Thị trường chứng khoán vừa có một phiên tăng gần 10 điểm qua đó chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, khối ngoại lại bất ngờ bán ròng mạnh trên HoSE với giá trị gần 330 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Đây là phiên bán ròng mạnh nhất của nhà đầu tư nước ngoài kể từ đầu tháng 11 năm ngoái nếu loại đi các giao dịch thỏa thuận trên cổ phiếu EIB cùng thời kỳ.
Nhìn vào xu hướng, khối ngoại đã có dấu hiệu mua ròng chậm lại sau giai đoạn gom “ồ ạt” trên diện rộng 2 tháng cuối năm 2022. Nhịp hồi mạnh từ giữa tháng 11 năm ngoái đã nhanh chóng kéo P/E của VN-Index tăng trở lại và không còn quá hấp dẫn như thời điểm xuống đáy 2 năm. Khối ngoại cũng dè dặt hơn trong các động thái mua gom.
Thị trường không còn xuất hiện các phiên mua ròng nghìn tỷ, thậm chí các phiên khối ngoại gom trên 500 tỷ cũng ít dần. Thay vào đó, những phiên bán ròng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt sau khi số liệu lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết không mấy khả quan sau mùa báo cáo tài chính quý 4. Tăng trưởng lợi nhuận âm tiếp tục đẩy định giá của nhiều cổ phiếu tăng cao và trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Một trong những động lực quan trọng hút dòng vốn ngoại là kênh ETF cũng có dấu hiệu hụt hơi. Việt Nam vẫn nằm trong số ít hút ròng nhưng dòng vốn đổ vào tiếp tục giảm trong tuần trước, ghi nhận ở mức 9 triệu USD, thấp nhất trong 4 tháng vừa qua. Dòng tiền vào Việt nam chỉ tập trung trên X FTSE Việt Nam và các ETFs khác gần như không nhận được lực cầu.
Thực tế, dòng vốn ETF vào Việt Nam đã có dấu hiệu suy yếu trong 2 tuần trở lại đây và không còn lan tỏa rộng giữa các ETFs chủ đạo. Ngay cả các thỏi nam châm hút vốn ngoại như Fubon FTSE ETF, DCVFM VNDiamond ETF cũng đều đã chững lại. Trong khi đó, VNM ETF đã không hút được tiền kể từ đầu tháng 2 sau giai đoạn bất ngờ bùng nổ trước đó. Chứng khoán KIS cho rằng, hoạt động rút vốn khả năng cao sẽ quay trở lại trong những tuần giao dịch tiếp theo.
Thiếu động lực từ dòng tiền ngoại trong khi tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn thận trọng trước triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất ở mức cao trở thành rào cản khiến dòng tiền vào chứng khoán bị hạn chế. Thanh khoản xuống thấp với giá trị khớp lệnh chỉ quanh mức 5.000-7.000 tỷ mỗi phiên. Thị trường cũng theo đó quay đầu điều chỉnh, VN-Index ghi nhận mức giảm 5,7% từ đầu tháng 2.
Trong ngắn hạn, xu hướng giảm là khá rõ ràng và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Sự suy giảm sức mua và lãi suất được dự báo khó có thể đảo chiều ít nhất đến hết nửa đầu năm 2023 sẽ tiếp tục tạo áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp quý tới, đặc biệt trên nền so sánh cao cùng kỳ. Điều này sẽ đẩy mức định giá kỳ vọng tăng cao qua đó ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của thị trường.
Dù vậy, triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam vẫn được các quỹ ngoại đánh giá cao nhờ vĩ mô ổn định và câu chuyện nâng hạng thị trường ngày càng rõ ràng. Dòng vốn ETF trở thành trend toàn cầu cũng sẽ góp phần thúc đẩy khối ngoại trở lại TTCK Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Năm 2022 chứng kiến một làn sóng các quỹ ETF mới bao gồm cả nội và ngoại, xuất hiện trên TTCK Việt Nam. Những cái tên mới như CSOP FTSE Vietnam 30 ETF, DCVFM VNMidcap ETF, KIM GROWTH VNFINSELECT ETF, MAFM VNDIAMOND ETF, FCAP VNX50 ETF được kỳ vọng sẽ khiến kênh ETF ngày càng trở nên sôi động.
Trong một chia sẻ gần đây, ông Yun Hang Jin - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Quản lý Quỹ KIM Việt Nam dự báo sẽ có thêm nhiều ETF ngoại với mục tiêu đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới khi thị trường hiện thực hóa được mục tiêu nâng hạng. Với ETF nội địa, sự cạnh tranh của các công ty trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ rất khốc liệt thể hiện ở hai khía cạnh: (1) năng lực phát triển chỉ số và vận hành, (2) năng lực huy động vốn.