“Cả nhà sản xuất ô tô và đại lý phân phối sẽ hưởng lợi từ chênh lệch cung cầu trong ngắn hạn”, Công ty Chứng khoán SSI đã nhận định.
Cú lội ngược dòng của thị trường cuối năm 2021
Doanh số ô tô ảm đạm do ảnh hưởng của làn sóng bùng phát Covid thứ 3 và thứ 4 tại Việt Nam. Theo đó, doanh số bán ô tô 9 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 198.000 chiếc, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sau khi mở cửa trở lại trong Quý 4/2021, doanh số ô tô đã có sự hồi phục mạnh, với ước tính 156.000 xe bán ra trong quý 4 tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020, giúp doanh số cả năm 2021 ước đạt 354.000 chiếc, tăng 5% so với năm 2020.
Sự phục hồi này còn được cho là được hỗ trợ bởi Thông tư 103/2021/ND-CP của Chính phủ về việc giảm 50% phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước trong giai đoạn 6 tháng từ ngày 1/12/2021.
Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đã xảy ra tình trạng thiếu hụt chip kéo dài và điều này có tác động bất ngờ đến ngành ô tô. Theo ước tính của Hiệp hội Linh kiện điện tử thế giới (ECIA), thời gian hoàn thành cho một đơn đặt hàng linh kiện chip ô tô ở thời điểm tháng 12/2021 đã kéo dài tới 5 tháng (gần 22 tuần), gấp đôi thời gian đặt hàng bình thường trước dịch Covid do vấn đề thiếu hụt chip toàn cầu.
Trong giai đoạn này, nhiễu hãng xe đã phải cắt giảm 5%-10% sản lượng sản xuất, hoặc tạm hoãn ra mắt các mẫu xe mới.
Tuy nhiên cho dù doanh số giảm, nhiều công ty ô tô lại có lợi nhuận tăng mạnh. Lũy kế 9 tháng năm 2021, lợi nhuận ròng toàn cầu của các hãng xe Honda tăng 129%, Ford tăng 480% và Toyota tăng 102% so vói cùng kỳ năm 2020 do nguồn cung ô tô giảm, cạnh tranh về giá giảm nhờ nhu cầu ô tô thế giới hồi phục tích cực trong 2021.
Nhìn chung, tác động của thiếu hụt chip ở mức vừa phải đang giúp các công ty sản xuất ô tô đẩy mạnh lợi nhuận trong ngắn hạn.
Năm 2021 còn chứng kiến xe nhập khẩu tràn vào thị trường với cạnh tranh gia tăng từ các hãng Trung Quốc. Cụ thể, trong 11 tháng năm 2021, tổng cung ô tô tại Việt Nam tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ô tô nhập khẩu tăng 26%, chiếm 38% tổng doanh số bán xe ở Việt Nam, tăng 3%, trong khi ô tô lắp ráp trong nước chỉ tăng 2% so với 11 tháng năm 2020.
Đặc biệt, nhu cầu xe Trung Quốc nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh, trong 9 tháng năm 2021, có 16.300 xe ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc, gấp 5 lần so với cùng kỳ và chiếm 22% tổng số ô tô nhập khẩu.
Các hãng xe lớn mất thị phần do cạnh tranh khốc liệt từ Vinfast và xe Trung Quốc. Nhìn chung, top 3 hãng xe lớn bao gồm Huyndai, Toyota và Thaco mất 5% tổng thị phần trong năm 2021, trong khi Vinfast giành thêm nhiều thị phần nhất ( tăng 4% thị phần trong 2021) và thị phần hãng xe Trung Quốc nhập khẩu tăng 2% thị phần do các thương hiệu mới và nhỏ như Vinfast, MG, BAIC giảm giá mạnh, đặc biệt trong đợt bùng phát làn sóng Covid thứ 4.
Về thị trường xe máy, báo cáo thị trường cho thấy nhu cầu vẫn bão hòa. Tổng doanh số bán xe máy trong 2021 ước tính đạt 2,46 triệu chiếc giảm 8% so với cùng kỳ, chỉ bằng 76% doanh số trước Covid.
Mặc dù có mô hình hồi phục tương tự như doanh số ô tô trong năm 2021, tốc độ hồi phục của doanh số xe máy lại yếu hơn nhiều do tỷ lệ sở hữu xe máy đã rất cao ở Việt Nam.
Lợi nhuận các doanh nghiệp ô tô vẫn có sự cải thiện nhẹ do cắt giảm đáng kể các chi phí hoạt động: Mặc dù doanh số giảm, năm 2021 lợi nhuận ròng các công ty ô tô niêm yết vẫn tăng 6% so với cùng kỳ, do tạm thời cắt giảm các chi phí hoạt động nhờ chuyển sang kênh bán hàng online và giảm mạnh chi phí lãi vay.
Sự kiện Vinfast ra mắt mẫu xe điện đầu tiên lắp ráp trong nước, dẫn đầu xu hướng mới trên thị trường ô tô. Trong 2021, Vinfast ra mắt mẫu xe điện e34 đầu tiên được lắp ráp trong nước và bắt đầu đầu tư mạnh vào trạm sạc điện với ước tính khoảng 2.000 trạm sạc điện (40.000 điểm sạc) trên khắp Việt Nam.
Điều này mở ra xu hướng xe điện mới tại Việt Nam có thể thay đổi đáng kể thị trường ô tô trong thời gian tới nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng và nhiều ưu đãi từ chính phủ ở thời điểm hiện tại.
Quyết định của Vinfast và cơ hội cho các doanh nghiệp khác
Năm 2022 được đánh giá có triển vọng tươi sáng hơn với khả năng phục hồi tương đối chắc chắn.
Hiện tại, triển vọng ngắn hạn của các công ty ô tô vẫn còn chưa ổn định do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với 70% dân số Việt Nam đã được tiêm vaccine mũi 2 tính đến cuối năm 2021, và các biến thể Covid mới có khả năng sẽ ít gây rủi ro tới sức khỏe hơn thì việc giãn cách xã hội sẽ ít nghiêm trọng hơn năm 2021.
Dự báo năm 2022 nhu cầu ô tô của thị trường Việt Nam sẽ tăng 16% so với năm 2021. Dự báo được đưa ra dựa trên báo cáo mức nền so sánh thấp trong 2021, cùng với tỷ lệ sở hữu ô tô còn rất thấp tại Việt Nam và việc Chính phủ giảm 50% phí trước bạ theo Thông tư 103/2021/ND-CP.
Ngoài ra, xu hướng sử dụng xe điện mới tại Việt Nam dẫn đầu bởi những mẫu xe điện của Vinfast sẽ thúc đẩy nhu cầu ô tô tăng cao hơn nữa trong 2022.
Tình trạng thiếu cung chip tiếp tục làm giảm nguồn cung ô tô nên lợi nhuận các công ty ô tô có thể đạt tăng trưởng mạnh.
Theo dự báo của IHS Markit và Fitch Ratings, số lượng xe sản xuất trên toàn cầu sẽ ước tính giảm trung bình giảm 4% trong 2022 do tình trạng thiếu cung chip dự kiến tiếp diễn đến cho đến nửa cuối năm 2022.
Tận dụng điều đó, nhiều công ty ô tô đã tăng giá bán mẫu xe mới trong 2021 và điều này sẽ có tác động rõ ràng tới thị trường ô tô trong 2022. Cả nhà sản xuất ô tô và đại lý phân phối sẽ hưởng lợi từ chênh lệch cung cầu trong ngắn hạn này.
Việc Vinfast sẽ dừng sản xuất xe xăng vào cuối năm 2022 đã tạo cơ hội cho nhiều hãng xe khác. Hiện tại, xe xăng của Vinfast chiếm gần 11% thị phần ô tô trong nước, do đó tạo nhiều cơ hội cho các hãng xe khác phát triển và giành vị thế dẫn đầu.
Ngoài ra, do Vinfast là một trong những công ty có khả năng cạnh tranh cao về giá, việc thương hiệu này rời thị trường có thể giúp giảm bớt đáng kể áp lực cạnh tranh giảm giá đối với các hãng xe khác.
Thời điểm ghi nhận tăng trưởng cao có thể đến từ nửa cuối năm 2022. Trong nửa đầu năm 2022 nhu cầu mua xe sẽ chưa thực sự mạnh do khả năng dịch bệnh gia tăng vì biến thể mới Omicron.
Sau khi dần mở cửa trở lại trong nửa cuối 2022, doanh số bán xe trong ngành sẽ bắt đầu tăng nhanh hơn, cộng với mức nền so sánh thấp trong quý 3/2021 sẽ là động lực ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến.