Ủy viên Năng lượng EU, Dan Jorgensen, cho biết Liên minh châu Âu đã chi nhiều tiền mua khí đốt của Nga hơn là viện trợ cho Ukraine vào năm 2024.
“Nhìn lại năm 2024, số tiền chúng ta chi cho khí đốt Nga còn nhiều hơn tổng số tiền viện trợ cho Ukraine”, ông Jorgensen nói với tờ La Repubblica, đồng thời gọi đây là một “nghịch lý”.
Ông xác nhận mục tiêu của Ủy ban châu Âu (EC) là từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2027. Vị quan chức EU cũng lưu ý đến nhu cầu phát triển năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo thay thế để không rơi vào tình trạng phụ thuộc mới.
“Chúng ta phải cẩn thận để không lặp lại sai lầm và chuyển từ sự phụ thuộc này sang phụ thuộc khác. Vì vậy chúng ta đang đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Hiện Na Uy là nhà cung cấp khí đốt số 1 của chúng ta, tiếp theo là Mỹ và chúng ta hài lòng với điều này”, ông Jorgensen.
Ngoài ra, Ủy viên Năng lượng EU nhấn mạnh vai trò của nguồn năng lượng tái tạo và hạt nhân nhằm giảm phụ thuộc vào các nguồn cung hiện có.
“Dù vẫn phụ thuộc vào các nguồn cung này, chúng ta đang cố gắng mua khí đốt với giá thấp hơn và đang đàm phán với Mỹ để tăng khối lượng. Tuy nhiên, chuyện này chỉ mang tính ngắn hạn và chúng ta cần khắc phục sự phụ thuộc này bằng các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân”, ông Jorgensen nêu rõ.
Theo ông, biện pháp này sẽ giúp giảm giá năng lượng cho người tiêu dùng châu Âu. Ông cũng khẳng định mục tiêu ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050.
Trước đó, Ủy ban châu Âu đã đề xuất cấm hoàn toàn các nước EU mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí đốt đường ống từ Nga vào cuối năm 2027. Lệnh cấm sẽ bắt đầu có hiệu lực theo từng giai đoạn kể từ ngày 1/1/2026.
Tham khảo: Tass