SCMP dẫn nguồn từ Tân Hoa Xã cho biết, một đội xây dựng Trung Quốc chuyên đào hầm đã bắt tay vào việc chinh phục một trong những dãy núi dài nhất thế giới, thực hiện phân đoạn nhiều khó khăn nhất của dự án lớn tại Tân Cương. Đó là khoan hầm cách mặt sông băng chỉ vài km.
Đường hầm Tây Thiên Sơn dài 15,7km là một phần của tuyến đường cao tốc chính nối các khu vực phía nam và phía bắc của Tân Cương, phía tây Trung Quốc. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thương mại và du lịch, đồng thời mở ra mối liên kết quan trọng với khu vực Trung Á nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tờ Tân Hoa Xã đưa tin, hôm 3/7, đội xây dựng của dự án này đã kích hoạt một chiếc máy đào hầm (TBM) được Trung Quốc chế tạo để khoan dưới dòng sông băng khổng lồ, nhằm tạo lối đi chính cho đường hầm.
Cỗ máy này nặng 1.800 tấn, có tên là Ôn Túc được thiết kế và phát triển bởi China Communications Construction Company thuộc sở hữu nhà nước. Theo People’s Daily, cỗ máy có chiều dài 235 mét và đường kính 8,83 mét và là cỗ máy lớn nhất được sử dụng trong các dự án đào hầm hiện đang tiến hành tại Thiên Sơn.
Khoảng 2/3 tổng chiều dài 2.500 km của dãy Thiên Sơn, trải dài đến Kyrgyzstan, Uzbekistan và Kazakhstan ở Trung Á, nằm ở Tân Cương. Độ cao trung bình của dãy là khoảng 4.000 mét.
Đường hầm Tây Thiên Sơn sẽ là đường hầm đầu tiên của Trung Quốc đi thẳng qua dòng sông băng. Hơn 12 km của đoạn đường sẽ được kéo dài, đi xuyên qua những tảng đá bên dưới mặt băng dày 1 km, có một số đoạn là 2,4 km.
Ôn Túc cũng là máy TBM hiện đại nhất được sử dụng cho dự án tại dãy Thiên Sơn, khu vực có hoạt động địa chấn, với nhiệt độ trung bình khoảng âm 23 độ C vào mùa đông. Theo Tân Hoa Xã, các điều kiện về địa chất ở đây là mối thách thức đặc biệt về an toàn lao động và môi trường đối với việc khoan hầm, bao gồm rủi ro bị nước xâm nhập, vỡ đá và nhiệt độ mặt nước thay đổi.
People’s Daily cho biết, việc xây dựng đường hầm bắt đầu vào tháng 9 năm ngoái và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026. Đây là dự án quan trọng của tuyến đường cao tốc Chiêu Tô - Ôn Túc, hay còn gọi là G219, dài 237 km, nối quận Chiêu Tô ở phía Bắc Tân Cương với Ôn Túc ở phía nam.
Dự kiến tuyến đường sẽ thông xe vào năm 2027 và là một phần trong dự án giao thông chính nối Trung Quốc với Nga, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Pakistan, cũng như đóng vai trò kết nối quan trọng giữa Tân Cương và Tây Tạng.
Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một số tuyến đường cao tốc và đường hầm ở Tân Cương trong những năm gần đây. Trong đó bao gồm đường hầm Tianshan Shengli - một đoạn quan trọng của đường cao tốc Urumqi - Yuli dài 1.300 km kết nối nửa phía nam và phía bắc của Tân Cương. Đoạn đường dài tổng cộng 22,1 km này sẽ là đường hầm dài nhất thế giới khi được thông xe vào cuối năm tới.
Tham khảo SCMP