Thị trường chứng khoán đang có những "tia sáng cuối đường hầm", cơ hội giải ngân đã tới?
Phiên thứ 6 vừa rồi, thị trường đã có sự phục hồi mạnh cuối phiên với điểm sáng là chỉ số giữ được mốc 1.100. Trong tuần trước, chỉ số VN-Index đã nhiều lần xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ trước đó. Tuy nhiên, việc điểm số và thanh khoản của thị trường được cải thiện phiên cuối tuần trước chưa đủ để xác định rằng thị trường sẽ theo chiều hướng tích cực hơn trong thời gian tới.
Khi thị trường giảm sâu và nhanh chóng như vậy, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam cho biết nhiều cổ phiếu theo đó rơi vào cùng quá bán. Về cơ bản, những trạng thái này xác suất cao sẽ có nhịp hồi phục.
So sánh với áp lực giảm điểm tháng 3/2020, thị trường đợt giảm vừa qua cũng tương tự như bối cảnh giai đoạn đầu khi xảy ra dịch Covid với nhiều yếu tố bất định và khó dự đoán. Sau tháng 3/2020, lịch sử cho thấy xác suất cao xuất hiện nhịp hồi trong 2 tháng tới lên tới 72% là sẽ tăng. Song, phiên tăng điểm chỉ phản ánh sau những đợt giảm sâu, đợt hồi có thể xuất hiện dù chưa thể xác định được xu hướng tăng hoàn toàn của thị trường.
Bất chấp thời điểm công bố GDP quý 3 tăng cao lên mức 2 con số, tuy nhiên thông tin này cũng không mấy khả quan do con số GDP năm trước cũng ở mức thấp, và GDP quý 3 có phần chậm lại so với quý 1 và quý 2.
Tuần tới, xuất hiện một số yếu tố hỗ trợ thị trường, trước tiên là kết quả kinh doanh quý 3, có nhiều doanh nghiệp công bố kết quả. Từ đây sẽ tạo ra sự phân hoá giữa các nhóm cổ phiếu bởi kết quả quý 3 nhiều doanh nghiệp cũng không được như kỳ vọng. Nguyên nhân đến từ việc tăng trưởng của các nước phát triển, yếu tố lạm phát là lãi suất tăng làm cho tốc độ tăng tăng trưởng và kết quả các doanh nghiệp niêm yết bị ảnh hưởng. Những nhóm ngành lĩnh vực tài chính sẽ không quá khả quan như Ngân hàng, Bất động sản và Chứng khoán. Nhóm ngành thuộc lĩnh vực sản xuất có phần khởi sắc hơn.
Tiếp theo, câu chuyện lạm phát và đồng USD có xu hướng tăng lên rất mạnh. Song một số nguyên nhân từ nguồn cung khiến giá hàng hoá xuất hiện chiều hướng hạ nhiệt nhanh. Đây là yếu tố hỗ trợ cho việc đưa ra quyết định của Fed trong tương lai vào tháng 11 này. Nhiều giả định cho rằng Fed vẫn có thể tiếp tục tăng lãi suất nhưng mức tăng sẽ thấp hơn thời điểm vừa qua, ở mức nâng 50 điểm cơ bản.
Xét về định giá thị trường, hiện nay đang ở mức P/E 12 lần. Kể từ năm 2013 - giai đoạn kinh tế Việt Nam trong trạng thái lạm phát thấp dưới 5% đến nay, thị trường có tới 4 lần P/E 12 lần. Theo thống kê trong lịch sử, thường khả năng P/E thấp, thị trường sẽ có những giai đoạn hồi phục, là cơ sở để NĐT kỳ vọng định giá thấp và hút dòng tiền tài sản rẻ quay trở lại.
Thông thường, chu kỳ của thị trường không chỉ theo tháng mà theo cả năm. Sau những tháng hoặc năm giảm mạnh, tháng kế tiếp sẽ hồi phục nhẹ và khả năng cao kịch bản trong tháng 10 sẽ là hồi phục.
Hiện nay, ngưỡng hỗ trợ về mặt kỹ thuật không phản ánh đúng bản chất thị trường. Ngay cả những thông tin về cơ bản cũng không phải yếu tố hỗ trợ quá lớn. Quan trọng bối cảnh lúc này chúng ta phải đánh giá liệu dòng tiền đã quay trở lại chưa, định giá thị trường hấp dẫn để giải ngân ở bối cảnh này chưa?
Với trạng thái thị trường giảm sâu về vùng quá bán, nhà đầu tư không nên bán cổ phiếu giai đoạn này. Chuyên gia Yuanta cho rằng khả năng cao kịch bản tuần tới sẽ hồi phục. Thị trường chứng khoán đang có những tia sáng cuối đường hầm, kỳ vọng sẽ có nhiều điểm sáng và tích cực hơn. Cơ sở để NĐT tăng tỷ trọng cổ phiếu và là cơ hội để quay trở lại thị trường xuất hiện khi VN-Index trong một đến hai tuần tới vượt mốc 1.160 điểm.
Việc bắt đáy chỉ nên được thực hiện khi VN-Index xác nhận tín hiệu tạo đáy và lực mua cải thiện
Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, VN-Index đã mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.200 điểm sau những lo ngại về khả năng kinh tế toàn cầu suy thoái trong thời gian gần và xu hướng lãi suất tăng sau động thái nâng lãi suất điều hành của NHNN phiên đầu tuần. Điều này đã ảnh hưởng phần nào tới tâm lý nhà đầu tư và kéo theo áp lực bán tăng lên trong các phiên sau đó, và có thời điểm chỉ số đã mất mốc 1.100 điểm. Tuy nhiên, lực bắt đáy tăng lên vào nửa cuối phiên chiều giúp chỉ số lấy lại sắc xanh và tạm thời dừng chuỗi giảm điểm.
Quan sát dòng tiền, diễn biến giao dịch của khối ngoại là điều cần lưu ý khi khối này đã bán ròng trong 4 phiên thị trường giảm điểm với giá trị bình quân trên 275 tỷ đồng/phiên và mua ròng trở lại vào phiên cuối tuần với giá trị khoảng 180 tỷ đồng. Diễn biến này cũng trùng giai đoạn các quỹ ETF cơ cấu danh mục.
Quan sát diễn biến thanh khoản phiên cuối tuần, ông nhận thấy thanh khoản phiên chiều cao gấp đôi phiên sáng (gần 11.300 tỷ đồng so với gần 5.900 tỷ đồng), cho thấy lực bắt đáy tương đối mạnh sau khi Index tìm được điểm hỗ trợ tại vùng 1.100 điểm.
Việc thanh khoản được cải thiện tới từ 2 yếu tố chính:
(1) Việc bán giải chấp được thực hiện tại các CTCK sau khi chỉ số giảm gần 10% trong 1 tuần qua.
(2) Lực mua vào xuất hiện tăng lên tại khối ngoại sau 4 phiên bán ròng. Điều này có thể kích hoạt dòng tiền hồi phục trong các phiên đầu tuần, tuy nhiên để nói rằng chỉ số đã thực sự tạo đáy quanh vùng 1.100 điểm hay chưa thì cần phải theo dõi thêm diễn biến trong nửa cuối tuần sau, khi lượng cổ phiếu bắt đáy vào ngày thứ 6 sẽ tới tài khoản nhà đầu tư.
Theo quan điểm của ông Khoa, việc bắt đáy chỉ nên được thực hiện khi VN-Index xác nhận tín hiệu tạo đáy và lực mua cải thiện trong các phiên tới để giảm thiểu rủi ro thua lỗ.
Thực tế VN-Index đang tiến gần tới vùng định giá vào thời điểm tháng 3/2020 (khoảng 10,5-11x P/E) – thời điểm bắt đầu xảy ra dịch Covid-19. Vào thời điểm này, lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng thương mại cổ phần đang ở mức 6,5%-7,0%, trong khi con số này ở thời điểm hiện tại đã ở mức 6,4% tới gần 8,0% - thậm chí một số ngân hàng đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trên 8,0% với một số điều kiện đi kèm.
Điều này cho thấy mặc dù P/E của VN-Index đang trong xu hướng giảm, nhưng mức định giá này là tương đối hợp lý ở thời điểm hiện tại. Thời gian tới, mặt bằng định giá P/E có thể sẽ hấp dẫn hơn khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố - dự kiến sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ so với cùng kỳ. Thêm vào đó, định giá P/B hiện tại của VN-Index đang tiến dần về mức trung bình 5 năm trừ 2 lần độ lệch chuẩn, do vậy các cơ hội đầu tư có thể đang trở nên rõ ràng hơn trong thời gian gần sắp tới.
Quan sát lịch sử biến động của VN-Index trong tháng 10, chỉ số ghi nhận 13/22 lần tăng điểm, với 5 lần ghi nhận mức tăng trên 5% (vào các năm 2000, 2001, 2005, 2015 và 2021). Chiều ngược lại, trong 9 lần thị trường giảm điểm, chỉ có 2 lần thị trường giảm trên 5% (vào năm 2008 và 2018).
Do đó, chuyên gia đến từ Agriseco nghiêng về kịch bản VN-Index có thể xuất hiện xu hướng sideway up trong tháng 10. Một số yếu tố tích cực bao gồm:
(1) Tháng 10 cũng là thời điểm công bố báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh do cùng kỳ năm ngoái là thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh, làm hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn
(2) Việc điều chỉnh tăng lãi suất của nhiều NHTW thế giới cũng như NHNN Việt Nam sẽ làm hạ nhiệt sự tăng giá của đồng USD và giúp thị trường chứng khoán trong nước bình ổn hơn
(3) Việc chỉ số giảm điểm sâu trong tháng 9 (trên 10%) sẽ giúp VN-Index có mặt bằng điểm số thấp và cơ hội để kiểm định lại các vùng kháng cự trong tháng 10 sẽ nhiều hơn.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý các diễn biến vĩ mô quốc tế như việc công bố số liệu lạm phát của Mỹ và Trung Quốc hay dữ liệu doanh số bán lẻ, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong trung tuần tháng 10 cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp tới thị trường chứng khoán trong nước.
Với việc chỉ số đã điều chỉnh tương đối mạnh trong tháng 9, mặt bằng định giá thị trường đã bắt đầu ở mức hợp lý và cơ hội đầu tư đang trở nên rõ ràng hơn. Mặc dù vậy, ông Khoa cho rằng chiến lược đầu tư trong giai đoạn này vẫn nên ưu tiên giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao, hạn chế sử dụng đòn bẩy và chỉ nên giải ngân tối đa khoảng 30% tại các vùng giá thấp với những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh khả quan và mặt bằng định giá hấp dẫn, đặc biệt nên ưu tiên tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và/hoặc thuộc nhóm VN30.
Nhịp phục hồi kỹ thuật có thể sớm xuất hiện, hướng tới vùng 1.140-1.180 điểm
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua lao dốc mạnh bất chấp những thông tin vĩ mô tích cực được công bố. Theo đánh giá của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty CPCK VNDIRECT, sự ảm đạm của thị trường chứng khoán đến từ sự suy yếu của dòng tiền đầu tư vào các kênh tài sản rủi ro trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh sau động thái nâng lãi suất điều hành của ngân hàng nhà nước và khối ngoại đẩy mạnh bán ròng.
Lực cầu bắt đáy gia tăng khi các chỉ số chứng khoán giảm điểm mạnh kéo thanh khoản thị trường phục hồi trong tuần qua với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn tăng 10,8% so với tuần trước lên mức 15.586 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng từ 353 tỷ đồng lên 927 tỷ đồng trên HOSE. Tương tự, khối ngoại bán ròng 40 tỷ đồng trên sàn HNX (+201,3% so với tuần trước) và bán ròng 218 tỷ đồng tên sàn UPCOM (+76,6% so với tuần trước).
Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều giảm mạnh trong tuần qua, trong đó trọng tâm của đà giảm giá là các cổ phiếu đến từ nhóm ngành ngân hàng và bất động sản. Sau khi một loạt các ngân hàng công bố tăng lãi suất huy động, thị trường lo ngại chi phí huy động tăng cao có thể kéo biên lợi nhuận của các ngân hàng suy giảm do mặt bằng lãi suất cho vay ở thời điểm hiện tại khó có thể tăng tương ứng.
Sau phiên đảo chiều thứ 6 tuần qua, ông Hinh kỳ vọng thị trường có thể chứng kiến nhịp phục hồi kỹ thuật trong tuần tới nhờ (1) định giá rẻ kích thích dòng tiền bắt đáy và (2) thị trường được hỗ trợ bởi thông tin KQKD Quý III của các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu được công bố. Chỉ số VN-Index có thể hướng tới vùng 1.140 - 1.180 điểm.
Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự thận trọng cao trong tuần giao dịch tới do rủi ro thị trường vẫn đang ở mức cao và dòng tiền trên thị trường vẫn chưa cho thấy sự khởi sắc đáng kể. Do đó, nhà đầu tư nên hạn chế việc mua đuổi ở mức giá cao, hạn chế sử dụng đòn bẩy và duy trì tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục ở mức vừa phải (chiếm khoảng 50-70% danh mục).
Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tận dụng những phiên tăng điểm để hạ dần tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu đầu cơ, beta cao. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu thấp có thể xem xét giải ngân thăm dò tại những cổ phiếu có mức chiết khấu hấp dẫn cao với định giá P/B thấp, tỷ lệ tiền và tương đương tiền trên tổng tài sản cao, nợ vay thấp và có mức chi trả cổ tức tiền mặt cao.