Thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc đang ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ nhờ dòng vốn FDI tăng trưởng vượt bậc và sự chuyển dịch sang các ngành giá trị cao.
Theo các chuyên gia Savills, trong 9 tháng đầu năm 2024, miền Bắc dẫn đầu cả nước về vốn FDI sản xuất, đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 59% tổng vốn FDI. Các ngành như điện tử, thiết bị điện và ô tô tiếp tục thu hút lượng lớn đầu tư, chiếm 48% tổng vốn FDI đăng ký mới.
Bên cạnh đó, miền Bắc còn sở hữu những lợi thế cạnh tranh vượt trội. Nhờ vào vị trí chiến lược gần Bắc Á và hành lang kinh tế phía Nam Trung Quốc, chi phí thuê đất cạnh tranh, trung bình 132 USD/m², thấp hơn miền Nam 28%, khu vực này đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư. Hạ tầng giao thông phát triển với 61% mạng lưới cao tốc cả nước cùng các cảng biển lớn như Hải Phòng, Lạch Huyện và sân bay Nội Bài, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vận tải và logistics, tạo nên sức hút đặc biệt cho bất động sản công nghiệp phía Bắc trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel và Foxconn đã góp phần định hình miền Bắc trờ thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, từ đó tạo động lực để các tỉnh cấp 2 như Nam Định phát huy tiềm năng, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp giá trị cao.
Ông Thomas Rooney, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp, Savills Hà Nội nhận định miền Bắc đang dẫn đầu trong cuộc đua thu hút đầu tư bất động sản công nghiệp, nhờ quỹ đất phong phú, giá thuê hợp lý và hạ tầng kết nối phát triển. Giá thuê đất công nghiệp tại miền Bắc thấp hơn 28% so với miền Nam, tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Nổi bật trong số đó, Nam Định - tỉnh phía Nam Hà Nội, đang tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có để trở thành điểm đến mới của các nhà đầu tư. Ông Thomas Rooney nhận định rằng trong thời gian tới, thị trường bất động sản công nghiệp sẽ ghi nhận những bước tiến đáng kể, đặc biệt là tại các tỉnh nhóm 2 như Nam Định và Ninh Bình. Trước đây, những địa phương này chủ yếu thu hút đầu tư vào ngành dệt may, nhưng gần đây, dòng vốn đã chuyển hướng sang các lĩnh vực công nghiệp có giá trị cao hơn.
“Nhờ giá đất cạnh tranh, lực lượng lao động dồi dào và vị trí thuận lợi, Nam Định cùng các tỉnh lân cận đang trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong các ngành công nghiệp công nghệ cao. Sự phát triển mạnh mẽ và ổn định của thị trường bất động sản công nghiệp tại khu vực phía Bắc trong thời gian qua đang tạo nên nền tảng vững chắc cho sự bùng nổ trong tương lai.” - ông Thomas Rooney phân tích.
Theo quy hoạch đến năm 2050, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu phát triển 42 khu công nghiệp với diện tích 8.389 ha và 70 cụm công nghiệp với 3.451 ha, gắn liền với các trục giao thông chiến lược của Đồng bằng sông Hồng. Với giá đất cạnh tranh, nguồn lao động qua đào tạo đạt 77,8%, tay nghề cao, chi phí thấp và hạ tầng ngày càng hoàn thiện.
Nam Định không chỉ là một lựa chọn thay thế cho các tỉnh công nghiệp phát triển như Bắc Ninh hay Hải Phòng, mà còn là một điểm đến chiến lược cho các doanh nghiệp muốn tối ưu hóa chi phí và đón đầu xu hướng đầu tư.