Tránh việc doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ xong gửi lại ngân hàng lấy lãi

Hoàng Đàn | 15:01 07/01/2022

Ngày 7/1, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tránh việc doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ xong gửi lại ngân hàng lấy lãi
Quốc hội thảo luận trực tuyến ngày 7/1/2022.

Theo tờ trình của Chính phủ, sẽ tăng bội chi ngân sách nhà nước để có nguồn thực hiện chương trình với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023.

Trong đó, năm 2022 khoảng 102.000 tỷ đồng, tăng tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua).

Đối với năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình phục hồi của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.

Thảo luận nội dung này, Đại biểu Mai Văn Hải - đoàn Thanh Hóa tỏ ra lo lắng, đây là Chương trình quy mô lớn nhất từ trước đến nay, gần 350.000 tỷ đồng, nên phải có giải pháp cụ thể.

Theo đại biểu Mai Văn Hải, phải cụ thể là cần dự kiến huy động trong nước và vốn vay nước ngoài là bao nhiêu. Cần huy động nguồn vay trong nước, vay nước ngoài thời gian trả nợ, điều kiện ràng buộc rất khó.

Về gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng và lãi suất 2%/năm để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, địa biểu Mai Văn Hải cho rằng đây là gói hết sức quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, như lĩnh vực: Du lịch, vận tải hành khách, ngành hàng không, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn…

Để hổ trợ đúng, trúng thì các ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng vay để mang đi đầu tư các lĩnh vực khác, gây rủi ro, làm suy giảm nền kinh tế.

Nhiều đại biểu tham gia góp ý cho rằng hỗ trợ doanh nghiệp là trọng tâm ưu tiên, nhưng phải tính toán cẩn trọng, cần hỗ trợ phù hợp, tính toán sức hấp thụ đến đâu, cần cung cấp cho doanh nghiệp cho hướng đi và cách đi.

Chính sách tài khóa cần đẩy mạnh đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phải theo xu thế phát triển với những dự án có tính lan tỏa cao.

Ngoài ra cũng cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát và cho vay chặt chẽ, tránh việc doanh nghiệp móc nối với ngân hàng, vay vốn xong gửi lại ngân hàng lấy lãi.

Về giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%, có ý kiến đề nghị nên cân nhắc giảm thuế 1% nhưng thực hiện trong 2 năm, tránh ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội cho rằng, mục tiêu của gói phục hồi lần này hướng đến là chấp nhận bội chi và đi vay, để sau một thời gian nhất định thu được chi phí lớn hơn. Vì vậy, vấn đề hiệu quả của dự án là phải trả lời được câu hỏi, với trên 346.000 tỷ đồng đạt kết quả cụ thể gì và với mục tiêu như vậy, đề án cần quy định rất rõ hiệu quả đầu ra…?.

“Lần này chúng ta phân bổ hơn 346.000 tỷ đồng, có mục tiêu phân bổ trực tiếp, có mục tiêu qua các công cụ khác như thuế, hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì phải có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Nhận xét về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, cuộc suy thoái kinh tế lần này đã để lại hậu quả nặng nề đến thị trường lao động và người lao động. Tình trạng mất việc, giãn, giảm việc làm rất rõ. Qua khảo sát 43.000 lao động mất việc, gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ duy trì cuộc sống trong 1 tháng, 37% chỉ đủ duy trì cuộc sống cho 3 tháng và chỉ có hơn 4% đủ duy trì cuộc sống cho trên 4 tháng.

“Tôi kiến nghị tăng gói hỗ trợ cho người lao động, cả chính thức và phi chính thức; hỗ trợ tiền xây nhà ở cho công nhân; hỗ trợ xét nghiệm, đi lại, tư vấn cho người lao động khi trở lại làm việc…”, bà Nguyễn Thị Thuỷ đề xuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tránh việc doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ xong gửi lại ngân hàng lấy lãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO