Nguồn tin thân cận cho biết, nguồn tài trợ chủ yếu sẽ đến từ việc phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt mới. Tuy nhiên, kế hoạch chi tiết vẫn chưa được hoàn thiện và có thể thay đổi. Đây sẽ là động thái đầu tiên của Bắc Kinh nhằm bơm vốn cho các ngân hàng lớn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Hiện tại, Trung Quốc đang nhanh chóng hỗ trợ thêm vốn cho các ngân hàng, dù 6 ngân hàng hàng đầu có mức vốn cao hơn quy định. PBOC đã công bố các đợt cắt giảm mạnh lãi suất thế chấp và lãi suất chính sách để giúp hồi phục nền kinh tế.
Được kêu gọi để hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua, các tổ chức cho vay như Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Trung Quốc (BOC) đang gặp khó khăn do biên lợi nhuận thấp, lợi nhuận giảm và nợ xấu tăng.
Li Yunze, quan chức của cơ quan quản lý đầu ngành - Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia, hồi đầu tuần cho biết Bắc Kinh sẽ đưa ra hành động để tăng vốn cấp 1 tại 6 ngân hàng thương mại lớn nhất, song ông không giải thích thêm.
Thời gian gần đây, các ngân hàng lớn của Trung Quốc chịu áp lực ngày càng lớn từ các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ nền kinh tế, bằng cách cung cấp các khoản vay rẻ hơn cho các bên đi vay rủi ro, như các nhà phát triển bất động sản, người sở hữu nhà cho đến các phương tiện tài chính của địa phương gặp khó khăn.
Mới đây, một số nhà băng đã trả cổ tức tạm thời để hỗ trợ thị trường chứng khoán dù tăng trưởng lợi nhuận và biên lợi nhuận sụt giảm. Việc các ngân hàng quan trọng trong hệ thống trả cổ tức cao hơn cũng có thể làm giảm khoản vốn dự phòng (capital buffer).
Hồi tháng 5, Trung Quốc đã kích hoạt đợt phát hành trái phiếu chính phủ siêu dài hạn trị giá 1 nghìn tỷ NDT, dự kiến kết thúc đợt bán ra vào giữa tháng 11. Phiên đấu giá mới nhất chứng kiến trái phiếu 30 năm có lợi suất trung bình là 2,19%, mức thấp kỷ lục từ năm 2007.
Trong khi đó, tổng lợi nhuận của các nhà cho vay thương mại của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% trong nửa đầu năm, tốc độ chậm nhất kể từ năm 2020. Biên lợi nhuận ròng của ngành tiếp tục giảm, đạt mức thấp kỷ lục là 1,54% vào cuối tháng 6, thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn cần thiết để duy trì lợi nhuận là 1,8%.
Lần đầu tiên Trung Quốc hỗ trợ 4 ngân hàng lớn trong nước là vào cuối những năm 1990, khi tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng này tăng vọt lên khoảng 40%. Ở thời điểm đó, các nhà hoạch định chính sách đã phát hành trái phiếu đặc biệt để huy động vốn và thành lập các ngân hàng thu mua nợ xấu để mua 1,4 nghìn tỷ NDT các khoản vay khó đòi.
Nỗ lực này đã phát huy hiệu quả, tạo tiền đề cho hơn 1 thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và giúp nhiều doanh nghiệp lớn khai thác thị trường vốn toàn cầu.
Những năm 2000, Bắc Kinh bơm 60 tỷ USD dự trữ ngoại hối tái cấp vốn cho ICBC, BOC và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) để giải quyết vấn đề nợ xấu. Năm 2008, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) đã nhận được khoản hỗ trợ khoảng 19 tỷ USD và khép lại 1 thập kỷ cải tổ ngành ngân hàng của Trung Quốc.