Nhiều chuyên gia cho rằng sau sự kiện Tân Hoàng Minh quy mô huy động vốn qua trái phiếu của doanh nghiệp có thể giảm nhưng sẽ có thay đổi mạnh mẽ về "chất".
Tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp đã từng tăng mạnh
Theo FinnGroup, nhìn lại năm 2021, quy mô huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp trong nước lên tới 682.000 tỷ đồng. Đây là kênh huy động vốn rất lớn bởi con số này chiếm 54% của thay đổi số dư tăng trưởng tín dụng mới toàn hệ thống trong năm 2021.
Mức này đã vượt qua mức thay đổi số dư tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Điều này cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chứng minh vai trò quan trọng là một kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho sự phát triển của doanh nghiệp ở nhiều ngành khác nhau.
FinnGroup nhận định, ngân hàng đang giữ vai trò mua chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp qua kênh phát hành sơ cấp khi chiếm tới 36% trong tổng giá trị phát hành từ các doanh nghiệp bất động sản. Quy mô tín dụng trái phiếu ở mức gần 274.000 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD).
Thống kê này cũng khá sát với tốc độ tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng nắm giữ trong thời gian qua.
Theo báo cáo tài chính của 24 ngân hàng niêm yết, tính đến hết năm 2021, lượng trái phiếu doanh nghiệp mà các nhà băng này nắm giữ tăng 21% lên 242.674 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ trọng trung bình của trái phiếu doanh nghiệp so với tổng tài sản của các ngân hàng này ở mức 2,6%.
Một số ngân hàng nhỏ có tốc độ tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp khá lớn, trong đó NamABank có mức tăng trưởng mạnh nhất tới 3,7 lần, từ 648 tỷ đồng lên 2.383 tỷ đồng.
TPBank tăng 65% lên mức 18.577 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,34% tổng tài sản; ABBank tăng 58% lên mức 9.503 tỷ đồng, chiếm 7,81% tổng tài sản; MB tăng 53% lên mức 42.962 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,08% tổng tài sản; Techcombank tăng 34,4% từ mức 46.728 tỷ đồng cuối năm 2020 lên mức 62.809 tỷ đồng, đưa tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ so với tổng tài sản lên mức 11%.
HDBank nắm giữ 10.214 tỷ đồng, chiếm 2,73% tổng tài sản; SeABank là 7.624 tỷ đồng, chiếm 3,6%; VietBank là 6.148 tỷ đồng, chiếm gần 6% tổng tài sản…
Vietcombank tăng hơn 2 lần, từ 5.335 tỷ đồng cuối năm 2020 lên 11.929 tỷ đồng khi kết thúc năm 2021. Lượng trái phiếu này chiếm tỷ trọng khá thấp, ở mức 0,92%.
Kỳ vọng thay đổi về chất
Lý giải về việc tại sao các ngân hàng ưa thích trái phiếu doanh nghiệp, giới chuyên gia cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp có một số điểm hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.
Cụ thể đó là lãi suất ổn định và duy trì ở mức cao. Đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong năm qua bình quân ở mức 9%/năm.
Chính vì vậy mà qua 2 năm đại dịch, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng trưởng đều đặn, nhất là nhóm ngành như bất động sản tăng trưởng hơn 60%.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nóng đã bộc lộ những rủi ro cho thị trường, cho nhà đầu tư.
Ví dụ lớn nhất là sự việc của Tân Hoàng Minh, đã bị cơ quan quản lý huỷ 9 lô trái phiếu. Mặc dù doanh nghiệp cam kết sẽ trả tiền cho nhà đầu tư, nhưng chưa biết khi nào nhà đầu tư mới nhận được số tiền đã mua trái phiếu.
Chuyên gia của FinnGroup cho rằng, các sự kiện hiện nay có khả năng sẽ không tác động quá lớn đến vấn đề chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, yếu tố này sẽ là một rủi ro nếu như những vấn đề liên quan đến tổ chức phát hành và các bên liên quan như đơn vị bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ... nỗ lực thực hiện các cam kết về nghĩa vụ trả nợ với một lộ trình rõ ràng nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Ngay sau sự việc Tân Hoàng Minh xảy ra, các cơ quan quản lý đã đưa ra hàng loạt cảnh báo cũng như biện pháp “mạnh tay” nhằm “siết” lại thị trường. Đó là thông điệp từ Chính phủ với Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, một loạt chính sách sắp ban hành như việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành riêng lẻ... có thể sẽ làm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm đáng kể về quy mô phát hành trong năm 2022.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, những chính sách siết tín dụng đổ vào trái phiếu doanh nghiệp sắp được cơ quan quản lý ban hành sẽ khiến các ngân hàng không còn “mạnh tay” đổ tiền vào trái phiếu doanh nghiệp như trước đó. Điều này sẽ làm giảm mạnh quy mô huy động vốn của các doanh nghiệp nhưng về mặt tích cực có thể giúp thay đổi mạnh mẽ về chất.