Nội dung chính:
- Nhiều đơn vị bán hàng đang chịu áp lực chi phí khi kinh doanh trên các sàn TMĐT.
- Sau nhiều năm tấn công thị trường, các sàn TMĐT liên tục tăng phí, mức cao nhất có thể lên tới 15,5% giá trị đơn hàng.
- Mức phí người bán trả cho Shopee, Lazada ngày càng nhiều, trong khi tân binh Tiktok Shop đang miễn phí hầu hết phí cho người bán.
Hơn 3 năm trước, Phạm Khánh Trang (23 tuổi, Hà Nội) gia nhập thị trường kinh doanh trực tuyến với một gian hàng thời trang trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee. Nền tảng này là “cần câu cơm” chủ lực trong những ngày đầu Trang lấn sân vào mảng kinh doanh online. Có thời điểm, gian hàng của Trang đạt doanh số trên 1.000 đơn mỗi tháng. Lúc này, mức phí Trang phải đóng cho Shopee vào khoảng 2% trên giá trị mỗi đơn hàng. Lợi nhuận Trang thu về thường đủ, thậm chí dư thừa để cô trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên khoảng 1 năm trở lại đây, phí hoạt động, bao gồm các khoản phí sàn, phí thanh toán… của Shopee ngày một tăng cao. Chưa kể, Shopee thường xuyên tung các chương trình miễn phí vận chuyển, giảm giá, hoàn xu (một hình thức ưu đãi hoàn lại một phần tiền dựa trên giá trị đơn hàng)... Nhiều người bán chấp nhận trả thêm phí cho sàn TMĐT để tham gia các chương trình này, mục đích cuối cùng là thu hút khách mua. Tuy nhiên các mức phí này không hề thấp, cộng với mức phí sàn, thanh toán… ngày một tăng khiến nhiều người bán không “gánh” nổi.
Chẳng hạn khi Trang bán một chiếc áo khoác 690.000 đồng, tổng mức phí phải thanh toán cho Shopee hiện vào khoảng 6%, tương đương 41.000 đồng. Nếu tham gia gói miễn phí vận chuyển của sàn TMĐT, tổng chi phí sẽ đội lên thành 65.000 đồng. Tổng mức phí bằng 80% lợi nhuận cô thu được từ mặt hàng, chưa tính đến các chi phí gói hàng, hàng tồn kho….Do đó, để có lãi, Trang buộc phải cắt bỏ dịch vụ miễn phí vận chuyển.
Để đa dạng hóa kênh kinh doanh, gần đây Trang mở thêm gian hàng trên nền tảng Tiktok Shop và Lazada. Cũng với chiếc áo 690.000 đồng nói trên, mức phí thanh toán tại Lazada là 39.000 đồng (không tham gia gói miễn phí vận chuyển) - không chênh lệch đáng kể so với Shopee và mức phí trả cho Tiktok Shop là khoảng 16.000 đồng.
Với anh Lê Quang Vinh, chủ cửa hàng gia dụng đang có mặt trên hầu hết mọi kênh bán hàng trực tuyến, việc các sàn TMĐT tăng phí đang là trở ngại lớn.
Hàng tháng, công ty anh Vinh không chỉ tham gia các gói khuyến mại hỗ trợ khách hàng mà còn đầu tư ngân sách lớn để chạy quảng cáo sản phẩm. Theo tính toán của anh, chi phí quảng cáo chiếm khoảng 20-25%, phí sàn dao động 10-12%, thêm tiền trả công nhân viên và các khoản khác…, tổng cộng chi phí chiếm 50-60% doanh thu - chưa tính giá vốn hàng bán.
Anh Vinh chia sẻ, hồi tháng 10/2020, gánh nặng chi phí lớn khiến công ty anh gần như không có lãi dù đạt doanh thu hơn 800 triệu đồng. Sau đó, để tránh lỗ, anh Vinh buộc phải tăng giá bán sản phẩm và cắt giảm một số chương trình ưu đãi trên sàn. Ngoài ra, công ty anh cũng ưu tiên đẩy mạnh hoạt động quảng cáo trên Tiktok Shop - sàn TMĐT thu phí thấp nhất hiện nay.
“Sàn tăng phí, giá thành sản phẩm cũng có chiều hướng tăng lên, một số sàn cắt giảm ưu đãi khiến khách hàng khó ra quyết định mua ngay lập tức. Nhiều tháng nay, chúng tôi thường hướng dẫn khách chuyển sang Tiktok để mua hàng nhằm tối ưu chi phí cho cả hai bên”, anh Vinh kể
Nền tảng cũ tăng phí, “tân binh” đốt tiền ưu đãi
Shopee chính thức ra mắt vào năm 2016 và nhanh chóng trở thành sàn TMĐT đứng đầu tại Việt Nam. Tại thời điểm đó, người bán không phải chịu bất kỳ chi phí nào. Cho đến đầu tháng 4/2019, Shopee thông báo thu phí từ 1-2% trên mỗi đơn hàng thành công. Và chỉ trong thời gian ngắn, đến tháng 7/2019, mức phí thanh toán đã lên 2%.
Từ 2019 đến nay, chi phí liên tục tăng khiến nhiều nhà bán hàng vô cùng lo lắng. Mức phí thanh toán là 3% (đã bao gồm VAT). Bên cạnh phí thanh toán, người bán cũng phải trả thêm phí cố định và phí dịch vụ nếu muốn tham gia các chương trình ưu đãi của Shopee. Tổng mức phí mà người bán phải trả cho sàn TMĐT có thể lên tới 15,5% giá bán.
Phí bán hàng tại Shopee đối với gian hàng thông thường:
Không tham gia gói dịch vụ | Tổng: 6% - Phí thanh toán: 3% - Phí cố định: 3% |
Chỉ tham gia gói Hoàn xu Extra | Tổng: 8% - Phí thanh toán: 3% - Phí dịch vụ: 5% giá trị sản phẩm (tối đa 20.000đ/sản phẩm) |
Chỉ tham gia gói Freeship Xtra | Tổng: 10% - Phí thanh toán: 3% - Phí dịch vụ: 7% giá trị sản phẩm |
Tham gia 2 gói Freeship Xtra + Hoàn xu | Tổng: 14,5% - Phí thanh toán: 3% - Phí Freeship Xtra: 6.5% giá trị mỗi sản phẩm - Phí Hoàn xu: 5% giá trị mỗi sản phẩm (Tối đa 20.000đ/sản phẩm) |
Tham gia 2 gói Freeship Xtra + Freeship Xtra Plus. | Tổng: 12% - Phí thanh toán: 3% - Phí Freeship Xtra + Xtra Plus: 9% giá trị mỗi sản phẩm (Tối đa 40.000đ/sản phẩm) |
Tham gia cả 3 gói | Tổng: 15,5% - Phí thanh toán: 3% - Phí Freeship Xtra + Xtra Plus: 8,5% giá trị mỗi sản phẩm (Tối đa 40.000đ/sản phẩm) - Phí hoàn xu: 4% (Tối đa 20.000đ/sản phẩm) |
Đối với gian hàng thuộc Shopee Mall, phí cố định tùy theo ngành hàng (từ 1,21% đến 7,87%).
Tại Lazada, mức phí hiện tại thấp hơn Shopee, dù không đáng kể. Cụ thể, sàn TMĐT áp dụng mức phí thanh toán 2,992% (đã bao gồm VAT) và cộng thêm các chi phí khác như phí dịch vụ, phí cố định. Tổng cộng, mức tối đa Lazada thu của người bán vào khoảng gần 15%.
Tương tự Shopee, đối với gian hàng thuộc Laz Mall thì phí cố định tùy theo ngành hàng, dao động 0% – 6,5%. Gian hàng thuộc Shop Xịn tính phí 1% – 2%.
2022 là năm chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ của thị trường TMĐT Việt Nam khi Tiktok cho ra mắt Tiktok Shop vào 28/4 và ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Thế lực mới Tiktok Shop, ngay từ khi ra mắt, đã liên tục “đốt tiền”, miễn phí hầu hết các loại phí cho người bán, “chạy” các chương trình ưu đãi miễn phí vận chuyển nhằm thu hút người mua. Hiện tại, TikTok Shop thu phí người bán ở mức 2,5% (đã bao gồm VAT) - mức phí “dễ chịu” hơn so với các sàn TMĐT còn lại trên thị trường.
Theo thống kê của nền tảng số liệu TMĐT Metric, chỉ tính riêng trong tháng 11/2022, doanh số trên TikTok Shop đã đạt mức 1.698 tỷ đồng, với 13 triệu sản phẩm được bán ra và 32.000 nhà bán phát sinh đơn hàng.
Mức doanh số này giúp TikTok Shop vượt qua Tiki (396 tỷ đồng), chỉ kém Lazada (2.603 tỷ đồng) và Shopee (8.761 tỷ đồng) trên bảng xếp hạng các sàn TMĐT có doanh số lớn nhất tháng tại Việt Nam.
Ở góc nhìn thận trọng, không ít người bán cho rằng những ưu đãi của Tiktok Shop cũng có thể kết thúc khi họ đã chiếm được thị phần kỳ vọng và tạo được thói quen cho người dùng, như cách Shopee và Lazada từng làm trước đó. Tuy nhiên, “tranh thủ thời cơ, tận dụng các ưu đãi của nền tảng TMĐT này để kiếm tiền” vẫn là chiến lược mà anh Quang Vinh, Phạm Khánh Trang hay nhiều người bán hàng online khác đang hướng tới.