Thị trường chứng khoán tiếp tục điệp khúc “sáng tăng chiều giảm”, VN-Index có phiên thứ 3 giảm điểm liên tiếp. Rổ VN30 tiếp tục trở thành gánh nặng của thị trường, khi sắc đỏ áp đảo trên bảng điện của rổ này.
Kết phiên 12/7, chỉ số VN-Index giảm 3,05 điểm, xuống 1.280,75 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index giảm 0,37 điểm, xuống 245,02 điểm. Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,17 điểm, xuống 98,14 điểm.
Hôm nay, thanh khoản trên toàn thị trường xuống thấp, chỉ đạt gần 17.500 tỷ đồng, giảm khoảng 3.700 tỷ đồng so với phiên trước.
Độ rộng của thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 466 mã giảm giá (gồm 29 mã giảm sàn) so với 349 mã tăng giá (gồm 41 mã tăng trần).
Tình cảnh "kẻ khóc người cười" diễn ra khi nhóm bất động sản, công nghệ thông tin, chế biến thủy sản, sản xuất nhựa – hóa chất, … giữ được sắc xanh trong khi ở chiều ngược lại, các nhóm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bán lẻ, sản phẩm cao su, xây dựng, … lại chìm trong sắc đỏ.
Tăng 2,57% lên 37.900 đồng, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dẫn đầu nhóm kéo chỉ số chính VN-Index. Theo sau là các cổ phiếu VIC, FPT, VJC, VHC, DCM, BCM, IMP, POW...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng gây áp lực mạnh lên chỉ số VN-Index trong phiên hôm nay, dẫn đầu là cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank.
Kết phiên 12/7, giá cổ phiếu VCB là 87.600 đồng/cổ phiếu, giảm 0,57% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là gần 1,4 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp của mã cổ phiếu này.
Trong top 10 những cổ phiếu gây áp lực nhiều nhất lên chỉ số VN-Index , nhóm ngân hàng còn xuất hiện thêm các cái tên khác như BID, CTG, ACB, MBB.
Bên cạnh đó, là các mã cổ phiếu của các nhóm ngành khác là HPG, MSN, PLX, SSI, PRT, …
Gây chú ý trong phiên giao dịch hôm nay là cổ phiếu CSV của Công ty CP Hóa chất Cơ bản miền Nam. Sau chuỗi 5 phiên tăng trần và 2 phiên tăng điểm gần đây, phiên 12/7 mã cổ phiếu này đã “quay đầu” giảm điểm.
Đáng chú ý, với đợt tăng giá mạnh vừa qua, giá cổ phiếu CSV đã lập đỉnh giá cao nhất từ trước đến nay, tăng khoảng 150% thị giá so với thời điểm đầu năm.
Kết phiên 12/7, giá cổ phiếu CSV là 39.500 đồng/cổ phiếu, giảm 2,35% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là hơn 1 triệu đơn vị.
Trước đó, vào ngày 10/7, giải trình với HoSE sau khi diễn biến giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp, doanh nghiệp này cho biết, giá cổ phiếu CSV bị ảnh hưởng và chi phối trực tiếp bởi tình hình chung của thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư. Việc cổ phiếu CSV tăng trần 5 phiên liên tiếp là vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.
Tương tự, sau đà tăng “phi mã” trong những phiên vừa qua và lập đỉnh giá cao nhất từ trước đến nay, phiên 12/7, giá cổ phiếu REE của Công ty CP Cơ điện lạnh “quay đầu” giảm điểm.
Cụ thể, kết phiên 12/7, giá cổ phiếu REE là 71.100 đồng/cổ phiếu, giảm 0,56% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là hơn 1,1 triệu đơn vị.
Trước đó, cổ phiếu REE đã lập đỉnh giá cao nhất từ trước đến nay ở phiên 11/7, với mức giá 71.500 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm, thị giá cổ phiếu này đã tăng khoảng 50%.
Sau khi ngắt chuỗi bán ròng ở phiên trước, phiên 12/7, khối ngoại lại quay trở lại bán ròng với giá trị gần 800 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, khối này bán ra nhiều nhất cổ phiếu VHM của “ông lớn” bất động sản Vinhomes, với giá trị hơn 304 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu MWG (124,21 tỷ đồng), cổ phiếu MSN (79,63 tỷ đồng), cổ phiếu FPT (48,34 tỷ đồng), …
Ở chiều mua vào, khối ngoại mua vào nhiều nhất cổ phiếu TPB của ngân hàng TPBank với giá trị 37,19 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu PLX (26,07 tỷ đồng), cổ phiếu HDG (19,51 tỷ đồng), cổ phiếu GMD (15,61 tỷ đồng), ….