Thị trường ngày 9/3: Giá vàng tăng, cao su cao nhất 7 năm, dầu giảm 1%

Minh Quân | 07:38 09/03/2024

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu giảm 1% trong khi vàng tiếp tục phá kỷ lục, cao su lên cao nhất 7 năm, đồng, quặng sắt, đường, cà phê đồng loạt giảm.

Thị trường ngày 9/3: Giá vàng tăng, cao su cao nhất 7 năm, dầu giảm 1%
Ảnh minh họa

Dầu giảm 1%

Giá dầu đóng cửa giảm 1% và ghi nhận một tuần giảm do các thị trường vẫn cảnh giác với nhu cầu của Trung Quốc ngay cả khi OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng.

Chốt phiên 8/3, dầu thô Brent giảm 88 US cent hay 1,1% xuống 82,08 USD/thùng. Dầu WTI giảm 0,92 USD hay 1,2% xuống 78,01 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đều giảm trong tuần, dầu Brent giảm 1,8% và dầu WTI giảm 2,5%.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 khoảng 5%, điều mà nhiều nhà phân tích cho là đầy tham vọng nếu không có thêm nhiều biện pháp kích thích. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn yếu hơn so với những tháng trước đó, tiếp tục xu hướng giảm nhập khẩu của nước này.

Các thành viên của OPEC+ đã đồng ý tiếp tục kéo dài cắt giảm sản lượng dầu mỏ tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày trong quý 2, điều này hỗ trợ thêm cho thị trường trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và sản lượng đang tăng ở ngoài tổ chức này.

Tuy nhiên, sản lượng dầu thô của các nước OPEC+ tăng 212.000 thùng/ngày trong hai tháng đầu năm, theo công ty Rystad Energy.

Trong khi đó, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này cắt giảm 2 giàn khoan dầu xuống 504 giàn, thấp nhất kể từ ngày 23/2, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.

Tăng trưởng việc làm của Mỹ trong lĩnh vực phi nông nghiệp vượt dự đoán. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng và tăng trưởng lương giảm tốc cho thấy kinh tế của Mỹ có thể đang chậm lại khiến Cục Dự trữ Liên bang cân nhắc cắt giảm lãi suất dự kiến vào tháng 6.

Lãi suất giảm có thể làm tăng nhu cầu dầu bởi thúc đẩy kinh tế. Ngân hàng Trung ương Châu Âu có thể sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào thời điểm từ tháng 4 tới tháng 6.

Vàng tăng

Giá vàng tăng vọt lên mức kỷ lục mới khi số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng thúc đẩy dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Vàng giao ngay tăng 0,5% lên 2.170,55 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa tăng 0,9% lên 2.185,5 USD/ounce.

Vàng đã thiết lập tuần tăng theo phần trăm lớn nhất kể từ giữa tháng 10/2023.

Giá vàng đã đạt kỷ lục 2.185,19 USD/ounce sau một báo cáo cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng và lương tăng vừa phải bất chấp tăng trưởng việc làm tăng tốc trong tháng 2.

Đồng giảm

Giá đồng thoái lui từ mức đỉnh 5 tuần do các nhà cầu cơ chốt lời sau khi số liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ tăng tốc trong tháng 2.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 0,5% xuống 8.595,5 USD/tấn sau khi chạm mức 8.689 USD, cao nhất kể từ ngày 31/1.

Số liệu việc làm của Mỹ trái chiều, số liệu việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 2 nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong hai năm.

Ở mức đỉnh hôm 8/3, đồng LME đã tăng 7% kể từ khi xuống mức thấp một tháng tại 8.127 USD/tấn.

Ngược lại với đồng, chứng khoán toàn cẩu đạt cao kỷ lục khi đặt cược Cục Dự trữ Liên bang sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào giữa năm nay.

Quặng sắt giảm do nhu cầu thấp, tồn kho cao

Giá quặng sắt giảm do sản lượng kim loại nóng thấp hơn dự kiến và do tồn kho tại cảng ở Trung Quốc tiếp tục tăng đè năng lên tâm lý thị trường.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 1,13% xuống 877 CNY (122 USD)/tấn, giảm 1,6% trong tuần này.

Quặng sắt giao tháng 4 tại sàn giao dịch Singapore giảm 1,56% xuống 114,9 USD/tấn, mặc dù hợp đồng này có tuần tăng 1,5%.

Sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày giảm phiên thứ 3 liên tiếp, giảm 0,3% so với tuần trước xuống 2,22 triệu tấn, tính tới ngày 8/3, trong khi dự trữ tại các cảng lớn được khảo sát tăng 2% trong tuần này lên 141,51 triệu tấn, cao nhất kể từ tháng 2/2023, theo số liệu từ công ty tư vấn Mysteel.

Các thương nhân dự kiến sản lượng kim loại nóng tăng trong tuần này, nhưng số lượng thấp hơn khiến họ thất vọng.

Nhưng lo ngại về khả năng nhu cầu quặng sắt tiếp tục giảm trong những tuần tới cũng khiến tâm lý trở nên tồi tệ.

Một vài nhà máy thép ở tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc đã lên kế hoạch cắt giảm sản lượng thép trong tháng 3 để hạn chế tổn thất, giảm sản lượng thép xây dựng khoảng 500.000 tấn.

Thép trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm mạnh. Thép thanh giảm 0,62%, thép cuộn cán nóng giảm 0,44% và dây thép cuộn giảm 0,6%. Thép không gỉ tăng 1,02%.

Cao su Nhật Bản cao nhất 7 năm

Giá cao su Nhật Bản tăng đóng cửa ở mức cao nhất 7 năm do lo ngại kéo dài về thời tiết, lạc quan quanh số liệu ô tô mạnh mẽ của Trung Quốc và giá dầu tăng hỗ trợ hợp đồng này tăng 4% trong tuần.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 13 JPY hay 4,33% lên 313 JPY (2.12 USD)/kg, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 17/2/2017. Hợp đồng này tăng phiên thứ 4 liên tiếp và kết thúc tuần tăng 4,06%.

Tại Thượng Hải, cao su giao tháng 5 tăng 445 CNY lên 14.250 CNY (1.982,06 USD)/tấn.

Cơ quan khí tượng Thái Lan cảnh báo tình trạng thời tiết khắc nghiệt ở thượng nguồn Thái Lan từ ngày 8 – 10/3, có thể gây thiệt hại cho mùa màng.

Cà phê giảm

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 2,5% xuống 3.297 USD/tấn, thị trường này đang giảm từ mức đỉnh 3,460 USD của phiên trước đó, cao nhất kể từ khi dạng hợp đồng này bắt đầu giao dịch trong tháng 1/2008.

Nhu cầu mạnh và dự trữ robusta cạn kiệt tại Việt Nam tiếp tục củng cố giá.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 3,6% xuống 1,852 USD/lb, mặc dù hợp đồng này tăng khoảng 1% trong tuần.

Đường giảm

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 0,13 US cent hay 0,6% xuống 21,15 US cent/lb. Hợp đồng này đã tăng 0,35 trong tuần.

Các đại lý cho biết thị trường này được củng cố bởi khả năng một vụ mùa ít hơn tại Trung Nam Brazil trong niên vụ 2024/25 tới.

Tuy nhiên triển vọng sản lượng đường đang cải thiện tại Thái Lan đã hạn chế đà giảm.

Đường trắng kỳ hạn tháng 5 giảm 1,1% xuống 597,5 USD/tấn.

Lúa mì tăng do săn giá hời, đậu tương chạm đỉnh hai tuần

Giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa tăng do việc săn giá hời sau tin tức Trung Quốc hủy việc mua thêm lúa mì của Mỹ đã đẩy hợp đồng này xuống mức thấp nhất trong 3,5 năm.

Lúa mì CBOT mềm đỏ kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 9-1/4 US cent lên 5,37-3/4 USD/bushel, tăng vọt sau khi giảm xuống 5,26 USD, thấp nhất kể từ tháng 8/2020.

Đậu tương trên sàn Chicago chạm mức cao nhất trong 2,5 tuần, bởi mua để đóng các giao dịch bán trước khi kết thúc tuần, sau báo cáo mùa vụ hàng tháng không ổn định từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Đậu tương CBOT tiếp tục trên mức thấp nhất 3 năm thiết lập trong tuần trước. Hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 17-3/4 US cent lên 11,84 USD/bushel sau khi tăng lên 11,85 USD, cao nhất kể từ ngày 20/2. Trong tuần này hợp đồng kỳ hạn tháng 5 tăng 32-3/4 US cent/bushel hay 2,8%, tăng tuần thứ hai liên tiếp.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 9/3


(0) Bình luận
Thị trường ngày 9/3: Giá vàng tăng, cao su cao nhất 7 năm, dầu giảm 1%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO