Đó là nhận định của các chuyên gia tại buổi Tọa đàm “Bài toán cạnh tranh cho thị trường gọi xe công nghệ trong thời kỳ bình thường mới” do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương phối hợp Dự án “Hoàn thiện chính sách và nâng cao năng lực thực thi cạnh tranh” thuộc Dự án JICA Nhật Bản tổ chức.
Mức độ tập trung thị trường cao
Ông Đinh Văn Minh, Vụ Vận tải - Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời điểm năm 2014, ngoài xe taxi truyền thống, tại Việt Nam, sự xuất hiện của một số ứng dụng gọi xe kết nối tài xế với khách hàng với các tên tuổi như Grab, Uber… đã làm thay đổi bộ mặt của ngành vận tải.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Việt Nam mới chỉ có quy đinh về hợp đồng bằng giấy giữa đơn vị kinh doanh vận tải với khách hàng, mà chưa có quy định về hợp đồng điện tử.
Ngày 19/10/2015 Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm mô hình mới này tại một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và khánh Hòa với 10 đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm kết nối đăng ký tham gia. Từ đó đến nay Việt Nam đã có khoảng 67.000 xe taxi, 90.000 xe hợp đồng đã đăng ký kinh doanh và được cấp phù hiệu.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng, Phòng Quản lý thương mại điện tử – Bộ Công Thương chi sẻ, sau 7 năm phát triển, thị trường gọi xe trực tuyến Việt Nam đã có sự bùng nổ với hơn 20 nền tảng khác nhau ra đời và cạnh tranh khốc liệt với dịch vụ đa dạng hơn và quy mô thị trường lớn hơn nhiều với mức tăng trưởng cao thứ 2 chỉ sau thị trường thương mại điện tử bán lẻ.
“Trong bất kỳ lĩnh vực nào thì dữ liệu đều rất quan trọng, đặc biệt là dữ liệu về khách hàng. Việc đánh giá đúng nhu cầu và thói quen tiêu dùng, hành vi của khách hàng hay người sử dụng dịch vụ… có vai trò hết sức quan trọng, góp phần vào thành công của doanh nghiệp, từ đó tối ưu hóa việc sử dụng ngân sách, hiệu suất và chất lượng dịch vụ gọi xe trực tuyến…”, ông Nguyễn Hữu Tuấn nhận định.
Bà Trần Phương Lan – Trưởng phòng, Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương bổ sung thêm, về lý thuyết, một thị trường với nhiều chủ thể tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ thường được coi là thị trường có mức độ cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường chưa hẳn đã có tính quyết định, phản ánh chính xác thực trạng cạnh tranh trên thị trường. Thay vào đó, các chỉ số CR3 (tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường), CR5 (tổng thị phần của 5 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường) hay HHI (tổng bình phương thị phần của các doanh nghiệp trên thị trường) mới phản ánh về mức độ tập trung trên thị trường. Thông thường, thị trường có mức độ tập trung càng cao thì mức độ cạnh tranh càng giảm và ngược lại.
Cũng theo bà Trần Phương Lan, theo số liệu của Statista năm 2020, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam, gồm Grab, Gojek và Be đã đạt gần 99%. Điều này cho thấy mức độ tập trung thị trường khá cao. Tuy nhiên, thị phần chỉ phản ánh trạng thái hiện tại của thị trường, không nhất thiết phản ánh đầy đủ về cấu trúc và thực trạng cạnh tranh trên thị trường. Đối với những thị trường đặc thù như thị trường của các nền tảng số, khi đánh giá mức độ cạnh tranh, thay vì yếu tố thị phần, cơ quan cạnh tranh các quốc gia chủ yếu xem xét các yếu tố rào cản gia nhập và mở rộng thị trường.
“Với thị trường gọi xe công nghệ thì rào cản tài chính là một trong những rào cản lớn. Những doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính thì khó có thể tồn tại và duy trì hoạt động kinh doanh thành công trên thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến. Ngoài rào cản về tài chính thì hiệu ứng mạng lưới gián tiếp giữa các nhóm người dùng trên nền tảng và dữ liệu người dùng cũng được các cơ quan cạnh tranh ưu tiên xem xét khi đánh giá cạnh tranh trên thị trường gọi xe công nghệ…”, bà Trần Phương Lan nhấn mạnh.
Ông Trần Hữu Tuấn bổ sung thêm, khi có lượng người dùng nhất định thì việc cung cấp thêm các dịch vụ khác mà khách hàng có nhu cầu là một xu hướng tất yếu. Chính vì vậy, các ứng dụng gọi xe công nghệ sẽ tích hợp thêm nhiều tính năng mới như giao hàng, thanh toán điện tử, giao đồ ăn… vào nền tảng ban đầu với sự tham gia của các đơn vị có tiềm lực tài chính, công nghệ. Việc này sẽ làm thay đổi thói quen tiêu dùng, đẩy nhanh quá trình thương mại hóa và tăng hiệu suất của các sản phẩm và dịch vụ mới. Điều này khiến cho các doanh nghiệp mới càng khó khăn hơn khi muốn thâm nhập và khai thác thị trường này.
Cuộc đua hậu Covid sẽ khốc liệt
Theo các chuyên gia tham dự toạ đàm, trong giai đoạn 2020 – 2021, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có những giai đoạn hoạt động cung cấp dịch vụ gọi xe trực tuyến bị gián đoạn nhằm đảm bảo thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh.
Do đó, cuộc đua tranh trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam trong và hậu Covid càng trở nên khốc liệt hơn. Ở đây không chỉ đua về phí dịch vụ, mà còn đua về chất lượng và sự đa dạng hóa dịch vụ trên nền tảng. Điều này sẽ đam đến lợi ích cho người tiêu dùng nhưng là thách thức, áp lực lớn hơn đối với các doanh nghiệp tiềm năng, muốn gia nhập thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, để thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, cần tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thuận lợi và công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Bên cạnh đó, cần khuyến khích quá trình chuyển đổi số, đồng thời, có thể tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường thông qua các ưu đãi thuế hay ưu đãi về thanh toán trực tuyến. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ pháp luật cạnh tranh.
Bà Trần Phương Lan cũng cho rằng, bên cạnh việc Nhà nước tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, giảm thiểu các rào cản, điều kiện kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số… thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động, sáng tạo để đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh của mình.