CNBC trích dẫn số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, GDP quý II/2023 của nước này tăng trưởng 6,3% so với năm trước, không đạt kỳ vọng. Con số này tăng 0,8% so với quý I và chậm hơn khi tăng 2,2% trong 3 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, các nhà phân tích được Reuters khảo sát dự báo mức tăng trưởng của quý II là 7,3%.
Con số đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ ở độ tuổi 16 đến 24 tại nước này là 21,3%, tiếp tục đạt mức kỷ lục mới. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,2%.
Doanh số bán lẻ trong tháng 6 tăng 3,1%, thấp hơn mức 3,2% như dự báo. Sản xuất công nghiệp trong cùng kỳ tăng 4,4% so với 1 năm trước, cao hơn ước tính là 2,7%. Đầu tư tài sản cố định trong nửa đầu năm nay là 3,8%, cao hơn dự báo là 3,5%.
Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 vào tháng 12 vừa qua. Song, đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không như kỳ vọng. Lĩnh vực bất động sản vẫn chật vật để hồi phục, trong khi xuất khẩu sụt giảm do nhu cầu trên toàn cầu trì trệ.
Trong khi đó, ở trong nước, nhu cầu của người tiêu dùng cũng ảm đạm khi tình hình giá cả không thay đổi trong tháng 6 vừa qua. Tuần trước, PBOC cho biết sự sụt giảm sẽ tiếp diễn trong tháng 7 nhưng lạm phát được dự báo sẽ tăng trở lại vào cuối năm nay.
Điểm sáng của số liệu lần này là hoạt động du lịch nội địa. Theo Bộ Văn hoá và Du lịch Trung Quốc, người dân thành thị đã chi tiêu mạnh hơn cho du lịch trong nửa đầu năm nay so với 1 năm trước, lên 1,98 nghìn tỷ NDT (280 tỷ USD). Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, hoạt động du lịch của người dân ở các vùng nông thôn chỉ tăng khoảng 40%.
Tuần trước, Bắc Kinh cho biết chính phủ sẽ mở rộng quy mô đối với các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản. Các nhà chức trách cũng công bố các bước đi nhằm vực dậy lĩnh vực xuất khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng gia hạn việc giảm thuế đối với xe điện, một ngành đang phát triển mạnh mẽ mà chính phủ đang tích cực thúc đẩy.
Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra các biện pháp kích thích lớn hơn, đặc biệt là trong bối cảnh nợ của chính quyền địa phương tăng vọt.
Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP được cho là con số khiêm tốn, khoảng 5% trong năm nay, nhưng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế bao gồm khả năng giảm phát, xuất khẩu sụt giảm và thị trường bất động sản suy yếu.
Theo đó, các nhà hoạch định chính sách đang đối diện với nhiều áp lực khi muốn tăng thêm các biện pháp kích thích cho nền kinh tế, bao gồm cắt giảm lãi suất của NHTW và nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát ngành bất động sản.
Lãi suất tại Mỹ tăng cao và mức nợ phình to trong nền kinh tế Trung Quốc đã hạn chế khả năng thực hiện các biện pháp nới lỏng mạnh tay của PBOC. Một số nhà kinh tế cũng cho rằng niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng yếu kém đã làm giảm hiệu quả của biện pháp kích thích tiền tệ. Do đó, họ kêu gọi Bắc Kinh thực hiện các chính sách tài khóa đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.
Tham khảo CNBC; Bloomberg