Tờ Business Time đưa tin, ngày 13/2 vừa qua, TikTok đã sa thải toàn bộ 40 nhân viên ở Ấn Độ. Được biết, những người này chủ yếu làm việc cho thị trường Brazil và Dubai. Trên thực tế, quyết định này không gây ngạc nhiên lớn vì TikTok đã bị cấm ở Ấn Độ từ khoảng 3 năm trước.
"Chúng tôi đã đưa ra quyết định đóng cửa trung tâm hỗ trợ bán hàng từ xa tại Ấn Độ, được thành lập vào cuối năm 2020 để hỗ trợ cho các nhóm bán hàng toàn cầu và khu vực của công ty. Chúng tôi đánh giá rất cao những nhân viên này và đóng góp của họ đối với công ty đồng thời đảm bảo họ được hỗ trợ vào thời điểm khó khăn này”, người phát ngôn của TikTok cho biết.
Theo báo cáo của Economic Times, những nhân viên bị ảnh hưởng sẽ được nhận tới 9 tháng trợ cấp thôi việc. “Các nhân viên của TikTok Ấn Độ đã được thông báo rằng ngày 28/2 sẽ là ngày làm việc cuối cùng. Có thông tin cho rằng việc khởi động lại các hoạt động của TikTok tại Ấn Độ sẽ không diễn ra do chính phủ nước này vẫn giữ lập trường cứng rắn với các ứng dụng của Trung Quốc”, một nguồn tin thân cận chia sẻ với Economic Times.
Đây không phải lần đầu tiên TikTok sa thải nhân viên tại Ấn Độ. Tháng 2/2021, ByteDance đã sa thải 2.000 nhân viên tại Ấn Độ. Thời điểm đó, một nguồn tin thân cận tiết lộ với Nikkei rằng TikTok về cơ bản đang rút khỏi Ấn Độ. Những người lao động bị cho thôi việc sẽ được nhận 3 tháng lương và trợ cấp bồi thường tương ứng với số năm làm việc.
TikTok bị cấm tại Ấn Độ từ tháng 6/2020 do lo ngại an ninh quốc gia. Thống kê của Sensor Tower cho thấy trước khi TikTok bị cấm, Ấn Độ là thị trường lớn nhất tính theo lượt tải xuống ứng dụng này. Một thống kê cho thấy ứng dụng này có khoảng 167 triệu người dùng tính đến thời điểm trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Nikkei cho biết các gã khổng lồ công nghệ như Alibaba, ByteDance và Tencent đều coi Ấn Độ là một trong những thị trường lớn nhất để phát triển bên ngoài thị trường nội địa. Tuy nhiên, nhiều trong số này đã phải tạm dừng kế hoạch phát triển.
Ngoài Ấn Độ, TikTok cũng bị coi là một mối đe dọa với dữ liệu người dùng tại Mỹ bởi TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance. Thời gian qua, đã có không ít nỗ lực nhằm hạn chế việc sử dụng TikTok ở Mỹ.
Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký luật cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ. Ngoài ra, hơn một nửa số bang của Mỹ đã thông qua các hạn chế tương tự, với các trường đại học và thậm chí một số trường tiểu học cũng có động thái tương tự.
Theo dữ liệu của Sensor Tower, TikTok là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ từ năm 2021. Ngoài các dự luật đang chờ thông qua, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã đàm phán với TikTok trong hơn hai năm, yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok vào năm 2020 do lo ngại dữ liệu người dùng có thể bị rò rỉ và chuyển giao cho chính phủ Trung Quốc.
Nguồn: Business Time