Trái phiếu và tín dụng xanh, dòng vốn hấp dẫn nhưng không “dễ dãi”

Lê Sáng thực hiện | 08:39 28/02/2023

Trái phiếu xanh và tín dụng xanh là các dòng vốn hấp dẫn này được xem là không “dễ dãi” và còn nhiều việc phải làm để các doanh nghiệp nói riêng có thể tận dụng được tối đa kênh trái phiếu xanh và tín dụng xanh.

Trái phiếu và tín dụng xanh, dòng vốn hấp dẫn nhưng không “dễ dãi”
Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh thuộc FiinRatings

Liên quan đến trái phiếu xanh và tín dụng xanh, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh thuộc FiinRatings có những chia sẻ với MarketTimes về bối cảnh pháp lý, sự sẵn sàng của thị trường cũng như cập nhật những khuyến nghị đối với các doanh nghiệp.

PV: Hiểu đơn giản, trái phiếu xanh và tín dụng xanh là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Tùng Anh:

Về cơ bản, trái phiếu xanh (Green bonds) và tín dụng xanh (Green credits) đều là các công cụ tài chính được thiết kế để hỗ trợ các dự án có tác động tích cực đến môi trường và giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững. Có thể hiểu hai công cụ này đều mang tính chất vay nợ, nhưng bên cạnh đó có một số đặc điểm khác nhau về định nghĩa, đối tượng, hình thức và tính thanh khoản.

Trái phiếu xanh là các trái phiếu được phát hành để gọi vốn cho các dự án xanh, bao gồm các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, quản lý nước và rác thải, vận hành xe hơi thân thiện môi trường, và các hoạt động giảm thiểu khí thải. Tiền vay từ trái phiếu xanh được sử dụng để tài trợ các dự án xanh này.

Tín dụng xanh là các khoản vay được cấp cho các dự án xanh tương tự. Điểm khác biệt chính là Trái phiếu xanh là các trái phiếu do các công ty, tổ chức hoặc chính phủ phát hành để gọi vốn để đầu tư vào các dự án xanh hoặc dự án có ảnh hưởng tích cực đến môi trường. Tín dụng xanh, trong khi đó, liên quan đến việc các ngân hàng cung cấp các khoản vay cho các hoạt động có tính bền vững và thân thiện với môi trường. Về đối tượng, trái phiếu xanh hướng đến các nhà đầu tư, còn tín dụng xanh hướng đến các khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng.

Đối với hình thức phát hành, điểm khác biệt cơ bản nằm ở chỗ trái phiếu xanh cần có chứng nhận hay ý kiến từ bên thứ hai nhằm đảm bảo cho hoạt động đầu tư của nhà phát hành, trong khi đó tín dụng xanh phụ thuộc vào quyết định của phía ngân hàng khi giải ngân các khoản vay có liên quan đến mục đích môi trường. Bên cạnh đó, tính thanh khoản của trái phiếu xanh lớn hơn do có thể được giao dịch trên thị trường vốn, đặc điểm này không có trong tín dụng xanh.

Cả hai công cụ tài chính trên đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây và được coi là một cách để giúp các doanh nghiệp và tổ chức đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Với xu hướng toàn cầu, Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ có những bước tiến mới nhằm đáp ứng mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

PV: Vậy ông có đánh giá về khung pháp lý cho trái phiếu nói chung và trái phiếu xanh và tín dụng xanh nói riêng tại Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Tùng Anh:

Việt Nam đã và đang có những bước tiến lớn cho hoạt động phát triển thị trường trái phiếu xanh, nhờ vào công tác xây dựng khung pháp lý từ các nhà hoạch định chính sách. Từ năm 2020, Luật Bảo vệ Môi trường đã đưa ra các quy định liên quan đến trái phiếu xanh và tín dụng xanh, bao gồm khái niệm, mục đích, chủ thể phát hành, các loại dự án được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh, cũng như nguyên tắc hỗ trợ huy động, sử dụng nguồn lực cho bảo vệ môi trường. Sau đó Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường đã quy định cụ thể hơn, và đặc biệt đã quy định cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh (Điều 155) và chính sách ưu đãi cho chủ thể phát hành xanh và nhà đầu tư trái phiếu xanh (khoản 8 Điều 157).

Hiện nay, phía nhà phát hành và nhà đầu tư đang rất quan tâm đến ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, do Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo, việc đưa ra các tiêu chí, quy định cụ thể về thị trường tài chính xanh sẽ tạo đà cho Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ về lĩnh vực này trong thời gian tới.

Có thể thấy rằng Việt Nam đang đưa ra các nỗ lực tích cực để phát triển thị trường trái phiếu xanh và tín dụng xanh. Các quy định cần dần được đưa vào thực tiễn, đặc biệt là cơ chế khuyến khích rõ ràng và chính sách ưu đãi hấp dẫn cho chủ thể phát hành xanh và nhà đầu tư trái phiếu xanh, từ đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm tài chính xanh trong khu vực.

Để thị trường trái phiếu xanh và tín dụng xanh phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để thực hiện các quy định trên một cách hiệu quả và nhất quán.

Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh thuộc FiinRatings

Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu xanh và tín dụng xanh phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để thực hiện các quy định trên một cách hiệu quả và nhất quán. Ngoài ra, cần phải nâng cao năng lực và kiến thức của các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về các sản phẩm tài chính xanh, đồng thời tạo ra một môi trường đủ thuận lợi cho các chủ thể phát hành và nhà đầu tư để đầu tư và phát triển các dự án tài chính xanh.

Việc đưa ra các tiêu chí và quy định cụ thể về thị trường tài chính xanh là một bước đi đúng hướng, tuy nhiên cần có các cơ chế kiểm soát và giám sát để đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy của thị trường. Nếu được thực hiện đúng cách, thị trường trái phiếu xanh và tín dụng xanh sẽ không chỉ đóng góp vào việc bảo vệ môi trường mà còn tạo ra các cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế bền vững cho đất nước.

PV: Về phía các doanh nghiệp, ông có đánh giá ra sao khả năng tiếp cận trái phiếu xanh và tín dụng xanh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Tùng Anh:

Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã có đủ cơ sở và khả năng tiếp cận trái phiếu xanh và tín dụng xan, nhằm tài trợ cho các dự án xanh của họ. Tuy nhiên, việc tiếp cận này vẫn còn đối mặt với một số thách thức.

Các doanh nghiệp cần hiểu rõ về quy trình và các yêu cầu đối với các dự án xanh của họ, từ đó xây dựng Khung chính sách tài chính xanh

Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh thuộc FiinRatings

Một trong những thách thức đó là việc thiếu kiến thức và kinh nghiệm về trái phiếu xanh và tín dụng xanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Để phát hành trái phiếu xanh hoặc nhận khoản vay tín dụng xanh, các doanh nghiệp cần hiểu rõ về quy trình và các yêu cầu đối với các dự án xanh của họ, từ đó xây dựng Khung chính sách tài chính xanh. Sau khi xây dựng Khung, các doanh nghiệp cũng cần phải có khả năng xác định các dự án xanh phù hợp với mục tiêu của họ và có năng lực huy động tài chính để triển khai các dự án này. Hiện Việt Nam vẫn còn thiếu nguồn lực và chuyên gia để hỗ trợ các nhà phát hành trong vấn đề xây dựng Khung Tài chính xanh, và đó cũng là vấn đề FiinRatings đang tích cực triển khai với các tổ chức phát triển và tổ chức quốc tế để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Một thách thức khác là mặc dù đã có nhiều bước tiến lớn trong chính sách, hiện nhiều nhà phát hành vẫn đang chờ đợi hệ thống pháp lý và cơ chế hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phát triển các dự án xanh được hoàn thiện thêm, đó chính là Danh mục Phân loại xanh và các văn bản sau đó với kỳ vọng các chính sách khuyến khích và ưu đãi sẽ được xác định rõ ràng. Khi còn nhiều yếu tố chưa chắc chắn, các doanh nghiệp sẽ còn e ngại phải đối mặt với các rủi ro liên quan đến việc phát hành trái phiếu xanh và nhận khoản vay tín dụng xanh.

Mặc dù vậy, FiinRatings tin rằng với sự quan tâm và hành động tích cực từ phía các nhà hoạch định chính sách và các thành viên thị trường, thị trường tài chính xanh sẽ dần vượt qua được những thách thức kể trên và phát triển mạnh trong vòng 1-2 năm tới.

PV: Vậy theo ông, các doanh nghiệp Việt cần làm gì và làm như thế nào để đón nhận được dòng vốn hấp dẫn nhưng cũng không “dễ dãi” này?

Ông Nguyễn Tùng Anh:

Theo FiinRatings, việc đầu tiên các doanh nghiệp có tiềm năng huy động nguồn vốn xanh cần làm là xây dựng nặng lực đánh giá và tuân thủ các tiêu chí xanh. Bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cũng đã và đang có sự đóng góp tích cực của các tổ chức quốc tế trong việc tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề chuyên môn và xây dựng Khung Tài chính xanh, như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI), hay FiinRatings là tổ chức xác nhận xanh đầu tiên và duy nhất hiện nay tại Việt Nam được ủy quyền bởi Tổ chức Trái phiếu Khí hậu (CBI). Việc tiếp cận các chương trình và dịch vụ của các tổ chức trên sẽ đẩy nhanh tiến trình tiếp cận nguồn vốn xanh của các doanh nghiệp và từ đó đẩy nhanh tiến trình phát hành trái phiếu xanh.

anh-2.png
Ngày 23/2/2023, FiinRatings và Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) đã chính thức hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam huy động nguồn vốn xanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần sớm tiếp cận các tổ chức tư vấn phát hành có chuyên môn về trái phiếu xanh để sớm lên kế hoạch xây dựng Khung Tài chính xanh. Để áp dụng Khung Tài chính xanh và thu hút vốn, doanh nghiệp thường mất 2-4 tháng xây dựng và được xác nhận, trong đó có thể là ý kiến bên thứ hai (SPO), báo cáo đảm bảo, hoặc được chứng nhận (ví dụ như chuẩn CBI được FiinRatings xác nhận), song song với đó là quy trình phát hành trái phiếu thông thường, như vậy sẽ mất khoảng nửa năm để có thể phát hành những lô trái phiếu xanh đầu tiên. Mặc dù mất thời gian xây dựng, Khung Tài chính xanh sẽ được dùng qua nhiều năm và là lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp có tiềm năng trong lĩnh vực này.

PV: Cuối cùng, từ những thực tiễn nói trên, ông có đề xuất, tham góp, kiến nghị, gợi ý nếu có liên đến việc thúc đẩy trái phiếu xanh và tín dụng xanh tại Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Tùng Anh:

Thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách cần nhanh chóng đưa ra hành lang pháp lý về trái phiếu xanh và tín dụng xanh với những yêu cầu phù hợp với thông lệ quốc tế, và các cơ chế chính sách ưu đãi hấp dẫn. Cũng cần phải lưu ý vấn đề kiểm soát danh mục chặt chẽ để tránh hiện tượng “tẩy rửa xanh” (green washing), tức là dự án có vẻ có những hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, mặc dù thực tế lại không phải như vậy. Hạn chế được những vấn đề tiêu cực cũng giúp thị trường tài chính xanh phát triển lành mạnh và phục vụ đúng mục tiêu môi trường và xã hội của nền kinh tế, do đó cần phải chú trọng nghiên cứu và áp dụng các thông lệ tốt và tiêu chuẩn quốc tế.

Cần phải lưu ý vấn đề kiểm soát danh mục chặt chẽ để tránh hiện tượng “tẩy rửa xanh” (green washing), tức là dự án có vẻ có những hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, mặc dù thực tế lại không phải như vậy.

Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh thuộc FiinRatings

Thứ hai, bên cạnh cơ chế ưu đãi, cần có một lộ trình thuận lợi nhằm kích thích các nguồn lực xã hội đầu tư vào các dự án có mục tiêu môi trường và bền vững, ví dụ như các cơ chế khuyến khích, các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính và các quỹ bảo hiểm, quỹ trái phiếu dành một phần lợi nhuận hoặc doanh thu của mình để đầu tư vào các dự án xanh, hay tạo điều kiện thuận lợi cho các nguồn vốn đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận đầu tư trái phiếu xanh hay cấp tín dụng xanh. Tất nhiên vấn đề hiệu quả đầu tư cũng phải được ưu tiên cho các tổ chức trên, và đó cũng chính là khoảng trống mà hiện nay thị trường Việt Nam đang được lấp đầy bằng xếp hạng tín nhiệm. Nếu như đầu tư vào các dự án xanh, các tổ chức và nhà đầu tư xanh có thể tham khảo kết quả xếp hạng tín nhiệm danh nghiệp hoặc lô trái phiếu để có thể có cơ sở đầu tư, ví dụ như các lô trái phiếu có mức xếp hạng mức có tính đầu tư trở lên (BBB-) theo thang điểm xếp hạng của FiinRatings hoặc một mức xếp hạng do các tổ chức quy định với mỗi nhóm ngành có thể nằm trong danh mục đầu tư tiềm năng của họ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Trái phiếu và tín dụng xanh, dòng vốn hấp dẫn nhưng không “dễ dãi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO