Tội đồ khiến Intel mất 150 tỷ USD: Từ niềm hy vọng cứu rỗi ngành chip bán dẫn Mỹ đến kẻ thua cuộc trước Nvidia

Băng Băng | 14:55 06/12/2024

Với hơn 30 năm kinh nghiệm, tại sao vị CEO Intel từng ép hội đồng quản trị ký giấy cam kết ủng hộ mình nay lại phải ra đi?

Tội đồ khiến Intel mất 150 tỷ USD: Từ niềm hy vọng cứu rỗi ngành chip bán dẫn Mỹ đến kẻ thua cuộc trước Nvidia

"Thông minh, rất hung hăng và có phần kiêu ngạo. Anh ấy sẽ hòa nhập ngay thôi", là những gì mà giám đốc kỹ thuật của Intel từng phỏng vấn Pat Gelsinger nhận xét khi ông còn là một chàng thanh niên với vào nghề ở Thung lũng Silicon.

Đúng như dự đoán, Gelsinger đã chứng tỏ bản thân là người phù hợp với Intel khi dành 30 năm sự nghiệp để thăng tiến lên làm giám đốc công nghệ vào năm 2000. Mặc dù rời hãng vào năm 2009 nhưng vị nhân tài này đã được mời trở lại làm giám đốc điều hành (CEO) Intel vào năm 2021.

Vậy là với 30 năm kinh nghiệm tại Intel trước đây, CEO Gelsinger được kỳ vọng là sẽ giúp hãng bắt kịp cuộc đua chip bán dẫn đang bị Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) và Samsung Electronics của Hàn Quốc vượt mặt.

Thế nhưng tham vọng quá lớn của vị CEO này đã hại chính ông.

Tham lam

CEO Gelsinger được bổ nhiệm vào thời điểm mà chưa bao giờ ngành chip bán dẫn quan trọng đến kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia đến vậy.

Chip là động cơ của cuộc sống hiện đại. Chúng là những thành phần công nghệ không thể thiếu đằng sau điện thoại, máy tính, tivi và ô tô và cả các vũ khí tiên tiến.

Trong những năm gần đây, chip bán dẫn đã trở thành yếu tố giúp trí tuệ nhân tạo (AI) trở nên thông minh hơn.

Tất cả những điều này nghe có vẻ thuận lợi cho Intel nhưng thực tế là công ty đã tụt hậu trong cuộc đua sản xuất chip bán dẫn, nhường lại thế mạnh tiên tiến cho Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) và Samsung Electronics của Hàn Quốc.

Bởi vậy nhiệm vụ của CEO Gelsinger chỉ có 1: giúp Intel bắt kịp cuộc chơi.

Chiến lược mà ông đưa ra để khôi phục lại sự tự tin của Intel hoàn toàn trái ngược với hướng đi mà ngành công nghiệp này đã thực hiện trong nhiều thập kỷ trước.

Vào thời điểm đó, ngành kinh doanh chip đã phát triển và về cơ bản đã chia thành hai hướng rõ rệt.

Hầu hết các công ty chip phân loại thành chuyên về thiết kế chip như Nvidia hoặc sản xuất chip như TSMC.

Tuy nhiên Intel lại là một trong số ít những tập đoàn vẫn thiết kế lẫn sản xuất và CEO Gelsinger tự tin rằng gã khổng lồ này có thể thành công với cả 2 hướng nhờ tăng gấp đôi năng suất.

Nói đơn giản hơn, Intel sẽ vừa thiết kế chip bán dẫn như Nvidia, vừa sản xuất như TSMC bằng cách xây dựng thêm các nhà máy mới với tốc độ nhanh chóng để bắt kịp đối thủ. Chiến lược này đòi hỏi lượng lớn về vốn và nguồn lực.

Nhận thức được điều đó, CEO Gelsinger đã yêu cầu mỗi thành viên hội đồng quản trị cam kết ủng hộ một chiến lược tốn kém và đầy tham vọng nhưng sẽ đại diện cho một trong những cuộc xoay chuyển toàn diện nhất trong lịch sử doanh nghiệp Mỹ nếu thành công.

Tham vọng táo bạo của Gelsinger cuối cùng đã không thành công như mong đợi và mọi người chợt nhận ra để một nhân viên đã làm 30 năm trong một cỗ máy chậm chạp, già nua trở thành CEO là sai lầm. Ông Gelsinger không có sự đột phá cần thiết về công nghệ mà chỉ đơn giản là mở rộng quy mô những gì Intel đã làm.

Hậu quả là sau 4 năm tại vị, Intel từ mức có tổng vốn hóa thị trường tương đương Nvidia thì nay đã mất 150 tỷ USD vốn hóa xuống dưới 100 tỷ USD, rơi khỏi top 10 hãng chip giá trị lớn nhất thế giới, kém hơn cả Boeing và Starbucks. Trái lại, Nvidia tăng vốn hóa lên 3 nghìn tỷ USD, cao hơn cả Apple và Microsoft.

Mới đây, CEO Gelsinger được tuyên là sẽ nghỉ hưu và rời khỏi vị trí lãnh đạo của Intel, bất chấp việc ông từng bắt các thành viên hội đồng quản trị ký cam kết ủng hộ chiến lược của mình vào năm 2021.

Việc cổ phiếu Intel giảm hơn 60% kể từ khi Gelsinger bắt đầu làm CEO, khiến tập đoàn trở thành công ty có hiệu suất kém nhất theo chỉ số đánh giá cổ phiếu ngành bán dẫn PLHX đã khiến hội đồng quản trị hết kiên nhẫn.

Vào cuối tháng 10/2024, Intel báo cáo khoản lỗ quý lớn nhất từ ​​trước đến nay với con số đáng kinh ngạc 16,6 tỷ USD, khiến toàn Phố Wall bất ngờ vì dự báo trước đó chỉ là lỗ 1,1 tỷ USD.

Thậm chí Intel đã được Qualcomm tiếp cận với một lời đề nghị tiếp quản, vốn là kịch bản từng không thể tưởng tượng được với tập đoàn từng là biểu tượng ngành chip bán dẫn của Mỹ.

Bất chấp những lời bào chữa từ Intel, tập đoàn này đang ở một vị thế hoàn toàn khác so với vài năm trước chứ chưa nói đến vài thập kỷ trước.

'Làm cho Intel vĩ đại trở lại'

Vào thập niên 2000, Intel đã là cái tên vô địch trong mảng chip xử lý trung tâm máy tính cá nhân cùng máy chủ, tạo nên xương sống cho Internet.

Thế nhưng thành công này khiến Intel ngủ quên trên chiến thắng và chính bản thân Gelsinger cũng đã bị sa thải vào năm 2009 khi đang giám sát 1 dự án cạnh tranh với Nvidia trong lĩnh vực đồ họa.

Trong khi Gelsinger bước tiếp khi làm CEO cho công ty phần mềm máy chủ khổng lồ VMware thì Intel tiếp tục vật lộn để bắt kịp cuộc đua công nghệ.

Bối cảnh chi phí sản xuất chip bán dẫn tăng vọt đã khiến những đối thủ truyền kiếp của Intel như Advanced Micro Devices (AMD) tách hoạt động nhà máy của mình vào năm 2009 để thành lập GlobalFoundries, một dấu hiệu cho thấy tương lai của ngành chip sẽ thay đổi rất khác so với quá khứ.

Thế nhưng Intel thì vẫn giữ nguyên những gì mình đang làm.

Sự cứng đầu này khiến Intel tiếp tục suy giảm doanh số dưới 2 thời CEO nữa và bỏ lỡ hàng loạt thời kỳ bùng nổ của smartphone, điện toán đám mây hay những công nghệ mới khác.

Mọi người bắt đầu nhận ra thời huy hoàng của Intel đã qua và thậm chí một giám đốc điều hành còn gắn biển "MIGA- Make Intel Great Again" (Làm Intel vĩ đại trở lại) lên chiếc Tesla màu xanh Intel của mình để nhớ về thời xưa cũ.

Để khiến Intel "vĩ đại" trở lại, hội đồng quản trị đã quyết định tiếp cận Gelsinger, người đã từng dành 30 năm dưới thời hoàng kim của Intel mà không ai nhận ra rằng chính ông cũng mất việc vì chậm thay đổi trong cuộc cách mạng công nghệ vào năm 2009.

Tất nhiên, hội đồng quản trị chẳng quan tâm, họ quan niệm rằng muốn Intel vĩ đại trở lại thì cần những giám đốc từng làm cho Intel vĩ đại.

Vậy là Gelsinger quay lại với kế hoạch điên rồ: Chẳng thay đổi gì cả và tiếp tục xây nhiều nhà máy hơn thay vì tập trung vào thiết kế hoạch gia công bên ngoài như các hãng khác đang làm.

Đây là kế hoạch cực kỳ táo bạo nhưng cũng rất nguy hiểm khi thị trường đã thay đổi.

Intel là một trong những nhà sản xuất thiết bị tích hợp (Integrated Device Manufacturers) cuối cùng còn lại, hay IDM, có nghĩa là họ vừa thiết kế vừa sản xuất chip trong khi hầu hết các công ty đều chọn một trong hai.

Ví dụ Nvidia thường được gọi là nhà sản xuất chip, nhưng thực tế họ chỉ phụ trách thiết kế còn hoạt động khắc mạch vật lý vào tấm wafer silicon diễn ra chủ yếu tại các nhà máy chế tạo của TSMC. Chính bản thân TSMC cũng biến mình trở thành hãng tiên phong chuyên đi sản xuất chip gia công cho khách hàng thay vì thiết kế.

Mô hình này đã thay đổi ngành công nghiệp chip bán dẫn mãi mãi nhưng Intel không chịu thừa nhận.

TSMC thứ 2

Để biện minh cho khoản chi vốn khổng lồ nhằm xây dựng các cơ sở sản xuất chip mới, có thể tốn tới 20 tỷ USD, CEO Gelsinger cho biết Intel sẽ sản xuất chip theo hợp đồng cho các công ty khác.

Nói đơn giản hơn, Intel sẽ trở thành một TSMC thứ 2.

Vị CEO này đã thuê một nhóm kỹ sư và quản lý để xử lý doanh nghiệp mới, tuyển dụng rất nhiều từ hàng ngũ các giám đốc điều hành lâu năm của Intel đã rời đi sau khi công ty mất đi sức hút.

Đồng thời Gelsinger cũng là người đề xuất, thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Chips 2022, qua đó cung cấp hàng chục tỷ USD ngân sách chính phủ để tài trợ cho các nhà máy sản xuất chip và đưa ngành sản xuất bán dẫn của Mỹ trở lại bản đồ thế giới.

Chính quyền Washington cũng trông cậy vào Intel để trở thành công ty duy nhất có trụ sở tại Mỹ có khả năng sản xuất chip tiên tiến cho ngành công nghiệp quốc phòng.

Vị CEO mới đã tự hào gọi chiến lược của mình là "IDM 2.0", đồng thời đặt ra mục tiêu nội bộ là đưa Intel trở thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới sau TSMC vào năm 2030.

Thế nhưng có một vấn đề là Intel không có khách hàng đáng kể nào trước đó dù tập đoàn này có năng lực sản xuất. Nhiều khách hàng cũng khó có thể tách khỏi TSMC hoặc Samsung nếu không thể chứng minh được năng lực sản xuất tốt hơn đáng kể với tiêu chuẩn tương đương.

Việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng vì thay đổi nhà sản xuất là một đòn chí mạng với nhiều doanh nghiệp, nhất là họ khó lòng quay trở lại ký hợp đồng với công ty cũ theo giá ưu đãi, chưa kể khoảng thời gian thay đổi, cân chỉnh.

Thế rồi Intel không giống như TSMC. Văn hóa của TSMC sau nhiều năm làm chip hợp đồng khiến họ phải cố gắng hết sức để làm hài lòng khách hàng và đảm bảo họ nhận được chính xác những gì họ muốn. Tuy nhiên Intel không linh hoạt như vậy khi các nhà máy của họ đã quen với việc sản xuất chip chỉ dành cho một khách hàng là chính Intel.

Nhằm khắc phục tình hình, CEO Gelsinger đã thỏa thuận mua GlobalFoundries với giá khoảng 30 tỷ USD nhưng bất thành. Sau đó ông đã đạt được một thỏa thuận với nhà sản xuất chip theo hợp đồng Tower Semiconductor, nhưng thỏa thuận này đã bị các cơ quan quản lý của Trung Quốc chặn đứng.

Trong khi khó lòng biến thành TSMC thứ 2 thì cam kết của Gelsinger trong việc phát triển chip tiên tiến cũng bị chậm trễ.

Việc thu nhỏ chip bán dẫn đang dần tới điểm tới hạn nếu không có sự đột phá về nguyên liệu hoặc kỹ thuật, chưa kể cần tốn nhiều năm và hàng tỷ USD nghiên cứu.

Bởi vậy Intel vẫn chẳng có sản phẩm nào vượt trội so với đối thủ. Mặc dù đại dịch Covid-19 khiến nhiều người ở nhà dùng máy tính hơn, qua đó thúc đẩy nhu cầu chip Intel nhưng đó lại chỉ là sự gia tăng nhất thời.

Sau đó, một số giám đốc được Gelsinger gọi về đã trở nên hoài nghi về chiến lược của Intel và rời khỏi công ty một lần nữa.

Thậm chí sự bùng nổ của AI, vốn kéo ngành công nghệ và chip bán dẫn lên một tầm cao mới cũng chẳng giúp được gì cho Intel.

Xin được nhắc rằng Intel đã đầu tư hàng tỷ USD vào chip AI từ rất lâu trước khi ChatGPT ra đời vào cuối năm 2022. Tập đoàn đã mua lại các công ty khởi nghiệp như Nervana Systems vào năm 2016 và Habana Labs vào năm 2019.

Thế nhưng hiện nay, hầu hết các phép tính AI đều được xử lý bởi các đơn vị xử lý đồ họa mạnh mẽ do Nvidia sản xuất gần như độc quyền.

Tồi tệ hơn, ngay cả khi Nvidia không đáp ứng kịp thị trường thì Intel cũng chẳng thể tiếp cận được mảng này.

Vào tháng 10/2024, CEO Gelsinger cho biết chip AI của Intel sẽ không đạt được mục tiêu doanh thu là 500 triệu USD trong năm nay. Vậy là các hãng công nghệ tiếp tục chuyển đơn hàng sang Nvidia dù phải chờ đợi.

Rõ ràng, sự ra đi của CEO Gelsinger là hậu quả tất yếu cho sự cứng đầu của Intel khi không chịu thay đổi và quá tham lam khi thị trường đang biến chuyển từng ngày.

*Nguồn: Fortune

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tội đồ khiến Intel mất 150 tỷ USD: Từ niềm hy vọng cứu rỗi ngành chip bán dẫn Mỹ đến kẻ thua cuộc trước Nvidia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO