Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2023 lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% (tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022) và đạt quy mô trên 20,5 tỷ USD.
Những sàn thương mại điện tử nổi bật nhất phải kể đến là Shopee, Lazada, Tiktok Shop, Tiki, và Sendo.
Theo số liệu của Metric, năm 2023, doanh thu trên cả 5 sàn thương mại điện tử này đạt 232.100 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022.
Ngoài sàn thương mại điện tử còn có ứng dụng điện thoại cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như Grab, Be, Gojek, Ahamove, Foody,...
Năm 2023, dữ liệu từ Vietdata cho thấy, về sàn thương mại điện tử Shopee vẫn giữ vị trí đứng đầu về thị phần, xếp thứ hai là Lazada và thứ ba là Tiktok Shop.
Tuy nhiên, quý 1/2024 cũng có nhiều báo cáo ghi nhận sự phân chia lại thị phần với kết quả đứng đầu vẫn là Shopee, thứ hai là Tiktok Shop và thứ ba là Lazada.
Shopee - lợi nhuận giảm phân nửa dù doanh thu tăng 70%
Shopee là nền tảng thương mại điện tử thành lập bởi Tập đoàn SEA vào năm 2015, hiện đang chiếm thị phần số 1 trong lĩnh vực Thương mại điện tử tại Việt Nam.
Theo Vietdata, năm 2023, doanh thu thuần của Shopee đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, tiếp tục đứng đầu với mức tăng trưởng ấn tượng hơn 70% so với năm 2022.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt mức hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, dù cao nhất trong nhóm nhưng lại giảm khoảng hơn 50% so với năm 2022.
Vietdata đánh giá, dù chiếm lĩnh thị phần ở Việt Nam, nhưng Shopee cũng đang đối mặt với sự đe dọa của Tiktok Shop. Trong năm 2024, để gia tăng sức cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng, Shopee đã cập nhật chính sách đổi trả hàng, kéo thời gian trả hàng và hoàn tiền lên đến 15 ngày kể từ thời điểm giao hàng thành công.
Tiktok Shop – sự vươn lên tân binh
Tiktok Shop thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Singapore và đổ bộ vào Việt Nam vào năm 2022.
Theo Vietdata, năm 2023, Tiktok Shop đạt doanh thu thuần gần 890 tỷ đồng, tăng khoảng 80% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế là 32 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với năm 2022.
Với phương thức bán hàng có phần khác biệt so với phần còn lại, Tiktok Shop mang sự giao thoa rất lớn giữa hai yếu tố giải trí và thương mại.
Trên thị trường, Tiktok cũng đã cho ra một khái niệm mới là “shoppertainment” là hình thức mua sắm kết hợp giải trí. Tiktok Shop đã đẩy mạnh việc mua hàng dựa trên cảm xúc và nhu cầu chợt phát sinh khi thấy sản phẩm đẹp hoặc thú vị. Vì thế, nhà sáng tạo nội dung chính là cầu nối giữa Tiktok Shop và khách hàng tốt nhất khi nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng thông qua KOL, KOC.
Theo thống kê, chỉ hơn một năm Tiktok Shop đã thúc đẩy tăng trưởng vượt bật và giành luôn vị trí thứ hai của Lazada trong cuộc chiến thị phần nhờ doanh số từ các phiên livestream. Số lượng nhà bán hàng trên Tiktok Shop cũng tăng hơn 400% bằng cả Lazada và Tiki cộng lại. Tiktok Shop là một màu sắc khác biệt trong những sàn thương mại điện tử hiện nay.
Lazada - ông lớn chậm chân
Lazada là sàn thương mại điện tử thuộc Lazada Group, có công ty mẹ là Tập đoàn Alibaba và bước vào thị trường Việt Nam vào năm 2012. Lazada chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các sàn thương mại điện tử khác và hiện chỉ đứng thứ 3 tại thị trường Việt Nam (dựa trên doanh số).
Vừa qua, để chiếm lại thị phần, Lazada thêm những tính năng và tiện ích để tăng trải nghiệm của cả nhà bán hàng lẫn người tiêu dùng. Với nhà bán hàng, Lazada sử dụng công nghệ sáng tạo nội dung có thể được tối ưu hóa SEO (Tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm) thông qua tính năng tạo thông tin sản phẩm bằng AI giúp cho nhà bán hàng có thể tiếp cận với những khách hàng tiềm năng tốt hơn. Nhà bán hàng cũng tiết kiệm thời gian khi đăng thông tin sản phẩm so với thông thường.
Với người tiêu dùng, Lazada cho ra mắt tính năng như Đề xuất Điểm nổi bật của Sản phẩm. Đây là tính năng giúp cho khách hàng có thể nhanh chóng xem được những thông tin trọng tâm và cốt lõi của sản phẩm. Việc gia tăng trải nghiệm mua hàng là phương hướng phát triển bền vững cho Lazada để giữ chân khách hàng, tuy nhiên, Vietdata đánh giá, việc khôi phục lại vị thế trước đó trong cuộc đua thương mại điện tử vẫn là một dấu hỏi.
Tiki, Sendo - sự hụt hơi của sàn TMĐT “Việt”
Được thành lập từ năm 2010 đến nay Tiki tỏ vẻ có phần “đuối sức” trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các sàn thương mại điện tử với nhau đặc biệt với những đơn vị có vốn nước ngoài. So với giai đoạn trước, Tiki mất phần lớn thị phần của mình. Hiện nay, Tiki không có sức cạnh tranh để vươn lên vị trí cao hơn trên bản đồ thị phần trong thời gian ngắn.
Gần đây, Tiki cũng có những động thái để cải thiện tình hình kinh doanh. Ngày 18/08/2023 Tiki và thương hiệu ô tô điện Wuling của liên doanh GM (Mỹ) - HongGuang MiniEV đã ký kết chiến lược, đưa Wuling HongGuang MiniEV trở thành mẫu ô tô điện đầu tiên được bán trên một sàn Thương mại điện tử tại Viêt Nam. Tiki quyết định tích hợp chatbot ChatGPT vào để khách hàng có thể sử dụng hoàn toàn miễn phí. Dù không cải thiện được nhiều, ít nhất, theo Vietdata, việc tích hợp này giúp cho Tiki trở nên được quan tâm hơn, từ đó gia tăng một lượng truy cập đáng kể.
Còn với Sendo, sàn TMĐT này được thành lập năm 2012, là một dự án Thương mại Điện tử do Công ty CP dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online), đây đã trở thành một trong những nền tảng thương mại lớn nhất có tính chất thuần Việt. Dần tỏ ra yếu thế trong cuộc đua, Sendo đã bị các sàn khác đánh bật ra khỏi những sàn thương mại điện tử lớn nhất.
Dù vậy, theo Vietdata, năm 2023 Sendo vẫn đạt doanh thu thuần gần 290 tỷ đồng, tăng mạnh 90% so với năm 2022, lỗ sau thuế là 450 tỷ đồng. Khó có thể nói đây đều là tín hiệu tích cực.
Thời gian qua, Sendo cũng có những cố gắng đưa ra những ý tưởng mới có sức cạnh tranh hơn. Sendo cho ra mắt mô hình đi chợ kiểu mới với hàng hóa lấy tận nguồn là Sendo Farm.
Sendo Farm cũng đã ký kết với Chi nhánh Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam và Công ty Cổ phần Daesang Đức Việt vào ngày 20/12/2023 với mục tiêu đảm bảo nguồn thực phẩm đạt tiêu chuẩn ngon sạch với giá cả hợp lý.