Mới đây, Tổng CTCP Y tế Danameco (mã chứng khoán: DNM) cho biết đã nhận được công văn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc dừng xem xét hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.
Trước đó, trong ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4, cổ đông Danameco đã thống nhất phương án phát hành 5 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Giá chào bán dự kiến là 20.000 đồng/cp. Lượng cổ phần này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ thời điểm phát hành.
Đến cuối tháng 8/2022, Danameco đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án chào bán 5 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cp. Danh sách nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần được công bố gồm 4 cá nhân, đều chưa sở hữu bất kỳ cổ phiếu DNM nào trước đợt chào bán. Theo đó 4 nhà đầu tư này nếu hoàn tất việc mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ đồng thời trở thành 4 cổ đông lớn tại DNM.
Tại thời điểm công bố triển khai chào bán, cổ phiếu DNM dù giảm so với thời đỉnh giá 52.300 đồng/cp hồi cuối tháng 3/2022, song vẫn giao dịch trên vùng giá 25.000 đồng/cp, cao hơn mức giá chào bán
Tuy nhiên tới cuối tháng 9, HĐQT DNM đã quyết định tạm dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Lý do doanh nghiệp đưa ra là do trong quá trình trao đổi với nhà đầu tư chuyên nghiệp, Tổng Công ty xét thấy cần đàm phán lại và cung cấp thêm tà liệu liên quan đến mục đích sử dụng vốn cũng như KDKQ 6 tháng đầu năm 2022.
Trên thị trường, giá DNM liên tục giảm sau khi lên đỉnh, chốt phiên 30/9 đạt 19.000 đồng/cp, tương ứng giảm hơn 60% trong vòng 6 tháng.
Không chỉ thị giá giảm mạnh, cổ phiếu DNM cũng thuộc diện bị cảnh báo và vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ trên HNX do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính bán niên đã soát xét quá 15 ngày so với quy định. Điều này chắc chắn sẽ là một hạn chế với giá cổ phiếu DNM và đẩy thêm áp lực của doanh nghiệp trước cổ đông về khắc phục lợi nhuận sau thuế đang là số âm.
Báo cáo bán niên của Danameco cũng gây chú ý trong mùa công bố báo cáo tài chính bán niên 2022. Lý do đến từ việc lợi nhuận của Tổng công ty đã giảm tới 38,7 tỷ đồng (295%), xuống âm 25,5 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu sau soát xét của Danameco đã giảm 3% so với báo cáo tự lập còn 191 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn hàng bán lại tăng 23% lên 186 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp sau soát xét giảm 91% còn hơn 4 tỷ đồng. Các chi phí của đơn vị này cũng tăng sau soát xét khiến doanh nghiệp ghi nhận lỗ gần 26 tỷ trong nửa đầu năm 2022.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán ACC còn đưa ra tới 6 ý kiến ngoại trừ về các số liệu doanh thu, chi phí, tồn kho và công nợ... của Danameco. Đặc biệt, Danameco còn bị lưu ý về hoạt động chia cổ tức, khi mà lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty tại thời điểm cuối quý 2 chỉ là 2,57 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu vào ngày 28/6/2022 với số tiền hơn 8,75 đồng, vượt quá nguồn lợi nhuận sau thuế được phân phối hơn 6 tỷ.
Danameco từng được biết đến là doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế duy nhất trên sàn chứng khoán. Giai đoạn 2020-2021, với đặc thù là ngành hưởng lợi hiếm hoi trong bối cảnh dịch bệnh, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng tăng trưởng đột biến. Doanh thu năm 2020 vượt mức 700 tỷ, lợi nhuận gấp 9 lần cùng kỳ lên mức 37 tỷ. Lợi nhuận năm 2021 có phần hạ nhiệt song vẫn rất cao, đạt 30 tỷ đồng. Cổ phiếu DNM trong giai đoạn đó cũng tăng mạnh, thậm chí là cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HNX năm 2020 với mức 750%.