Vừa qua, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp trực tuyến về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý 2/2023.
Chủ trì phiên họp có các đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM.
Tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã thẳng thắn nhìn nhận 3 năm qua kinh tế TP.HCM liên tục biến động phức tạp. Do hội nhập sâu, rộng nên TP ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi tình hình thế giới và trong nước.
“Khó khăn đã nằm trong dự tính từ trước nhưng không ngờ thực tế lại thấp và sâu hơn cái mà chúng ta dự đoán”, Bí thư Nguyễn Văn Nên thẳng thắn thừa nhận.
Theo số liệu Kho bạc Nhà nước TP cung cấp, đến 24/3, tổng vốn đầu tư công của TP mới giải ngân được 951,515 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2% tổng số vốn giao (43.443,336 tỷ đồng). Như vậy, từ giờ đến cuối năm, TP còn hơn 42.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, TP sẽ nỗ lực thực hiện để đảm bảo kết quả giải ngân ít nhất đạt 95%. Theo đó, TP ban hành, triển khai thực hiện chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, bên cạnh là rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhằm phát huy cơ chế hoạt động của 3 tổ công tác, gồm tổ đầu tư công, tổ vốn ODA, tổ vốn đầu tư lớn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, quý 2 này, TP rà soát, ban hành danh mục các dự án mời gọi đầu tư năm 2023; Xem xét, đề xuất việc đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc theo phương thức PPP; Tập trung theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhà ga T3, Metro 1, Dự án Rạch Xuyên tâm, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50,… và các công trình đã khởi công.
Ngoài ra, thông tin tại phiên họp, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cho biết quý 1, TP đã chấp thuận 5 dự án nhà ở được phép huy động vốn với tổng số tiền cần huy động là 105.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các dự án đang gặp vướng mắc về các chính sách tài chính của ngân hàng, cần được tháo gỡ để đưa ra thị trường 7.753 căn hộ.
Ông Quân cũng đề xuất 6 nội dung để phát triển dự án bất động sản, tham mưu UBND TP phân nhóm dự án quy trách nhiệm các sở ngành để tháo gỡ cho các dự án.
Giải quyết các dự án chậm triển khai, chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định trong quý 2 sẽ tập trung tháo gỡ, để đẩy các dự án nhà ở, bất động sản chạy. TP quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản, tổ chức rà soát, có phương án hiệu quả xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất cũng như nhà đầu tư.
Trước mắt, TP tập trung vào các dự án đang vướng trong quý 2 như Sở Xây dựng báo cáo và rà soát 138 dự án được Hiệp hội bất động sản TP nêu để giải quyết triệt để. Cho rằng điểm then chốt nằm khâu giải quyết thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh phải nỗ lực để dòng vốn xoay.
“Các nhóm việc hoàn thành rà soát, phân nhóm công việc và gửi báo cáo về UBND TP trước 15/4”, ông Mãi giao thời hạn.
Giữa bối cảnh hàng hóa tồn kho lớn, xuất khẩu gặp khó khăn do sức mua giảm, nhiều doanh nghiệp phải chuyển từ hình thức mua bán sang ký gửi. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cũng đưa ra những kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các Ngân hàng Thương mại nên có các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời xem xét tín chấp và thế chấp bằng vốn vay bằng vật tư, nguyên liệu và thành phẩm.
Trước vấn đề này, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho hay, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục giảm chi phí đầu vào và giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, ông Dũng cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo các đầu mối liên quan như các sở ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp, UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức, các hợp tác xã Sài Gòn, ban quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công ty phát triển phần mềm Quang Trung,… tiếp tục phối hợp để NHNN có thông tin trực tiếp xử lý hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tháo gỡ tài chính cho doanh nghiệp, người dân, theo Chủ tịch UBND TP - ông Phan Văn Mãi, ngoài vận dụng chính sách chung của Trung ương, cần tiếp tục trao đổi với các ngân hàng trên địa bàn. “Đối với gói lãi suất thấp gồm 87.600 tỷ đồng cộng với 100 triệu đô của các ngân hàng trên địa bàn TP, cần công khai ngay gói này, chi tiết lĩnh vực nào, điều kiện gì, quy trình hồ sơ ra sao để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận”, ông Mãi đề nghị.
Về nhiệm vụ, giải pháp tháng 4 và quý 2/2023, TP.HCM đã đặt ra 12 nhóm cụ thể. Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Phan Văn Mãi yêu cầu giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức tập trung triển khai để làm sao đạt kết quả tốt nhất.
Theo đó, ông Phan Văn Mãi yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, địa phương rà soát lại công việc. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm đã được thống nhất. Với nhóm công việc có thể giải quyết được ngay thì phải giải quyết trong thời gian quy định và cố gắng giải quyết trước hạn. Nhóm cần sự phối hợp với các sở, ngành, địa phương khác thì cần chủ động phối hợp và phải đeo bám, chấm dứt việc ngồi chờ lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Đối với nhóm vướng mắc cần báo cáo để UBND TPHCM giải quyết hoặc kiến nghị các bộ, ngành Trung ương thì phải tổng hợp báo cáo ngay để xử lý.
Về thúc đẩy đầu tư, tập trung đầu tư công cũng như tháo gỡ để thu hút đầu tư ngoài ngân sách, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu các ban chiếm tỷ lệ đầu tư công lớn, các công trình trọng điểm, các chủ đầu tư thường xuyên cập nhật tiến độ, đôn đốc để giải quyết. Đồng chí đề nghị với các dự án trọng điểm, cần có giao ban hàng tuần, thậm chí hàng ngày với một số khoảng thời gian cụ thể để cập nhật được các khó khăn vướng mắc, phối hợp giải quyết…
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, đơn vị tập trung củng cố các tổ công tác đầu tư công, chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp chuyên đề của HĐND TP.HCM sắp tới để phân bổ vốn dự phòng trung hạn và vốn năm 2023. Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, đào tạo lại nguồn nhân lực, hỗ trợ việc làm,…
Được biết, năm 2023 TP đã đặt mục tiêu kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 7,5 - 8%, cao hơn mức cả nước (6,5%).