Trung Quốc đánh thuế trả đũa ‘át chủ bài’ năng lượng Mỹ xuất khẩu nhiều nhất thế giới: Biểu tượng thành công đối mặt mối đe doạ tiềm tàng?

Anh Dũng | 11:42 22/04/2025

Các mức thuế do Tổng thống Donald Trump đưa ra đang gây sức ép lên một trong những mặt hàng xuất khẩu thành công nhất của Mỹ trong thập kỷ qua.

Trung Quốc đánh thuế trả đũa ‘át chủ bài’ năng lượng Mỹ xuất khẩu nhiều nhất thế giới: Biểu tượng thành công đối mặt mối đe doạ tiềm tàng?

Loạt thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang khiến propan (nguyên liệu quan trọng để sản xuất nhựa) Mỹ trở nên đắt đỏ đối với các nhà máy tại Trung Quốc. Giá propan Mỹ đã giảm khoảng 15%, trong khi giá cước vận chuyển của các tàu chở chuyên dụng đã biến động mạnh kể từ khi ông Trump triển khai đợt đánh thuế mới trong tháng này.

Trung Quốc là mục tiêu chính, với mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc tới 145%. Trung Quốc sau đó đáp trả bằng mức thuế 125% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm cả propan.

Từ con số không cách đây gần thập kỷ, propan đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Trung Quốc, cùng với đậu tương và các sản phẩm điện tử. Năm ngoái, Trung Quốc mua gần 18% tổng lượng propan xuất khẩu của Mỹ, chỉ sau Nhật Bản.

chart-9-.png
Xuất khẩu propan hàng năm từ Mỹ sang Trung Quốc (đơn vị: nghìn thùng). Nguồn: EIA

Một phần propan này được dùng cho sưởi ấm và nấu nướng. Phần lớn còn lại được chuyển vào các nhà máy khử hydro propan (PDH), nơi sản xuất propylen. Propylen là nguyên liệu chính cho các sản phẩm như thảm, cản xe hơi, xô nhựa, chai nước, kính mắt, màng bọc thực phẩm, túi siêu thị, đệm và tất.

Theo các chuyên gia phân tích và cố vấn thương mại, mức thuế đáp trả của Trung Quốc khiến propan Mỹ không còn tính kinh tế đối với các nhà máy PDH nước này, ngay cả khi thành phẩm được xuất khẩu ngược lại Mỹ.

Lần gần nhất Trung Quốc đáp trả ông Trump bằng thuế quan vào năm 2018, nước này đã ngừng nhập khẩu propan từ Mỹ và chuyển sang nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, hiện nay số lượng nhà máy PDH của Trung Quốc đã tăng mạnh. Theo ông Julian Renton từ công ty phân tích năng lượng East Daley Analytics, không có nhà cung cấp nào đủ khả năng thay thế lượng propan từ Mỹ, vốn chiếm tới 60% nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc.

Ông nói: “Trung Quốc không thể thay thế propan từ Mỹ và Mỹ cũng không thể thay thế nhu cầu từ Trung Quốc. Hai thị trường này gắn chặt với nhau và sẽ không thể tách rời”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Hoạt động khai thác dầu đá phiến bùng nổ trong hai thập kỷ qua tại Mỹ đã tạo ra lượng lớn dầu thô và khí tự nhiên, cùng các sản phẩm phụ như propan. Loại khí hóa lỏng này có thể thu được từ cả các giếng dầu ở Tây Texas và các mỏ khí tại dãy Appalachia.

Hàng triệu người Mỹ sống ở vùng nông thôn dùng propan để sưởi ấm, nấu ăn và cung cấp nước nóng. Nhiều người sử dụng bình propan cho các hoạt động cắm trại và nướng ngoài trời. Ngoài ra, propan được dùng để vận hành xe nâng hàng, sấy nông sản, làm ấm sân và hồ bơi, cũng như làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa dầu trong nước. Tuy nhiên, sản lượng dầu đá phiến tăng vọt đã khiến nguồn cung dư thừa, từ đó dẫn đến bùng nổ xuất khẩu.

Năm 2009, Mỹ còn là nước nhập khẩu propan ròng. Nhưng chỉ 4 năm sau, nước này đã vượt qua Qatar để trở thành nhà xuất khẩu propan lớn nhất thế giới. Chẳng bao lâu sau, Mỹ xuất khẩu nhiều propan hơn toàn bộ khu vực Trung Đông cộng lại.

Xuất khẩu propan hàng tháng của Mỹ đến các quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mexico và các quốc gia khác (từ 1/2024-12/2024). Nguồn: EIA

Trong điều kiện thị trường tự do, giá propan Mỹ rất cạnh tranh, ngay cả sau khi cộng thêm chi phí vận chuyển. Các chuyên gia phân tích cho rằng giá còn có thể giảm sâu hơn nữa, trừ ở Trung Quốc - nơi các đối thủ của Mỹ có khả năng giành thị phần và bán với giá cao hơn.

Tuần trước, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết một phần trong khoảng 400.000 thùng propan mà Trung Quốc từng nhập mỗi ngày từ Mỹ sẽ tìm được đầu ra mới. Nhưng điều đó vẫn không đủ để ngăn lượng hàng propan tồn kho dồn về trung tâm giao dịch xuất khẩu ở Mont Belvieu, Texas, kéo theo áp lực giảm giá mạnh.

Giá giảm sẽ có lợi cho người mua trong nước, bao gồm các doanh nghiệp hóa chất. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Kristen Holmquist tại công ty tư vấn RBN Energy, điều đó khó có thể giúp tăng mạnh nhu cầu nội địa.

Bà nói: “Không phải giá propan giảm 40% là người ta sẽ sưởi ấm nhà nhiều hơn”.

Do propan là sản phẩm phụ của khai thác dầu khí, sản lượng khó có thể giảm chỉ vì giá sụt. Khác với ethane – một sản phẩm phụ khác có thể đưa vào lưới khí để đốt phát điện – propan không thể dễ dàng xử lý theo cách đó.

Nếu thuế quan tiếp tục duy trì, giá propan sẽ phải giảm đến mức khiến mức thuế trở nên vô nghĩa đối với các nhà máy propylen Trung Quốc, hoặc khiến người mua không thể nhắm mắt bỏ qua cơ hội mua hàng giá rẻ.

Một tàu chở propan đang được đóng tại một xưởng đóng tàu ở Tô Châu, Trung Quốc. Ảnh: ZUMA Press

Một số người mua Trung Quốc có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận giá cao để duy trì hoạt động của các nhà máy PDH. Công suất các nhà máy này đã tăng vọt trong vài năm qua và còn tiếp tục mở rộng. Để vận hành các nhà máy dự kiến đi vào hoạt động từ nay đến năm 2030, sẽ cần một lượng propan tương đương với mức mà Trung Quốc hiện đang nhập từ Mỹ.

Để đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh, các công ty năng lượng Mỹ đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng năng lực xuất khẩu.

Ông Henry Hoffman, nhà quản lý danh mục quỹ Catalyst Energy Infrastructure Fund, cho biết các dự án này sẽ vẫn được triển khai như kế hoạch. Bởi chúng chỉ được khởi công sau khi đã có các thỏa thuận cung ứng dài hạn từ khách hàng quốc tế. Đây là những hợp đồng buộc bên mua phải trả tiền dù có sử dụng hay không.

Theo WSJ


(0) Bình luận
Trung Quốc đánh thuế trả đũa ‘át chủ bài’ năng lượng Mỹ xuất khẩu nhiều nhất thế giới: Biểu tượng thành công đối mặt mối đe doạ tiềm tàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO