BTV Mùi Khánh Ly: Như bà cũng đã thấy năm 2024 là một năm khó khăn và thách với các nhà đầu tư bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức trên toàn cầu. Vậy bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của các nhà đầu tư tổ chức trên toàn cầu trong năm qua?
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF): Năm 2024 lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt từ mức 4,6% năm 2023 xuống mức 2,6% năm 2024, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất. Mặc dù lãi suất vẫn còn ở mức cao, nền kinh tế số một thế giới vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Nhờ đó chỉ số S&P500 của Mỹ tăng 25%, đây cũng là năm thứ 2 chỉ số này tăng trên 20%, và hiện nay thị trường chứng khoán Mỹ đã chiếm tới 50% vốn hoá của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Theo đó, các quỹ đầu tư tại Mỹ cũng có mức tăng trưởng khả quan, trung bình đạt 17,4%. Các quỹ đầu tư vào cổ phiếu vốn hoá lớn tăng trưởng cao hơn với 30% nhờ động lực tăng trưởng của các công ty công nghệ, đặc biệt là trong nhóm Magnificient 7 khi lợi nhuận của nhóm này tăng trưởng vượt trội đạt 35% (tại thời điểm cuối năm 2024, nhóm Mag 7 chiếm hơn 30% vốn hóa và đóng góp gần 54% vào tăng trưởng chỉ số S&P 500 trong năm 2024. Trong khi đó, các quỹ cổ phiếu vốn hoá vừa chỉ đạt lợi nhuận 16% và quỹ cổ phiếu vốn hoá nhỏ đạt 15%. Các quỹ theo chiến lược đầu tư tăng trưởng theo đó cũng có kết quả vượt trội hơn, đạt 26,2% so với chiến lược đầu tư giá trị 12,3%, do chiến lược đầu tư tăng trưởng là tập trung vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng cao, bao gồm các công ty trong lĩnh vực công nghệ.
Trong khi đó tại châu Âu, động lực kinh tế đã suy yếu đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, do chi phí năng lượng cao, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc… Còn tại các nước đang phát triển, đồng USD mạnh lên đã gây áp lức khá lớn…
Tổng quan lại các quỹ tập trung vào thị trường phát triển đạt lợi nhuận vượt trội, 19,2% so với các quỹ tập trung vào thị trường mới nổi, chỉ đạt 8,1%.
Còn tại Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về quy mô hoạt động của ngành quỹ trong những năm gần đây?
Trong những năm vừa qua, ngành quản lý quỹ đã có những bước phát triển vượt bậc, thể hiện ở tất cả các khía cạnh, từ số lượng quỹ tới quy mô quỹ và số nhà đầu tư tham gia quỹ.
Số liệu tại thời điểm cuối quý III/2024 cho thấy thị trường Việt Nam có 117 quỹ đầu tư, tăng 10 quỹ so với cuối năm 2023, bao gồm 64 quỹ mở, 16 quỹ ETF, 34 quỹ thành viên và 3 quỹ đóng. Như vậy là số lượng quỹ mở hiện đã tăng gấp đôi, số quỹ thành viên tăng gấp 3 và số quỹ ETF tăng 8 lần so với năm 2019. Quy mô của các quỹ mở cũng đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua, đạt gần 53.000 tỷ đồng. Và cuối năm 2024, có khoảng 393.000 nhà đầu tư tham gia đầu tư quỹ mở, tăng 54% so với cuối năm 2023.
Mặc dù đã có phát triển mạnh trong những năm gần đây, tôi cho rằng ngành quỹ mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển, do số nhà đầu tư quỹ mở mới chỉ dưới 0,4% dân số, quy mô vẫn chỉ chiếm dưới 0,5% GDP. Một số báo cáo có thể cho thấy quy mô của ngành quản lý quỹ đạt 7% GDP, tuy nhiên có tới 90% giá trị tài sản quản lý đến từ uỷ thác đầu tư, trong đó 85% giá trị uỷ thác đến từ các công ty bảo hiểm và 80% giá trị uỷ thác là trái phiếu và tiền gửi.
![anh-toan-co-logo.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/11/anh-toan-co-logo.jpg)
Nếu chỉ tính riêng năm 2024 vừa qua, bà đánh giá hoạt động của ngành quỹ tại Việt Nam như thế nào khi cũng có khá nhiều những thách thức như vậy?
Có thể nói là kinh tế vĩ mô năm 2024 đã có nhiều khởi sắc với GDP đạt gần 7,1%, vượt qua mọi dự báo với sự hỗ trợ của ngành sản xuất, xuất khẩu và ngành dịch vụ. Theo đó, thị trường chứng khoán cũng đã tăng được 12,1%. Trong điều kiện như vậy, hầu hết các quỹ mở đều có kết quả cao hơn mức tăng trưởng hơn thị trường. Và đặc biệt là có tới 14 quỹ mở cổ phiếu có lợi nhuận trên 20%, trong đó quỹ VCBF-BCF và VCBF-MGF đạt lần lượt 27,0% và 26,4%. Bên canh đó, có 6 quỹ mở trái phiếu cho hiệu quả sinh lời từ 7% trở lên, tức là cao hơn khá nhiều lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các NHTM. Trong đó, quỹ VCBF-FIF đạt lợi nhuận 7,4%.
Như vậy, mặc dù thị trường có nhiều biến động và không được coi là năm tích cực đối với đại đa số nhà đầu tư cá nhân trên thị trường, cũng như việc thị trường chỉ tăng trong 4 tháng đầu năm 2024, sau đó chủ yếu diễn biến theo chiều hướng giảm và đi ngang thì các quỹ đã có một năm đầu tư rất thắng lợi. Và không phải chỉ năm 2024 mà hầu hết các năm qua, các quỹ được quản lý tốt đều chiến thắng thị trường. Đặc biệt là những năm gần đây khi kinh tế khó khăn, nhà đầu tư đầu tư có chọn lọc hơn, thì các quỹ với danh mục nắm giữ các cổ phiếu tốt đã thể hiện được sức mạnh vượt trội của việc lựa chọn và đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt những công ty quản lý quỹ có phương pháp đầu tư bài bản, có kỷ luật, mua và nắm giữ các cổ phiếu tốt.
![2-nguoi-s5.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/11/2-nguoi-s5.jpg)
Bước sang năm 2025, nền kinh tế được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán cũng được kỳ vọng sẽ có những bùng nổ, theo đó ngành quỹ cũng sẽ thuận lợi? Theo quan điểm của bà thì sao?
Mặc dù thế giới có nhiều bất ổn từ chính sách thuế cũng như những chính sách khác của Tổng thống Mỹ mới nhậm chức Donald Trump, một người khó dự đoán, nhưng chúng tôi cho rằng về xu hướng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2025. Khối sản xuất và xuất khẩu, dịch vụ được dự báo sẽ tiếp tục vai trò dẫn dắt, bên cạnh đó, đầu tư công được dự báo hồi phục mạnh, do các chính sách quyết liệt của chính phủ trong cải cách bộ máy hành chính, cắt giảm thời gian và quy trình ra quyết định. Đổi mới công nghệ sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng. Mặc dù chúng tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng 8% là rất thách thức nhưng nếu Việt nam thực sự giải quyết được các nút thắt về thủ tục hành chính, đầu tư công thì mức này hoàn toàn có thể đạt được. Đương nhiên luôn có những khó khăn, trở ngại nhưng nhìn chung điều kiện vĩ mô như vậy là thuận lợi cho kênh đầu tư cổ phiếu, với lợi nhuận của doanh nghiệp trong VNIndex được dự báo sẽ tăng 16,6% so với cùng kỳ vào năm 2025 sau khi tăng 18,1% năm 2024. Hệ số P/E dự phóng năm 2025 của chỉ số VN-Index là khoảng 10 lần, một mức rất hấp dẫn để đầu tư.
Ngoài ra, năm 2025, chúng tôi cũng kỳ vọng tổ chức FTSE sẽ công bố nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp sau khi yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch được gỡ bỏ. Theo đại diện của FTSE, sau khi được nâng hạng, Việt Nam có thể được phân bổ tỷ trọng 0,3% và điều này có nghĩa là sẽ có một lượng vốn khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ thụ động theo dõi chỉ số thị trường mới nổi FTSE sẽ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhìn về dài hạn, tôi cho rằng Việt nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển vượt bậc trong vòng 10-15 năm tới. Nhu cầu đa dạng hoá chuỗi cung ứng, sự dịch chuyển của ngành sản xuất chip, cơ hội ứng dụng AI tăng hiệu quả sản xuất, doanh nghiệp năng động cùng một chính phủ hành động sẽ giúp Việt nam phát triển mạnh và thực sự nếu Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công thì cơ hội tăng trưởng 10%/năm hoàn toàn có thể đạt được, do nhu cầu đầu tư của chúng ta còn rất lớn, trong các lĩnh vực như năng lượng, metro, cảng biển, cao tốc, và đặc biệt là đường sắt tốc độ cao. Với triển vọng kinh tế như vậy thì rõ ràng là thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi và một cách khôn ngoan và dễ dàng nhất để tham gia vào thị trường chứng khoán chính là thông qua các quỹ mở, do đây là khoản đầu tư được quản lý chuyên nghiệp bởi những chuyên gia tài năng và dày dặn kinh nghiệm trên thị trường.
![anh-bao-ba-nga.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/11/anh-bao-ba-nga.jpg)
Thực tế ở các nước phát triển thì ngành quỹ đóng vai trò rất quan trọng, nhưng ở Việt Nam thì ngành này vẫn còn tiềm năng và nhiều nhà đầu tư vẫn có thắc mắc kiểu như “vì sao tôi phải đầu tư qua các quỹ”? Bà đánh giá như thế nào về quan điểm này?
Không phải ngẫu nhiên mà có tới 50% hộ gia đình Mỹ, một nước có thị trường chứng khoán phát triển nhất thế giới, sở hữu chứng chỉ quỹ. Lần theo dấu vết của dòng tiền, chúng ta có thể lý giải điều này. Ví dụ ở Việt Nam, nếu gửi tiết kiệm, chúng ta có lợi nhuận khoảng 5-6%/năm. Ngân hàng huy động từ chúng ta để cho vay doanh nghiệp, với lãi suất 8-9%.
Vậy tại sao chúng ta lại không cho vay doanh nghiệp một cách trực tiếp thông qua đầu tư trái phiếu để tăng tỷ suất lợi nhuận: thứ nhất là vì chúng ta không có khả năng đánh giá rủi ro, thứ hai là chúng ta không sở hữu được một danh mục nhiều doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro.
Nhưng chúng ta lại có thể làm điều đó thông qua đầu tư và quỹ trái phiếu được quản lý chuyên nghiệp, lựa chọn trái phiếu cho chúng ta và nắm giữ một danh mục nhiều trái phiếu, của nhiều doanh nghiệp, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Tất nhiên là chúng ta sẽ cần chấp nhận trả phí cho công ty quản lý quỹ và các chi phí hoạt động của quỹ. Tuy nhiên tôi cho rằng chỉ với mức phí hợp lý như vậy mà chúng ta xoá được rủi ro mất toàn bộ vốn và không phải lo lắng tìm kiếm, theo dõi từng trái phiếu thì đó là một chi phí đáng để chi trả. Doanh nghiệp cho đi vay 8-9%/năm, rõ ràng họ kỳ vọng tạo ra lợi nhuận cao hơn, thường kỳ vọng 12-15%/năm.
Vậy tại sao người dân chúng ta không thành lập và điều hành doanh nghiệp để hưởng lãi suất cao này? Rõ ràng là không phải ai cũng có khả năng đó. Lựa chọn khác là chúng ta có thể trở thành cổ đông của các công ty có chất lượng quản trị hàng đầu, có tình hình tài chính vững chắc, có tiềm năng tăng trưởng bền vững thông qua việc sở hữu các quỹ cổ phiếu. Và không những vậy, quỹ cổ phiếu còn sở hữu một danh mục nhiều doanh nghiệp giúp giảm thiểu rủi ro. Đầu tư và nắm giữ các quỹ cổ phiếu uy tín chính là lựa chọn thay thế cho việc sở hữu và điều hành doanh nghiệp nhằm đạt lợi nhuận cao hơn, ví dụ 12-15%/năm.
Theo một số thống kê thì có đến 50-70% hộ dân Việt Nam đầu tư bất động sản, tuy vậy đầu tư bất động sản có một nhược điểm là thanh khoản thấp. Từ phân tích này cho thấy là nhu cầu đa dạng hoá từ tiền gửi, từ bất động sản sang chứng chỉ quỹ là rõ ràng và triển vọng phát triển của ngành quản lý quỹ ở Việt Nam là rất lớn.