2 tháng đầu năm, kinh tế toàn cầu vẫn ở trong trạng thái rất khỏe mạnh. Lạm phát dù tăng cao nhưng đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Thị trường lao động và chi tiêu tiêu dùng tỏ ra vững vàng. Và có rất ít, thậm chí là không có bất kỳ câu hỏi nào về sức khỏe của hệ thống tài chính.
Nhưng đột nhiên bữa tiệc kết thúc. Trong chưa đầy 2 tuần, thế giới tài chính đã đảo lộn, khiến các nhà đầu tư phải đặt câu hỏi liệu có phải mọi thứ sắp chấm dứt.
Câu chuyện thay đổi 180 độ trong 2 tuần
Ban đầu đó là sự kiện Silvergate Capital, 1 ngân hàng chuyên tập trung vào tiền số đột nhiên rơi vào khủng hoảng, kéo theo nhiều tác động về kinh tế, chính trị. Chỉ sau vài ngày, 2 ngân hàng tiếp theo buộc phải dóng cửa là Silicon Valley Bank và Signature Bank. Và những ngày này 2 cái tên gây nhiều lo ngại nhất là Credit Suisse và First Republic Bank.
Tình hình vẫn chưa ổn định trở lại và buộc nhiều bên phải thay đổi. Niềm tin của các startup và quỹ đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon sụt giảm, các nhà quản lý phải nhanh chóng hành động để ngăn các vụ việc riêng lẻ nói trên phát triển thành một làn sóng trên diện rộng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu và trái phiếu của nhiều định chế tài chính trên khắp thế giới bị bán tháo và giảm giá sâu.
Các nhân viên ngân hàng – vốn tin rằng khách hàng sẽ mãi mãi trung thành với họ - đối mặt với làn sóng rút tiền ồ ạt ập đến rất nhanh. Các nhà đầu tư vốn dành cả năm qua trăn trở với nỗi lo lớn nhất là cuộc chiến chống lạm phát của Cục dự trữ liên bang Mỹ, nhưng giờ bất chợt nhận ra một loạt nỗi lo mới. Liệu cuộc khủng hoảng mà một số ngân hàng đang gặp phải có được dập tắt nhanh chóng và cho phép nền kinh tế tiếp tục vận hành trơn tru như trước hay lại bùng lên thành thứ gì đó lớn hơn (như Lehman Brothers từng làm) và gây ra suy thoái kinh tế?
HIện tại vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận, kể cả khi tuần này kết thúc mà thị trường chứng khoán vẫn chưa yên. Công ty mẹ của ngân hàng SVB, Silicon Financial Group, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11, đánh dấu vụ phá sản xuất phát từ ngân hàng lớn nhất kể từ 2008, khi Washington Mutual sụp đổ.
Bài học lớn nhất rút ra được từ những diễn biến trong tuàn qua là rất nhiều giả định của thế giới tài chính về năm 2023 đã bị đảo ngược.
Ngay đầu tháng 3, Torsten Slok, chuyên gia kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, vẫn vững tin nền kinh tế sẽ “không hạ cánh” vì đang tỏ ra khá khỏe mạnh. Nhưng giờ thì ông và nhiều đồng nghiệp đang nhận định xác suất suy thoái đã tăng lên đáng kể.
Nạn nhân của lãi suất tăng
“Cú hạ cánh mà Fed rất cố gắng bấy lâu nay để có thể đạt được đã xuất hiện nhanh hơn nhiều so với chỉ cách đây 2 tuần”, Slok nói.
Nhưng nhìn lại thì các diễn biến này cũng không hoàn toàn quá ngạc nhiên. Kể từ năm ngoái, khi các NHTW trên toàn thế giới bắt đầu nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhiều nhà đầu tư, chuyên gia phân tích và chuyên gia kinh tế đã luôn tìm kiếm những dấu hiệu bất ổn.
Bởi vì trong suốt quãng thời gian từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay, lãi suất luôn giữ ở mức quá thấp. Hệ quả là các tài sản rủi ro tăng giá kỷ lục. Lãi suất tăng đồng nghĩa chi phí đi vay cũng tăng, điều gây áp lực lớn cho các thị trường và làm gián đoạn phần nào hoạt động cho vay, đặc biệt khi lãi suất tăng quá mạnh trong 1 thời gian khá ngắn như vừa qua.
Những “vết nứt” đã bắt đầu nổi lên. Mùa thu năm ngoái, thị trường tài chính Anh rung lắc sau khi chính phủ bất ngờ tuyên bố cắt giảm thuế, dẫn đến một số công cụ tài chính được nắm giữ phần lớn bởi các quỹ hưu trí giảm giá mạnh. NHTW Anh đã buộc phải can thiệp khẩn cấp để ngăn rủi ro lan rộng. Chính phủ Anh cũng phải rút lại kế hoạch ngân sách.
Sức khỏe của hệ thống ngân hàng Mỹ bị đặt dấu hỏi chấm như thế nào?
Những dấu hiệu bất ổn đầu tiên xuất hiện vào ngày 8/3, khi SVB tiết lộ khoản lỗ 1,8 tỷ USD từ bán trái phiếu, đồng thời cũng đang cố gắng huy động vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu.
Tin xấu liên tiếp khiến khách hàng ồ ạt rút tiền khỏi SVB. Sáng 10/3, Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) vào cuộc và tiếp quản SVB, nhưng khi đó làn sóng bán ra cổ phiếu ngân hàng lại bắt đầu xuất hiện. Các nhà đầu tư tìm cách bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng có những đặc điểm giống với SVB: phụ thuộc vào các khoản tiền gửi không được bảo hiểm (lớn hơn 250.000 USD) và có danh mục đầu tư gồm nhiều tài sản sẽ giảm giá khi lãi suất tăng.
Tối chủ nhất, Fed thông báo sẽ bảo lãnh tất cả các khoản tiền gửi tại SVB và sẵn sàng bơm thanh khoản nếu các ngân hàng khác rơi vào cảnh tương tự như SVB.
Cổ phiếu của các ngân hàng cỡ trung khác vẫn chưa thể hồi phục. Những ngày gần đây First Republic Bank đang là cái tên gây nhiều chú ý vì cổ phiếu biến động quá mạnh. Tuy nhiên, một nhóm gồm các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ (trong đó có JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo) đã cam kết hỗ trợ cho First Republic Bank 30 tỷ USD.
Nhiều ngân hàng lớn đã hút được hàng tỷ USD chảy sang từ các ngân hàng cỡ trung sau vụ SVB sụp đổ. Do đó họ đã quyết định sẽ giúp đỡ.
Động thái này giúp một số nhà đầu tư cảm thấy an tâm hơn. “Mặc dù tuần trước có nhiều diễn biến đáng sợ, tôi vẫn nghĩ rằng nguy cơ khủng hoảng lan rộng đã được hạn chế đáng kể”, Brent Schutte, giám đốc đầu tư của Northwestern Mutual Wealth Management nhận định.
Credit Suisse – 1 câu chuyện khác
Ở phía bên kia Đại Tây Dương, các nhà đầu tư châu Âu cũng thấp thỏm với những dấu hiệu bất ổn của Credit Suisse. Ngân hàng đến từ Thụy Sĩ vẫn bị nhiều nhà đầu tư nhìn nhận là không ổn vì nhiều vụ scandal trong những năm gần đây.
Cổ phiếu của Credit Suisse bắt đầu giảm giá mạnh sau khi ngân hàng công bố báo cáo thường niên với những con số không mấy tích cực, đồng thời tiết lộ vẫn đang bị nhiều khách hàng giàu có quay lưng rút tiền. “Đổ thêm dầu vào lửa” là câu trả lời “hoàn toàn không” của Chủ tịch Saudi National Bank khi được hỏi ông có xem xét đầu tư thêm vào Credit Suisse hay không. Sau đó đại diện của cổ đông lớn nhất của Credit Suisse đã lên tiếng khẳng định bị thị trường hiểu lầm ý, ngoài ra còn khẳng định ông hoàn toàn ủng hộ Credit Suisse.
Không giống như SVB, Credit Suisse không có khoản lỗ chưa thực hiện khổng lồ từ đầu tư trái phiếu. Danh mục đầu tư của ngân hàng này đã được dự phòng rủi ro lãi suất. Và lượng tiền gửi cũng cân đối với các tài sản dễ dàng thanh lý.
Tuy nhiên thị trường không chú ý nhiều đến sự khác biệt này.
Đến ngày hôm sau, NHTW Thụy Sĩ lên tiếng khẳng định các rắc rối của những ngân hàng Mỹ không phải là mối đe dọa đối với các ngân hàng Thụy Sĩ, nhưng SNB sẽ bơm thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần thiết. Cuối cùng thì chính Credit Suisse cho biết sẽ vay 54 tỷ USD từ SNB.
Tin tức tích cực giúp cổ phiếu Credit Suisse hồi phục tăng gần 20%. Nhưng chi phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ tín dụng vẫn giữ ở mức cao. Và nhiều ngân hàng cũng như quỹ quản lý tiền tệ tìm cách giảm bớt mối quan hệ với ngân hàng Thụy Sĩ.
Thị trường phản ứng thái quá?
ICE BofA MOVE, chỉ số đo lường mức độ biến động của thị trường trái phiếu, đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm, đạt ngưỡng hiếm thấy ngoài 2 dịp là khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng đồng rúp Nga năm 1998.
Nhiều trader cho biết họ gặp khó khăn khi vào và thoát khỏi vị thế, với thời gian lâu hơn và chi phí cao hơn thông thường. “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thiếu thanh khoản khá nghiêm trọng”, theo Michael Contopoulos, người phụ trách các tài sản mang lại thu nhập cố định của Richard Bernstein Advisors.
Tuy nhiên trong cơn bão vẫn có điểm sáng. Mặc dù thị trường biến động mạnh và nhóm ngân hàng giảm sâu, chỉ số S&P 500 vẫn tăng 1,4% trong tuần, còn Nasdaq tăng 4,4%.
Theo giới phân tích, một phần nguyên nhân là do nhà đầu tư vẫn bám víu vào hi vọng bất ổn chỉ gói gọn trong hệ thống ngân hàng chứ chưa lan sang toàn nền kinh tế. Ngoài ra họ đặt cược Fed sẽ sớm ngừng tăng lãi suất, thậm chí còn hạ lãi suất trong nửa cuối năm nay. Trước đây phần lớn nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cả năm 2023.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Chưa rõ sóng gió đối với các ngân hàng bao giờ sẽ kết thúc, cũng như tác động lên nền kinh tế lớn đến đâu.
Sự sụp đổ của SVB và Signature Bank đè nặng lên nhận định của phố Wall về triển vọng kinh tế. Nếu các ngân hàng thu hẹp hoạt động cho vay, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ giảm chi tiêu, dẫn đến xác suất kinh tế suy thoái trong năm 2024 tăng lên, theo nhận định của Jeffrey Schulze, chuyên gia đang làm việc tại ClearBridge Investments.
Và câu hỏi lớn nhất trên phố Wall hiện nay là tiếp theo ngân hàng nào sẽ gặp rắc rối. “Rất nhiều người tranh cãi về việc liệu khủng hoảng 2008 có lặp lại hay đây chỉ là 1 vụ Orange County hoặc Long-Term Capital Management khác. Trong những năm 1990, Orange County đã phá sản vì sai lầm trong đầu tư, còn LTCM phải tìm đến sự cứu trợ của 14 ngân hàng khác vì sử dụng quá nhiều đòn bẩy.
Tham khảo Wall Street Journal