Theo đó, chiều tối 9/2, trong chương trình công tác tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất (thuộc Tập đoàn Hòa Phát), động viên tập đoàn này tiếp tục nghiên cứu, sản xuất ray thép chất lượng cao phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao.
Theo báo cáo của Hòa Phát, tính đến nay, tập đoàn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án ở Khu kinh tế Dung Quất, với tổng vốn đầu tư là khoảng 180.000 tỷ đồng. Trong đó, trọng điểm là 2 khu liên hợp sản xuất gang thép 1 và 2, với tổng vốn đầu tư là hơn 171.000 tỷ đồng.
Cụ thể, lợi thế quan trọng của khu liên hợp là có cảng biển nước sâu cho phép tàu đón 200.000 tấn cập bến, cũng như dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào, có sản phẩm đầu ra đi vào những thị trường trong và ngoài nước.
Khu liên hợp thứ nhất có công suất là 6 triệu tấn thép đã hoạt động. Khu thứ hai sẽ vận hành toàn bộ trong năm 2025, với tổng vốn đầu tư là 85.000 tỷ đồng, quy mô 280 ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng chất lượng cao/năm.
Hòa Phát phấn đấu tăng trưởng không dưới 15% mỗi năm
Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, tập đoàn hiện là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam và trong Top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới. Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát đã xuất khẩu thép tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, khi dự án khu liên hợp thứ 2 hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát đạt trên 14 triệu tấn/năm và dự kiến đưa tập đoàn vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025. Ông Trần Đình Long khẳng định, Hòa Phát sẽ tăng trưởng không dưới 15% từ nay tới năm 2030.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh: "Với năng lực hiện có, tập đoàn đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu. Hòa Phát tự tin đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng, giá cả, cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thế giới".
Lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát kiến nghị với Thủ tướng: "Những gì doanh nghiệp trong nước có thể làm được, chúng tôi mong Nhà nước hãy giao cho doanh nghiệp làm. Có như thế mới nuôi dưỡng các doanh nghiệp lớn được".
Tinh thần này đúng với chia sẻ của ông Trần Đình Long trong ĐHCĐ Hoà Phát đầu năm 2024: "Ông trời muốn Hòa Phát phải làm việc khó"
Thủ tướng "đặt hàng" Hòa Phát làm việc lớn
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và bày tỏ tự hào trước những kết quả đạt được của Hòa Phát sau 8 năm đầu tư tại Quảng Ngãi, đồng thời đánh giá cao sự đồng hành và hỗ trợ của các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Ngãi để dự án của Hòa Phát triển khai thuận lợi.
Thủ tướng nêu rõ, nếu không có các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp thép, hóa chất thì sẽ luôn bị động trong quá trình thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chúng ta không thể không phát triển ngành thép và phải phát triển theo hướng số hóa, tự động hóa. Vì vậy, có các doanh nghiệp như Hòa Phát thì chúng ta sẽ chủ động hơn về mặt chiến lược.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, Hòa Phát tiếp tục nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt sản xuất ray thép phục vụ đường sắt cao tốc Bắc – Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị trong thời gian tới. Theo Thủ tướng, tổng số vốn đầu tư các dự án này có thể lên đến 250 tỷ USD, thị trường cho 10 - 15 năm tới.
Ghi nhận lòng đam mê, nhiệt huyết, tinh thần cống hiến của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Thủ tướng đề nghị tập đoàn triển khai việc sản xuất ray thép nói trên với cách làm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Hòa Phát cũng như các doanh nghiệp dân tộc phát triển.
Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi bố trí quỹ đất với Hòa Phát; Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước nhằm bảo đảm đúng quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm môi trường công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.
Đại diện địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ hết sức, trong đó đã chuẩn bị 143 ha đất để tập đoàn sản xuất thép chất lượng cao phục vụ đường sắt tốc độ cao.
Nhân dịp này, Thủ tướng chúc Hòa Phát "không hòa, chỉ phát", đạt tăng trưởng năm 2025 cao hơn năm 2024 và từ 15% trở lên, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 2 con số của Việt Nam trong những năm tới, cùng cả nước nỗ lực đạt tăng trưởng hai con số, chuẩn bị bước vào kỷ nguyên phát triển mới văn minh, giàu mạnh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát ưu tiên tập trung vào việc hoàn thành và đưa vào vận hành dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 nhằm bảo đảm ổn định và tiếp tục đầu tư phát triển chế biến sâu các sản phẩm thép chất lượng cao tại Khu kinh tế Dung Quất, cũng như mục tiêu tự chủ sản xuất phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia. Trong đó, tập đoàn đặc biệt ưu tiên phục vụ Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam giai đoạn 2026 - 2030.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính, trong năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 138.855 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 10,8% năm trước đó lên 13,3%. Lãi sau thuế của tập đoàn đạt 12.020 tỷ đồng, tăng mạnh 76,7% so với mức 6.800 tỷ đồng đạt được năm 2023.