tấm.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Radhika Rao của Ngân hàng DBS nhận định việc hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ có thể khiến khách hàng tìm tới các nhà cung cấp thay thế trong khu vực như Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên, giá cả sẽ không rẻ. Hiện tại, giá gạo đang dao động ở mức cao nhất 1 thập kỷ khi mặt hàng nông sản này được lựa chọn để thay thế lúa mì và nhiều loại ngũ cốc, vốn chịu tác động từ xung đột ở Ukraine. Giá lúa mì cũng tăng vọt trong tuần này sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen.
Tham khảo: CNBC