Thiết kế nhà cho người già, những điều nên biết

Đinh Hoài Nam - Giám đốc Công Ty Quản lý Dự Án Nhà Của Mình (Hạ | 10:27 20/10/2023

Ở tuổi già, con người ta có xu hướng thay đổi cả về tinh thần lẫn thể chất. Vì thế, chúng ta cần nhận thức được nguyên nhân của những thay đổi tâm lý người cao tuổi và có những phương pháp thích nghi để sống hòa hợp với những thay đổi đó.

Thiết kế nhà cho người già, những điều nên biết

Nhiều lần tôi được trò chuyện cùng rất nhiều cô chú, anh chị lớn tuổi. Người thành công rất nhiều mà người chưa thành công cũng không ít.

Sự thật là tôi có thể không hiểu chính xác thành công thực sự là gì nhưng hầu hết những người chưa thành công tôi gặp gỡ đều có 3 điểm chung.

Thứ nhất, họ không đủ điều kiện chăm sóc được cho người sinh ra mình.

Thứ hai, họ không đủ điều kiện chăm sóc tốt nhất cho người mình sinh ra.

Và cuối cùng là không đủ khả năng chăm sóc cho người bạn đối ngẫu của mình, tức người vợ mình.

3-gia.jpg

Thiết kế phòng ngủ cho người lớn tuổi nên ưu tiên gam màu nhẹ nhàng, bố cục đơn giản

Tại sao tôi lại chia sẻ góc nhìn này trong lĩnh vực thiết kế? Có phải thật nhiều tiền và chữ “điều kiện” ở trên được nhìn ở góc độ tiền bạc? Không hẳn là vậy.

Điều kiện ở đây có thể nhìn ở góc độ “chăm sóc” và “thời gian” dành cho 3 đối tượng đang nói đến. Cụ thể, để thiết kế cho người sinh ra mình một không gian thoải mái, thoáng đãng có thể rất dễ thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta cùng nhau quan sát sâu một chút.

Tâm lý của người lớn tuổi là hay quên, là dễ tổn thương, là không muốn làm phiền con cháu, là chậm chạp,… Hãy quan sát 1 chuỗi hành trình sinh hoạt của một bà cụ trong một ngày sẽ thế nào nhé.

1-gia.png

Ở tuổi già, con người ta có xu hướng thay đổi cả về tinh thần và thể chất chúng ta cần nhận thức được nguyên nhân của những thay đổi tâm lý người cao tuổi và có những phương pháp thích nghi để sống hòa hợp với những thay đổi đó.

Đầu tiên mỗi sáng sớm bà thức dậy (thường là 4,5h sáng) việc đầu tiên bà làm là bật điện thoại nhìn đồng hồ sau đó ngồi dậy tắt quạt hoặc tắt máy lạnh. Sau đó bước xuống giường, bật đèn, kéo rèm cửa, mở cửa sổ. Kế đến bà sẽ vào nhà vệ sinh đánh răng, rửa mặt và đi vệ sinh…

Có cụ sẽ chọn cách tập thể dục trên giường, xoa mặt, xoa tai,… Hoặc tự đứng ở ban công, sân tự tập. Hoặc cụ sẽ thay đồ đi tập thể dục ở công viên gần nhà… tiện thể đi chợ buổi sáng.

Có cụ tự nấu đồ ăn sáng hoặc sang phòng ăn để dùng bữa sáng đã được chuẩn bị sẵn…

Thời gian còn lại trong ngày là chăm sóc cây cối, xem cải lương, xem thuyết pháp trên ipad hoặc trên tivi… Chiều đến thì cụ tắm rửa rồi chuẩn bị bữa cơm tối.

Buổi tối thì cụ trò chuyện cùng con, cháu trong bữa cơm và kết thúc 1 ngày vào lúc 9, 10h tối. Chưa kể ban đêm cụ còn thức dậy đi vệ sinh 1, 2 lần.

Vậy việc thiết kế sẽ như thế nào?

  1. 1. Bằng việc thức dậy mỗi tối đi vệ sinh khi xung quanh rất tối vì chỉ phụ thuộc vào ánh sáng của chiếc đèn ngủ. Việc lắp 1 chiếc đèn cảm ứng bước chân dưới giường để cụ vừa đặt chân xuống đất thì đèn sẽ sáng là 1 điểm cần lưu ý.
  1. 2. Hệ thống công tắc đèn nên được đặt ở gần đầu giường nhất có thể và CHỈ nên có 1 hoặc 2 nút. Để đơn giản nhất cho cụ thao tác.
5-gia.jpg

Đèn cảm biến chuyển động được gắn dưới giường hoặc các vị trí bà hay di chuyển vào ban đêm.

  1. 3. Công tắc quạt, máy lạnh chỉ nên gồm có 2 nút tắt, mở và được cài đặt sẵn hết các chức năng lớn nhỏ.
  1. 4. Khu vực nhà vệ sinh cần đặc biệt lưu ý TO hơn nhà vệ sinh thông thường. Lý do là càng về sau khi vệ sinh chăm sóc cá nhân của các cụ phải phụ thuộc vào người giúp việc hoặc con cái thì cần có không gian đủ rộng để thao tác. Khu vực sàn nước để giặt đồ bằng tay cũng là vấn đề cần lưu tâm. Tay nắm ở tường khu vực bàn cầu, tắm rửa cũng nên trang bị nếu cần.
  1. 5. Thay vì sử dụng remote tivi thì tại thị trường có rất nhiều thiết bị IoT có thể tích hợp vào công tắc đèn kết nối với tivi để chỉ trong vòng 1 nút nhấn các cụ có thể xem cải lương, nhấn nút khác thì là thuyết pháp, nhấn nút khác nữa thì chương trình kể chuyện tình cảm...
4-gia.jpg
Phòng khách, nhà bếp nên đón nhận tối đa ánh sáng, thông thoáng để Ông, Bà có thể phơi nắng mỗi buổi sáng.
  1. 6. Đồng hồ cũng là thứ cần lưu tâm lắp trong phòng vì người lớn tuổi rất để ý đến chuyện giờ giấc. Chuyện lựa chọn đồng hồ nào thật yên tĩnh, kim giây không gây ra tiếng kêu tích tắc ban đêm cũng nên được lựa chọn cho kỹ.
  1. 7. Một chiếc camera, 1 chiếc đồng hồ thông minh để có thể phát hiện bất thường cảnh báo sang điện thoại của người thân cũng nên được cân nhắc.
  1. 8. Một khoảng ban công rộng lớn có cây cối để các cụ chăm sóc và là nơi các cụ tập thể dục cũng sẽ rất tuyệt vời.

Và dĩ nhiên vẫn còn rất nhiều các vấn đề khác.

Thiết kế không chỉ đơn giản là việc bố trí sắp đặt không gian, chọn lựa kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc mà hơn hết là sự quan tâm, để ý của con cái đến các hoạt động của Bố Mẹ, Ông Bà mình từ đó trao đổi với Kiến Trúc Sư những thói quen, sở thích, hành vi của họ. Như vậy việc thiết kế lúc đó trở nên thật trọn vẹn và hoàn thành đúng sứ mệnh của nó.

Bằng việc quan sát, sử dụng tư duy hành trình để sắp xếp không gian, trang thiết bị nội thất khiến cho mọi sinh hoạt trong đời sống trở nên tiện nghi, thoải mái và an toàn hơn không nhất thiết phải tốn thật nhiều tiền và có “điều kiện” đâu phải không ạ?


(0) Bình luận
Thiết kế nhà cho người già, những điều nên biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO