Telio đóng cửa
Tờ Tech in Asia vừa đưa tin, nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong của startup thương mại điện tử B2B Telio đã xác nhận với họ rằng công ty đã đóng cửa vào cuối năm 2024. Quyết định này được đưa ra sau khi Telio không thể huy động thêm vốn hoặc tìm được bên mua lại.
Theo ông Bùi Sỹ Phong, Telio đã ngừng hoạt động tại Việt Nam vào cuối tháng 11/2024 và giải thể pháp nhân tại quốc gia này vào tháng 12. Hệ quả là khoảng 400 nhân viên bị sa thải, bao gồm cả đội ngũ nhân viên công nghệ tại Ấn Độ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tech in Asia vào tháng 8/2024, ông Bùi Sỹ Phong cho biết Telio đã giảm lỗ hàng tháng xuống còn 280.000 USD – giảm 80% so với mức đỉnh điểm 1,4 triệu USD.
Ban đầu, công ty đặt mục tiêu đạt lợi nhuận EBITDA vào giữa năm 2026, với kỳ vọng huy động được 10 - 15 triệu USD vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, cả nguồn vốn lẫn các cơ hội M&A (mua bán & sáp nhập) đều không thành hiện thực.
![](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/07/telio1.jpg)
Công ty bắt đầu thực hiện các biện pháp cắt giảm quy mô hoạt động và chi phí từ giữa năm 2022, tập trung vào tối ưu hoá và đa dạng hoá danh mục sản phẩm, tránh các mặt hàng có biên lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, những nỗ lực này đến quá muộn, do trước đó Telio đã mở rộng quá nhanh trong hai năm đầu tiên.
Công ty không thể vượt qua những thách thức của thương mại điện tử B2B, như chi phí vận hành cao, biên lợi nhuận mỏng của hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), và nhiều tầng trung gian giữa các cửa hàng và nhà cung cấp. Theo ông Bùi Sỹ Phong, quy mô của Telio cũng không cho phép công ty duy trì chiến lược biên lợi nhuận cao, khối lượng bán thấp.
Ông ước tính rằng vào thời điểm đóng cửa, doanh thu hàng tháng của Telio đạt khoảng 2,5 - 3 triệu USD. Tuy nhiên, vì công ty đã cạn kiệt dòng tiền, nên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa.
Ông Bùi Sỹ Phong là ai?
Ông Bùi Sỹ Phong sinh năm 1982. Theo giới thiệu trên LinkedIn, ông Bùi Sỹ Phong tốt nghiệp Khoa Khoa học máy tính tại trường Đại học Pierre và Marie Curie (Pháp). Sau đó, ông học lên Thạc sỹ Quản trị mạng và Quản lý CNTT tại Trường EPITA, nằm trong số ba Trường Lớn (Grande École) thuộc hệ thống IONIS Education Group tại Pháp.
Sau khi hoàn thành việc học, ông Phong bắt đầu làm việc tại phòng Giao diện người dùng tại HTC. Công việc này kéo dài trong vòng 2 năm từ tháng 6/2006 đến tháng 8/2008. Sau đó, ông Phong làm quản lý dự án tại phòng Cộng đồng của Buongiorno từ tháng 6/2008 đến tháng 11/2008, sau đó ông làm quản lý dự án B2O tại đây đến tháng 12/2010.
Sau đó, ông Phong đã có 8 tháng làm Quản lý dự án tại Ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (VIB) từ tháng 5 đến tháng 12/2011. Ông tiếp tục sự nghiệp với vai trò Trưởng phòng Chiến lược và quản lý dự án tại VPBank rồi đến Trưởng dự án - Phòng Quản lý rủi ro tại ngân hàng này trong 1 năm 11 tháng. Đến tháng 11/2013, ông chuyển qua làm Trưởng phòng dự án cao cấp - khu vực APAC của Finastra.
Tháng 7/2014, ông Phong thành lập và làm Giám đốc điều hành của CTCP Dịch vụ Di động OnOnPay Việt Nam - Startup nạp tiền trên di động. OnOnPay đóng vai trò như một chiếc ví di động, cho phép người dùng nạp tiền điện thoại trả trước của họ và nhận được đặc quyền như: thêm khuyến mãi, phiếu quà tặng và giảm giá từ các đối tác như Uber, Grab...
Năm 2016, OnOnPay đã nhận được 800.000 USD từ quỹ ngoại Gobi Partners. Dù có tiềm năng, OnOnPay không đạt được thành công mong muốn, nền tảng này hiện không còn hoạt động.
![](https://scontent.fhan14-3.fna.fbcdn.net/v/t39.30808-6/327418224_1674325952979540_6933811817811374806_n.png?_nc_cat=111&ccb=1-7&_nc_sid=cc71e4&_nc_ohc=HowlOMHtI7UQ7kNvgEtGAWT&_nc_oc=Adj8kUMl4fWX5zbvfYvO7eW4TO6nl8rwLWPpKTOxgaAoiExm9RAl3xhs8MS-OlVSwZ0&_nc_zt=23&_nc_ht=scontent.fhan14-3.fna&_nc_gid=Agz0uxiKW1OeZTmR0_xkzwp&oh=00_AYBgp7JB3C_i248i5zDV6a2PUMpeJUmHa3ixYO4rUyjn6w&oe=67AC8579)
Đến tháng 1/2019, ông khởi nghiệp lại với việc sáng lập và làm Tổng giám đốc điều hành của Telio.
Telio hướng đến việc kết nối các nhà bán lẻ nhỏ lẻ, đặc biệt là các cửa hàng tạp hoá, với các thương hiệu và nhà bán buôn. Đây là một trong những startup đầu tiên tại Việt Nam số hóa mô hình kinh doanh của các cửa hàng này, tương tự như warung ở Indonesia hay sari-sari store ở Philippines.
Trong suốt 5 vòng gọi vốn, Telio huy động được khoảng 52,5 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn như Tiger Global, Granite Asia, Peak XV và VNG.
Thua kiện công ty cũ ở Singapore vì “không trung thực”
Năm 2021, tờ Tech in Asia đưa tin, Tòa án cấp cao Singapore đã yêu cầu nhà sáng lập kiêm CEO Telio - ông Bùi Sỹ Phong, chuyển nhượng cổ phần tại Telio cho công ty cũ của ông là OnOnPay (OOPA).
Ngoài ra, ông Phong phải bồi thường cho OOPA số tiền 233.000 SGD, tương đương 174.000 USD (khoảng 4 tỷ đồng). Bản thân ông Bùi Sỹ Phong - chứ không phải công ty Telio - phải trả số tiền này. Đây là quyết định nằm trong bản án dài 38 trang của Tòa án cấp cao Singapore, công bố kết quả về vụ kiện giữa ông Bùi Sỹ Phong và OOPA.
Được biết, vụ kiện này đã bắt đầu từ 2 năm trước. Theo đó, HĐQT của OOPA cáo buộc ông Phong chiếm đoạt các cơ hội kinh doanh và sử dụng các nguồn lực của công ty - bao gồm mạng lưới doanh nghiệp, nguồn nhân lực và tài sản trí tuệ - để phát triển Telio, dự án kinh doanh mới của ông.
Bản án công bố ngày 16/6 cho biết, trước đó ông Bùi Sỹ Phong xin HĐQT của OOPA thành lập Telio, đồng thời đề xuất chia cổ phần tại Telio cho các thành viên HĐQT OOPA. Sau đó, ông Phong liên hệ với các nhà đầu tư tiềm năng và giới thiệu rằng Telio là công ty con của OOPA. Tuy nhiên, ông Phong không thông báo hoạt động gọi vốn cho các cổ đông của OOPA.
Thẩm phán Singapore khẳng định ông Phong thừa nhận không thông báo cho OOPA về thỏa thuận đầu tư vào ngày 19/3/2019 giữa Telio và Surge (đơn vị trực thuộc quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia India).
“Vấn đề không phải là việc ông Phong cho các nhà đầu tư OOPA cổ phần miễn phí trong Telio, mà vấn đề là Telio thuộc về OOPA”, thẩm phán kết luận ông Phong đã không trung thực với các nhà đầu tư cũ trong việc theo đuổi ý tưởng kinh doanh cho Telio. Ngoài ra, thẩm phán cũng khẳng định OOPA được hưởng cổ phần của ông Bùi Sỹ Phong tại Telio vì công ty này được thành lập dưới "sự tin tưởng của các nhà đầu tư dành cho OOPA".