Nội dung chính:
- Việc ngân hàng trung ương thua lỗ không có nghĩa là nền tài chính quốc gia đổ vỡ, mà chỉ phản ánh sự thiếu độc lập của thể chế đặc biệt này: chính sách tiền tệ của NHTW phải tuân theo chính sách tài khóa của chính phủ.
- Tuy việc thua lỗ không đáng lo, nhưng NHTW vẫn phải đảm bảo tính thanh khoản mà không cần in thêm tiền để duy trì niềm tin của người dân.
- Các NHTW trên thế giới luôn phải đối mặt với các mục tiêu đối nghịch: hợp tác với chính phủ nhằm đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế, và duy trì sự độc lập để đảm bảo vận hành chính sách tiền tệ một cách hiệu quả.
Nếu các ngân hàng thương mại làm ăn bết bát gây ra sự bất an, thì ắt hẳn các khoản lỗ của ngân hàng trung ương – ngân hàng của các ngân hàng – phải đặc biệt đáng lo ngại. Tuy nhiên, các NHTW không giống như các ngân hàng thương mại. Thay vì phản ánh điểm yếu tài chính, sự thua lỗ của NHTW là lời nhắc nhở: NHTW là các thể chế có vị thế đặc biệt.
Làm thế nào một NHTW có thể thua lỗ?
Giống như các ngân hàng thương mại, NHTW cũng có bảng cân đối kế toán. Bảng này bao gồm danh mục các tài sản (thường là các loại trái phiếu chính phủ), và các khoản nợ, bao gồm số dư tiền gửi trích lập dự phòng có sinh lãi của các tổ chức tài chính tư nhân, tương tự như các tài khoản vãng lai ở các ngân hàng thương mại.
Một NHTW lỗ khi khoản thu được từ tài sản nhỏ hơn khoản lãi suất phải trả cho tiền gửi nắm giữ. Sự sụt giảm giá trị tài sản của NHTW cũng có thể đặt tổ chức này vào thế bất lợi và cần tiền bù đắp để cân đối tài chính. Trong khi đó, nếu NHTW có lãi thì khoản lãi thường được phân phối cho chính phủ. Chẳng hạn như năm 2019, thu nhập ròng 55 tỷ USD của NHTW Mỹ (Fed) được rót vào kho bạc nước này.
Tháng 3.2020, Chủ tịch NHTW Mỹ Jerome Powell thông báo chương trình mua vào trái phiếu lên đến 120 tỷ USD/ tháng để đối phó với đại dịch COVID-19. Ảnh: Fed
Khoản lỗ của các NHTW đã tăng đáng kể. Khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2007, nhiều NHTW đã giảm lãi suất điều hành xuống còn 0% để hồi sức cho những nền kinh tế trên đà sụp đổ. Để bơm ra thị trường nhiều gói kích thích kinh tế, hầu hết các NHTW sau đó chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ (QE): sử dụng tiền mới in ra để mua vào nhiều tài sản rủi ro hơn như trái phiếu chính phủ dài hạn (về bản chất là tài trợ cho các khoản chi tiêu của chính phủ), chứng khoán bảo đảm bằng các khoản thế chấp và cả trái phiếu doanh nghiệp trong một số trường hợp.
Chính sách mua vào giấy tờ có giá để phản ứng với đại dịch COVID-19 đồng nghĩa giá trị bảng cân đối đã phình to thêm. Ví dụ: chỉ trong vòng 3 tháng tính từ tháng 2.2020, tài sản của Fed tăng thêm khoảng 50%. Cả động thái của NHTW lẫn tâm lý chuộng tài sản an toàn hơn của nhiều nhà đầu tư đã làm tăng vọt giá của trái phiếu chính phủ ở các nước giàu. Nếu trái phiếu chính phủ rớt giá khi nền kinh tế phục hồi, thì NHTW có thể phải chịu lỗ khi thu nhỏ bảng cân đối tài chính bằng cách bán ra trái phiếu.
Các hình thức cho vay khẩn cấp cũng làm gia tăng rủi ro cho các NHTW. Năm 2020, NHTW Châu Âu (ECB) hút vào khoản lớn trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp. Fed mua lại trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu địa phương và các khoản nợ phải đòi của ngân hàng thương mại.
Nhiều NHTW khác cũng ghi nhận lỗ. Đầu năm 2020, NHTW Nhật Bản (BoJ) chịu khoản lỗ đầu tư lớn lên đến 270 tỷ USD do giá cổ phiếu giảm mạnh. Lượng lớn ngoại hối và cổ phiếu NHTW Thụy Sĩ (SNB) nắm giữ trong nỗ lực góp phần kiềm chế đà tăng giá đồng franc Thụy Sĩ, cũng bị suy giảm giá trị.
Trụ sở NHTW Thụy Sĩ (SNB) tại Zurich. SNB ghi nhận lỗ kỷ lục 143 tỷ USD trong năm 2022. Ảnh: SNB
Việc NHTW thua lỗ thực ra không đáng lo ngại
Tuy nhiên, việc thua lỗ của các NHTW không hề giống với các ngân hàng tư nhân. Một ngân hàng thương mại trong tình trạng kinh doanh thua lỗ có thể đánh mất niềm tin của các chủ nợ, bao gồm cả những người gửi tiền, điều này có thể khiến ngân hàng đó đứng trước nguy cơ phá sản.
Ngược lại, khách gửi tiền tại NHTW lại không có nơi nào khác để đi: họ có rất ít sự lựa chọn gửi tiền dự trữ của mình. Trong hầu hết các trường hợp, các NHTW cũng không lo hết tiền trả nợ, vì họ có thể in thêm tiền theo ý muốn. (Có những trường hợp ngoại lệ: NHTW Liban đã tích lũy khoản nợ ngoại tệ lớn đến nỗi không thể giải quyết thông qua hoạt động in tiền.)
Nhìn chung, các NHTW không thể sụp đổ, và đa số các nhà kinh tế học đồng tình rằng giá trị tài sản âm không phải là trở ngại đối với việc thiết lập chính sách tiền tệ. Tuy nhiên trên thực tế, một NHTW âm vốn sẽ khiến nhiều người dè chừng. NHTW là cơ quan trọng yếu của chính phủ, và xét vài khía cạnh, nợ của NHTW cũng giống như nợ của chính phủ. Trả nợ bằng cách in thêm tiền không tốt cho thể diện của tổ chức – đặc biệt là khi các khoản tiền dự trữ mới in ra lại phải chịu lãi.
Đồng năm bảng mới do NHTW Anh phát hành. Ảnh: Bank of England
Một NHTW có thanh khoản tốt là điều thiết yếu cho uy tín của chính sách tiền tệ và tài khóa. Phải được vậy người nộp thuế mới bù lỗ cho NHTW bằng cách cho ngân hàng này rút bớt một phần quỹ dự phòng của chính phủ, loại bỏ bớt tác động mở rộng của chính sách tiền tệ nới lỏng. Năm 2020, kho bạc Anh đã hứa sẽ bù đắp cho khoản lỗ do mua lại trái phiếu của NHTW Anh.
Hợp tác với chính phủ
Vì những lý do trên, việc thua lỗ của NHTW chỉ phơi bày điểm yếu của NHTW là thiếu tính độc lập. Sau những năm lạm phát trong thập kỷ 70 và 80 thế kỷ trước, các nhà kinh tế học bắt đầu coi trọng việc NHTW không chịu ảnh hưởng từ thể chế chính trị - điều này cho phép NHTW thiết lập uy tín với công chúng, nhờ vậy mà đạt được mục tiêu chính sách.
Nhưng chính sách tiền tệ của NHTW phải đi theo chính sách tài khóa của chính phủ, vì chính phủ muốn bơm ra thị trường bao nhiêu tiền thì NHTW phải mua vào bấy nhiêu trái phiếu. Nếu việc tái cấp vốn được cho là cần thiết, NHTW phải chiều theo các chính trị gia.
Nghiên cứu của Igor Goncharov và Vasso Ioannidou của Đại học Lancaster và Martin Schmalz, hiện thuộc Đại học Oxford, kết luận rằng: dù đáng ra NHTW không phải lo lắng vì thua lỗ, các thể chế này vẫn có nhiều khả năng ghi nhận khoản lãi nhỏ, hơn là khoản lỗ nhỏ. Cứ trong môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng và gia tăng lạm phát, thì NHTW sẽ ghi nhận ít lãi thay vì lỗ.
Xu hướng ghi nhận lãi của NHTW rõ ràng hơn khi đất nước ở trong căng thẳng địa chính trị, người dân đồng tình với các quan điểm chính trị cực đoan, và khi thống đốc (người đứng đầu NHTW) bị đe dọa rời ghế trong đợt tái bổ nhiệm.
Vì mối lo lợi nhuận là có thực, các NHTW phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: bắt tay với chính phủ khi hoạch định chính sách tiền tệ, hay giữ vững tính độc lập để có kết quả hoạt động khả quan, tránh thua lỗ.
Giải pháp có lẽ là thừa nhận thực trạng rằng các NHTW hiện đang hợp tác chặt chẽ hơn với chính phủ sau nhiều năm hỗn loạn tài chính và lãi suất giảm. Thay vì lo lắng bị lệ thuộc và buộc phải hỗ trợ các chính sách tài khóa liều lĩnh, có lẽ đã đến lúc các NHTW nhận ra rằng chính phủ cũng có vai trò trong việc ổn định nền kinh tế, và lên tiếng gợi ý chính phủ làm điều đó một cách đúng đắn.