Thách thức bủa vây bất động sản nhà ở

Lê Sáng | 09:48 29/05/2022

Phân khúc bất động sản nhà ở, dân cư đang gặp những thách thức lớn trong ngắn hạn.

Thách thức bủa vây bất động sản nhà ở
Nguồn cung nhà ở mới liên tục giảm trong thời gian qua.

Mới đây, chia sẻ tại sự kiện “Diễn đàn dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính”, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinGroup nhận định phân khúc bất động sản nhà ở, dân cư đang gặp những thách thức lớn trong ngắn hạn.

Theo đó, trái ngược với sự sôi động của các phân khúc như đất nền, bất động sản công nghiệp thì bất động sản nhà ở đã phải đối mặt với những khó khăn khi đại dịch Covid-19 bùng phát, từ đầu năm 2020 đến nay.

Theo số liệu của Fiingroup thống kê từ 56 doanh nghiệp bất động sản nhà ở niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy tỷ lệ doanh thu nhận trước/hàng tồn kho của các doanh nghiệp này liên tục giảm qua các năm gần đây.

fiingroup.png

Cụ thể, nếu năm 2019, tỷ lệ này ở mức 31%, tức nếu giá trị hàng tồn kho ở mức 100 tỷ đồng thì doanh nghiệp đã thu được đến 32 tỷ đồng thì đến năm 2021 tỷ lệ này chỉ còn ở mức 17%.

Bên cạnh đó, cũng theo số liệu từ Fiingroup, thị trường bất động sản nhà thời gian qua cũng chứng kiến tình trạng sản lượng căn hộ bán được giảm mạnh.

fiingroup-2.png

Cụ thể, chỉ tính tại Hà Nội và Tp. HCM, hai thị trường vốn chiếm khoảng 60% quy mô cả nước thì sản lượng căn hộ bán được trong năm 2021 chỉ bằng chưa đến 30% so với mức đỉnh của năm 2018.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Quang Thuân, tổng hợp số liệu từ 1030 doanh nghiệp niêm yết ngành phi tài chính cho thấy, trong quý I/2022, tổng doanh thu của ngành bất động sản dân cư giảm đến 26% so với quý IV/2021, trong khi bất động sản khu công nghiệp ghi nhận mức tăng 11,8%.

Theo Fiin group, tỷ lệ doanh thu nhận trước/hàng tồn kho (Contracted Sales/ inventory) cũng như sản lượng căn hộ giao dịch giảm đến từ việc triển khai, mở bán các dự nhà ở chậm khi phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội chống dịch dịch Covid-19.

Nhận định về yếu tố tác động trong ngắn hạn, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng nhữnh biến động về chính sách và vốn tín dụng sẽ có tác động trực tiếp đến triển vọng của thị trường bất động sản nhà ở.

Chia sẻ nhận định trên, mới đây, tại hội thảo “Tháo gỡ vướng mắc - thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực bất động sản” diễn ra ngày 27/5 tại TP.HCM, Tiến sỹ Trần Du Lịch cũng cho rằng hạng mục nhà ở nào cũng khan hiếm. Nguyên nhân không chỉ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà còn vì những lý do liên quan đến cơ chế, pháp lý, thủ tục và dòng tiền chảy vào bất động sản đang bị ngưng trệ như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp… khiến hàng trăm dự án bất động sản rơi vào tình trạng tắc nghẽn.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua nguồn cung nhà ở mới đưa ra thị trường liên tục sụt giảm, dẫn tới sự mất cân đối cung cầu nghiêm trọng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) giai đoạn từ năm 2015 - 2021, tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở đã diễn ra ngày càng trầm trọng. Nếu những năm 2015-2016, mỗi năm cả nước có khoảng 30.000 căn nhà ở xây mới được chào bán nhưng đến nay chỉ còn khoảng 16.000 căn/năm.

Trước thực trạng trên, theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách - Tài chính tiền tệ quốc gia, giải pháp để thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở nói riêng phục hồi và tăng trưởng trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, tăng năng suất. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu, tiếp cận “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế”.

Bên cạnh đó, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng khuyến cáo các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thích ứng và thực hiện quản lý thay đổi, quản lý rủi ro, chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới để đáp ứng những thay đổi ngày càng nhanh chóng  trong nhu cầu khách hàng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thách thức bủa vây bất động sản nhà ở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO