Trong khi châu Âu chật vật tìm kiếm năng lượng, một quốc gia châu Á lại đang có thừa và sẵn lòng bán lại cho EU

Khánh Vy | 09:58 22/09/2022

Theo Bộ Tài nguyên Trung Quốc, quốc gia này có đủ than cho 5 thập kỷ tới và đủ dầu để sử dụng ít nhất 18 năm với tốc độ sản xuất như hiện tại.

Trong khi châu Âu chật vật tìm kiếm năng lượng, một quốc gia châu Á lại đang có thừa và sẵn lòng bán lại cho EU
Ảnh: Bloomberg

Việc kiểm đếm trữ lượng hàng năm mới nhất được công bố hôm thứ 4 (21/9) cho thấy phải đến năm 2030, Trung Quốc có thể mới đạt  đỉnh về phát thải carbon.

Riêng với than đá, loại nhiên liệu được coi là bẩn nhất thế giới,  Trung Quốc khó đạt được tham vọng mức độ phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Trung Quốc tiêu thụ hơn 4 tỷ tấn than mỗi năm, hầu hết được khai thác trong nước với lượng nhập khẩu chỉ chiếm chưa đến một phần mười nhu cầu của nước này. Năm 2021, trữ lượng than nước tỉ dân ở mức khoảng 208 tỷ tấn, nhiều hơn 28% so với mức của năm trước, trong khi chi phí thăm dò tăng 10% lên 1,3 tỷ nhân dân tệ (184 triệu USD).

screenshot-51-.png
Sản lượng khai thác than của Trung Quốc tăng mạnh vào năm 2022 (Nguồn: Trading Economics)

Đối với dầu mỏ, trữ lượng tăng 2,8% lên 3,7 tỷ tấn, về mặt lý thuyết sẽ đủ để giúp các nhà khai thác của Trung Quốc sử dụng trong 2 thập kỷ tới, với giả định sản lượng ổn định khoảng 200 triệu tấn một năm. Trữ lượng khí đốt tự nhiên cũng cao hơn một chút ở mức 6,339 tỷ mét khối, đủ cho 3 thập kỷ tiếp theo.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu phần lớn dầu mỏ và khí đốt. Báo cáo cho biết, đầu tư cho hoạt động thăm dò trong năm đã tăng 13% lên 80 tỷ nhân dân tệ, với những đột phá trong việc tìm kiếm các trữ lượng mới ở Tứ Xuyên, Tân Cương và Nội Mông, cũng như Vịnh Bột Hải.

Trung Quốc trở thành nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu

Theo tờ DW của Đức, có nhiều thông tin gần đây cho rằng khí đốt Nga đang “đi đường vòng” qua Trung Quốc để chảy vào châu Âu.

“Thị trường khí đốt hoá lỏng (LNG) toàn cầu đang ngày càng hội nhập, và sự dịch chuyển nhu cầu giữa các khu vực có thể giúp cân bằng các thị trường đang bị thắt chặt. Sự chuyển hướng của các dòng chảy mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan”, Giám đốc phụ trách nghiên cứu năng lượng của công ty tư vấn vĩ mô Greenmantle - ông Nicholas Kumleben - nói với DW.

Trước thềm mùa đông, dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đạt mức khoảng 80% công suất - một tiến độ nhanh hơn kế hoạch đề ra - một phần nhờ những lô LNG mua được từ Trung Quốc, cho dù xuất khẩu khí đốt Nga qua các đường ống dẫn tới châu Âu đã giảm mạnh kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Trong lúc nhu cầu LNG trong nước chững lại do kinh tế giảm tốc, các công ty dầu khí Trung Quốc đã đẩy mạnh việc bán lại LNG ra thị trường nước ngoài để tranh thủ mức giá cao.

Năm nay, các công ty Trung Quốc đã bán 4 triệu tấn LNG trên thị trường quốc tế, tương đương khoảng 7% tổng lượng tiêu thụ khí đốt của EU trong nửa đầu năm. Một bằng chứng mới của xu hướng này đến từ JOVO Group, một công ty môi giới LNG của Trung Quốc. Công ty này cho biết mới bán một lô LNG trị giá 100 triệu USD cho một khách châu Âu.

60618544_303.jpg
Ảnh: DW

Hãng lọc hoá dầu lớn nhất Trung Quốc Sinopec Group cũng cho biết đang bán bớt lượng LNG dư thừa ra thị trường toàn cầu. Truyền thông Trung Quốc cho biết trong năm nay, Sinopec đã bán 45 lô LNG với tổng khối lượng khoảng 3,15 triệu tấn.

“Nếu châu Âu đang mua LNG từ Trung Quốc, thì một phần trong số đó có thể là LNG từ Nga, và có thể được pha trộn”, chuyên gia Anna Mikulska thuộc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng, Đại học Rice, nói với DW. “Tôi không tin là có những quy định về nguồn gốc xuất xứ của khí đốt. Xét cho cùng, đây là câu chuyện về sự chuyển hướng của dòng chảy năng lượng”.

Về bản chất, việc này cũng giống như “lách” các biện pháp trừng phạt kinh tế mà EU đã áp lên Nga, cho dù khối này chưa hề trừng phạt xuất khẩu khí đốt của Nga. Thay vào đó, Nga đã cắt giảm mạnh lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu và các thị trường LNG trên toàn cầu có sự kết nối chặt chẽ, dẫn tới sự dịch chuyển của dòng chảy khí đốt.

“EU chẳng có thể làm gì khác ngoài việc thôi không mua LNG của Trung Quốc nữa, nhưng như thế thì họ có thể rơi vào cảnh thiếu khí đốt nghiêm trọng trong mùa đông. Bằng cách này, Trung Quốc chứ không phải Nga là đối tượng được hưởng phần lợi nhuận tăng thêm từ việc bán những lô khí hoá lỏng đó”, bà Mikulska nói thêm.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng châu Âu không thể trông chờ vào các nhà cung cấp khí đốt Trung Quốc để bù đắp cho sự thiếu hụt năng lượng mà khu vực này đang phải trải qua, xét tới việc lượng khí đốt mà Trung Quốc có thể xuất khẩu sang châu Âu là hạn chế nếu so với những nguồn cung khác, nhất là Nga.

Ngoài ra, khi các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc khởi sắc trở lại, tình hình sẽ thay đổi: châu Âu sẽ phải mua khí đốt từ Trung Quốc với mức giá cao hơn.

Tham khảo: Bloomberg, DW

Bài liên quan

(0) Bình luận
Trong khi châu Âu chật vật tìm kiếm năng lượng, một quốc gia châu Á lại đang có thừa và sẵn lòng bán lại cho EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO