Tiền vào thị trường cao nhất trong vòng 3 tháng, chứng khoán Việt Nam lấy lại 15 tỷ USD vốn hóa sau 4 phiên

Hà Linh | 15:51 29/11/2022

Sau 4 phiên khởi sắc liên tiếp, VN-Index đã tăng hơn 86 điểm (+9%), giá trị vốn hóa HoSE cũng theo đó lấy lại gần 344.000 tỷ đồng (~14,3 tỷ USD), đạt hơn 4,1 triệu tỷ đồng.

Tiền vào thị trường cao nhất trong vòng 3 tháng, chứng khoán Việt Nam lấy lại 15 tỷ USD vốn hóa sau 4 phiên

Bất chấp rung lắc mạnh do hoạt động chốt lời, thị trường chứng khoán vẫn nối dài mạch tăng điểm bằng một phiên giao dịch đầy hứng khởi. Lực cầu khỏe thậm chí còn đẩy VN-Index tăng 2,63% lên đóng cửa cao nhất phiên tại 1.032,16 điểm.

Sau 4 phiên khởi sắc liên tiếp, VN-Index đã tăng hơn 86 điểm (+9%), vốn hóa HoSE cũng theo đó lấy lại gần 344.000 tỷ đồng (~14,3 tỷ USD). Nếu tính chung cả 3 sàn, con số này thậm chí còn lên đến hơn 360.000 tỷ đồng (~15 tỷ USD).

Không chỉ bứt phá về điểm số, dòng tiền “ồ ạt” đổ vào thị trường cũng đẩy thanh khoản lên cao nhất trong vòng 3 tháng với giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt 16.500 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu tích cực sau chuỗi ngày giảm điểm kéo dài cùng giao dịch đầy ảm đạm. Thị trường tăng kèm thanh khoản cao phần nào cho thấy nhà đầu tư đã sẵn sàng trả giá cao hơn thay vì tâm lý dè dặt trước đó.

gtkl.png

Đóng góp lớn vào sự sôi động của thị trường là giao dịch tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ 4 liên tiếp trên HoSE với giá trị gần 2.700 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tính từ đầu tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng lên đến gần 14.400 tỷ đồng trên HoSE.

Các quỹ ETF tiếp tục là động lực chủ yếu thu hút dòng vốn ngoại. Xu hướng này được dự báo sẽ vẫn duy trì trong thời gian tới khi Fubon FTSE Vietnam ETF - quỹ đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đang huy động thêm 5 tỷ TWD (~160 triệu USD), tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng để đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam. Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập FIDT, ETF này có thể sẽ hoàn thành huy động vào cuối tuần sau và bắt đầu rót vốn ngay sau đó.

Fubon ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HoSE (điều kiện còn room ngoại). Quỹ vẫn là đầu tàu dẫn dắt dòng vốn từ khu vực Đông Á khi hút ròng hơn 106 triệu USD (~2.500 tỷ đồng) từ đầu tháng 11. Đến thời điểm hiện tại, Fubon là ETF duy nhất chưa bị rút vốn trong một tháng nào từ đầu năm 2022 với tổng giá trị dòng vốn vào lên đến 436,4 triệu USD (~10.300 tỷ đồng).

khoi-ngoai.png

Một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh mẽ trên TTCK Việt Nam là mức định giá hấp dẫn của hàng loạt Bluechips. Nhịp giảm sâu kéo dài trước đó đã đưa nhiều cổ phiếu đầu ngành về dưới giá trị sổ sách, điều rất hiếm khi xảy ra trong quá khứ. Mặc dù tăng mạnh trong những phiên gần đây nhưn P/E trailing của VN-Index vẫn chỉ ở mức 10,8x tương đương các giai đoạn khủng hoảng trong quá khứ và thấp hơn nhiều bình quân 5 năm trở lại đây.

Việc P/E của VN-Index quay đầu sau khi rơi xuống dưới mức thấp nhất của đáy Covid cũng là một chỉ báo cho thấy dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn của thị trường. Theo BSC, khi P/E rơi xuống ngoài vùng -2std P/E bình quân 5 năm thì thường bật lên rất nhanh, chỉ số chứng khoán của các nước cũng đảo chiều tăng mạnh và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

pe.png

Ngoài ra, dấu hiệu hạ nhiệt của lãi suất cũng là tin vui cho thị trường chứng khoán. Cụ thể, trong cuộc họp mới đây của Fed cũng đưa ra những tín hiệu sẽ giảm nhiệt trong việc tăng lãi suất để phát triển kinh tế. Trong nước một số ngân hàng cũng có động thái giảm lãi suất. Những tín hiệu trên tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Yuanta Việt Nam, thị trường hiện đang chờ đợi một số giải pháp của Chính phủ hỗ trợ thanh khoản cho nhóm bất động sản. Hiện, NHNN chưa sử dụng hết nguồn room 4% cho các ngân hàng nên dư địa mở room thêm là có, song dòng tiền có được chảy vào ngành BĐS không vẫn là câu hỏi nhà đầu tư đang chờ đợi.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC đcũng ánh giá bức tranh đang ủng hộ xu hướng hồi phục ngắn hạn của thị trường. Thị trường thế giới diễn biến đang rất tích cực, đặc biệt là sự suy yếu của đồng USD. Đợt "call-margin" chủ doanh nghiệp, "call-margin" chéo cũng đã được giải quyết, vài trường hợp cá biệt cũng sẽ ngày càng ít ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Mặt khác, chuyên gia DSC cho rằng cơ hội lớn đang tồn tại trên thị trường nhưng quãng "sell-off" này khả năng sẽ chỉ kéo dài đến hết năm 2022 khi dòng vốn ít nhiều được khơi thông. Do đó, cơ hội tích lũy cổ phiếu trên thị trường hiện tại rất nhiều nhưng cũng không quá lâu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tiền vào thị trường cao nhất trong vòng 3 tháng, chứng khoán Việt Nam lấy lại 15 tỷ USD vốn hóa sau 4 phiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO