Tín dụng tiếp tục khó, doanh nghiệp bất động sản vẫn rơi vào thế bí

Phương Trang | 09:33 12/01/2023

Với khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023, nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản vẫn rơi vào khó khăn.

Tín dụng tiếp tục khó, doanh nghiệp bất động sản vẫn rơi vào thế bí
Nhiều khả năng lãi suất năm 2023 tiếp tục được điều chỉnh tăng, điều này sẽ khó khăn hơn cho các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận với tín dụng. (Ảnh: Int)

Hồi cuối năm 2022 lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt, khi Thủ tướng Chính phủ đã có những yêu cầu đối với Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ. Nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái tích cực là đưa lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm, một số ngân hàng đưa ra mức xấp xỉ 10%/năm gồm cả khuyến mãi và thưởng.

Tuy nhiên, sau tuần đầu tiên của tháng 1/2023, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động một số kỳ hạn ngắn, tăng lần lượt 0,8%/năm và 0,3%/năm đối với lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1 và 3 tháng, đưa mức lãi suất lên thành 6%/năm.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng mới đưa ra biểu lãi suất mới, tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng lên mức 9,5%/năm, kỳ hạn dưới 6 tháng lên thành 6%/năm.

Một số ngân hàng khác cũng niêm yết lãi suất huy động ở mức cao. Như tại Ngân hàng SCB đang huy động tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại quầy là 9,7%/năm và gửi trực tuyến là 9,9%/năm; từ 12 tháng trở lên, lãi suất huy động đồng loạt là 9,95%/năm. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này.

SCB hiện đang áp dụng chính sách cộng lãi suất thêm tới 1,5%/năm cho khách hàng gửi tiền tại quầy, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, trong giai đoạn từ nay đến hết ngày 28/2/2023. Như vậy, lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể hưởng tại SCB lên tới 11,45%/năm.

Hay như NCB huy động với lãi cao nhất là 9,9%/năm dành cho sản phẩm tiết kiệm An Phú trực tuyến, kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ. Nếu khách hàng gửi tiết kiệm truyền thống cùng kỳ hạn, lãi suất là 9,7%/năm.

Ngoài ra, NCB còn cộng thêm 0,2%/năm lãi suất so với biểu lãi suất online khi gửi trên ứng dụng NCB iziMobile. Ưu đãi dành cho khách hàng lần đầu gửi tiết kiệm tại NCB.

Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước đầu năm 2023 vẫn là kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản. Động thái này cho thấy, tín dụng bất động sản 2023 sẽ tiếp tục khó khăn, ngoại trừ các phân khúc nằm trong định hướng ưu tiên hỗ trợ như nhà ở xã hội…

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước vẫn sử dụng hệ số rủi ro cao để kiểm soát rủi ro tín dụng bất động sản. Đối với các khoản cho vay để kinh doanh bất động sản, sẽ áp dụng hệ số rủi ro là 200%; các khoản cho vay mua nhà có giá trị trên 4 tỷ đồng áp dụng hệ số rủi ro 150%; các khoản cho vay mua nhà ở có giá trị dưới 1,5 tỷ đồng và nhà ở xã hội thì áp dụng hệ số rủi ro dưới 50%.

Báo cáo chiến lược năm 2023 mới đây của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho thấy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

MASVN chỉ ra thực tế, so với lãi suất điều hành của Mỹ vốn đã vượt mức trước dịch Covid-19, mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch. Bên cạnh đó, FED vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất điều hành trong năm 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%. Vì vậy, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tăng lãi suất trong nước nhằm ổn định tỷ giá.

Một điểm nữa mà theo MASVN tăng trưởng tiền gửi của Việt Nam vẫn ở mức thấp, đến cuối quý III/2022 chỉ tăng 4,8% so với cuối năm 2021, do đó, lãi suất huy động vẫn tiếp tục tăng để thu hút tiền gửi. Nhất là các ngân hàng lớn, đặc biệt là ngân hàng quốc doanh sẽ có nhiều lợi thế trong việc huy động tiền gửi với mức chi phí huy động thấp.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cũng nhận định, lãi suất điều hành có thể tăng thêm 2%/năm trong năm 2023, trong khi lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ tiền đồng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bất động sản đang gặp điểm nghẽn, trong đó có hai nguyên nhân căn bản nhất đó là thiếu nguồn cung và thiếu vốn. Đặc biệt, cần phải có vốn mới giải quyết được vấn đề nhà ở và cả vấn nạn lợi dụng nguồn cung khan hiếm để thổi giá trong thời gian qua.

“Để khơi thông vốn, trước mắt cần làm dịu đi tình hình để phục hồi lại lòng tin của các nhà đầu tư và người dân. Trên nền tảng lòng tin, chúng ta mới phục hồi lại được thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Giải quyết được bài toán vốn, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, ngân hàng cần làm dịu đi "cơn khát" vốn của doanh nghiệp, bằng cách đánh giá, tìm những doanh nghiệp nào có tài sản đảm bảo tốt, có khả năng quản trị tốt thì hỗ trợ vốn cho họ phục hồi như cách mà Trung Quốc và Hàn Quốc đã làm.

Khi những doanh nghiệp tốt xứng đáng được hỗ trợ để tồn tại và phục hồi thì lòng tin của người dân sẽ nhanh chóng trở lại. Điều này một mặt sẽ tăng thêm nguồn cung dự án, một mặt mở thêm nguồn tín dụng, đồng thời phục hồi được thị trường cổ phiếu, và thị trường bất động sản tránh được việc vỡ bong bóng.

Một số chuyên gia nhận định rằng, với thực tế lãi suất tiền gửi đang ở mức cao, cùng với việc khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng lãi suất sẽ khiến cho các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn khó khăn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tín dụng tiếp tục khó, doanh nghiệp bất động sản vẫn rơi vào thế bí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO