Thu nhập gần 200 triệu/năm nhưng 0 đồng tiết kiệm, nợ tín dụng 50 triệu chỉ vì một sai lầm chí mạng

Ngọc Linh | 07:22 27/04/2024

“Không có nỗi buồn nào đáng sợ bằng việc nợ nần”.

Thu nhập gần 200 triệu/năm nhưng 0 đồng tiết kiệm, nợ tín dụng 50 triệu chỉ vì một sai lầm chí mạng

Nếu thường xuyên lướt MXH dạo gần đây, chắc hẳn sẽ đôi lần bạn bắt gặp những video với dòng caption “Lương 5 triệu nhưng sơ hở là đòi đi chữa lành”. Chẳng cần nói cũng biết lương 5 triệu ở thành phố lớn, sợ là còn chẳng đủ ăn, chứ tính gì tới những chuyện xa xôi khác.

Đó có thể chỉ là một lời bông đùa, nhưng chuyện dùng tiền mua vui, hay nói chung là hành vi nuông chiều bản thân quá mức, để rồi không những hết tiền, mà còn nợ nần chồng chất là điều hoàn toàn có thật. 

Dễ hiểu thôi, lương 5 triệu không đủ đi đây đi đó, mua này mua kia nhưng với mức lương “nhỉnh” hơn chút - đủ để không phải lo thiếu tiền ăn nữa, khi ấy, người ta lại dễ nảy sinh nhiều nhu cầu tiêu tiền.

Sức khỏe tài chính tỷ lệ nghịch với tốc độ tăng trưởng thu nhập

Cách đây 3 năm, ở độ tuổi 22, mỗi tháng, Hồng Ngọc chỉ có 5,2 triệu đồng để chi tiêu hàng tháng. 

“Mình tốt nghiệp Đại học năm 2021, đúng đợt dịch nên phải mất 7-8 tháng mới xin được việc full-time. Lúc thất nghiệp, mình vẫn duy trì việc dạy gia sư và làm quản trị fanpage cho một shop mỹ phẩm. Thu nhập khi ấy khoảng 5,3 - 5,7 triệu/tháng, co kéo lắm mới đủ sống” - Hồng Ngọc kể.

Thời điểm ấy, Hồng Ngọc ở chung với 2 người bạn thân khác từ thời sinh viên, tiền thuê nhà cùng phí dịch vụ khoảng 1,6-1,8 triệu đồng/tháng. Tự nấu ăn tại nhà và hạn chế mua sắm, Hồng Ngọc vẫn sống ổn với mức thu nhập chưa tới 6 triệu đồng.

“Giữa năm 2022, mình xin được việc full-time, vẫn là vị trí quản trị mạng xã hội đúng thế mạnh của mình. Có việc full-time rồi nhưng mình vẫn không bỏ việc đi dạy gia sư và việc freelancer vì ham kiếm tiền mà. Đi làm, quen thêm người này người kia, mình được giới thiệu thêm nhiều job ngoài nữa. Thu nhập cứ tăng dần đều từ 10, 12, 15 triệu/tháng. Có tháng mình còn kiếm được gần 20 triệu cơ” - Hồng Ngọc chia sẻ.

478192e3f7ee3afbb4e8116f84b537d6(1).jpg
Ảnh minh họa

Thu nhập tăng, giống như nhiều người trẻ khác, Hồng Ngọc cũng rơi vào bẫy lạm phát lối sống. Cô bắt đầu chẳng mặn mà với việc tự nấu ăn, mang cơm đi làm; mua sắm nhiều hơn, từ đồ trang điểm, đồ dưỡng da tới giày dép, quần áo. Thứ duy nhất không thay đổi chỉ là chỗ ở, vì Hồng Ngọc thích ở cùng bạn thân hơn là ở một mình.

Dù mức sống đã tăng nhưng mọi sự vẫn trong tầm kiểm soát, chỉ là Ngọc không tiết kiệm được đồng nào. Tuy nhiên, sau khi mở thẻ tín dụng, sức khỏe tài chính của cô bắt đầu sa sút.

“Tháng 1/2023 - ngay trước Tết Nguyên Đán, ngân hàng mà công ty dùng để trả lương cho mình mời mình mở thẻ tín dụng. Với mức lương của mình lúc ấy, mình được mở thẻ hạn mức cao nhất là 50 triệu đồng và mình cũng đồng ý luôn, không nghĩ gì nhiều” - Ngọc kể lại và cho biết cô đã tiêu hết hạn mức thẻ chỉ trong chưa đầy nửa năm.

Hành trình trở thành con nợ: Ăn uống, mua sắm bằng tiền lương và đi du lịch bằng thẻ tín dụng

Sau khi sở hữu thẻ tín dụng hạn mức 50 triệu, Ngọc vẫn giữ thói quen chi tiêu như cũ: Kiếm bao nhiêu, tiêu từng ấy. Tuy nhiên, việc này cũng chẳng duy trì được lâu, đặc biệt là vào thời điểm cận Tết, nhu cầu mua sắm của ai cũng tăng chứ không có chuyện giảm.

“Mình đã quẹt hết khoảng 9,5 triệu đồng trong tháng đầu tiên dùng thẻ tín dụng, chủ yếu là đi làm tóc với sắm đồ diện Tết. Đến khoảng tháng 5/2023, bắt đầu vào đợt du lịch hè, mình lại dùng tiền trong thẻ tín dụng để đặt vé máy bay, phòng khách sạn. Đi chơi được một chuyến Phú Quốc, một chuyến Phú Yên thì mình tiêu sạch hạn mức thẻ tín dụng” - Ngọc kể lại.

309d1751eee9b7bb193df7c7cbd6706c.jpg
Ảnh minh họa

Khoản nợ 50 triệu treo trên đầu Ngọc kể từ tháng 8/2023. Dù luôn tự nhủ với bản thân rằng tháng này cố chuyển 5 triệu vào thẻ tín dụng, không động vào nữa, nhưng phải tới tháng 3/2024, Ngọc mới thực sự làm được việc đó. chưa có tháng nào Ngọc làm được.

“Mình cứ trả thẻ rồi đến tầm 25-26 hàng tháng lại tiêu lẹm vào. Từ tháng 9/2023, mình đã tự nhủ cố trả thẻ 5 triệu mỗi tháng, 10 tháng là xong nhưng tháng 3 vừa rồi là tháng đầu tiên mình không động vào 5 triệu ấy. 

Giờ nghĩ lại, ngoài 2 chuyến du lịch, mình không thể nhớ nổi mình đã đốt tiền vào việc gì nữa.

Cứ chán chán là lại mua cái này cái kia, đi ăn uống, đi chơi. Cứ lắt nhắt vậy mà hết cả lương, hết cả 50 triệu trong thẻ tín dụng, chẳng có gì thành tấm thành món. Lúc thẻ vẫn còn hạn mức, mình thậm chí còn nghĩ là phải tiêu tiền mới có động lực kiếm tiền” - Ngọc kể và thừa cái sai của cô là nuông chiều bản thân không phải lối.

Nếu duy trì được phải trả thẻ tín dụng 5 triệu/tháng và quan trọng hơn là không tiêu vào khoản đó, đến tháng 12 năm nay, Ngọc sẽ trả hết 50 triệu nợ tín dụng.

Kể lại câu chuyện có phần bẽ bàng của mình, Ngọc cho biết cô coi đây là một bài học và luôn cố gắng không suy nghĩ quá tiêu cực. 

“Suy cho cùng 50 triệu cũng không phải là một số tiền quá lớn, vẫn trong khả năng chi trả của mình. Chỉ là đang quen tiêu xài phung phí, giờ phải ép bản thân vào khuôn khổ nên mấy tháng đầu mình cũng hơi vật vã. Nhưng sướng trước rồi thì phải chịu khổ sau thôi, để hiểu là không có nỗi buồn nào đáng sợ bằng việc nợ nần. Ví lành thôi là cũng trị được cơ số vết thương khác rồi” - Ngọc chia sẻ. 


(0) Bình luận
Thu nhập gần 200 triệu/năm nhưng 0 đồng tiết kiệm, nợ tín dụng 50 triệu chỉ vì một sai lầm chí mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO