London, “viên ngọc quý” của nền kinh tế và văn hóa Anh, đang phải đối mặt với nhiều sóng gió trong thời gian gần đây. Một trong những “cú giáng” mạnh vào hình ảnh của London là chính sách thuế mới nhằm vào nhóm “non-dom” - những người cư trú ở Anh nhưng không có nghĩa vụ nộp thuế toàn phần tại nước này. Chính sách này đã khiến khoảng 10.000 triệu phú rút khỏi London trong năm 2024, tìm nơi trú ẩn an toàn hơn cho khối tài sản của họ.
Đối với người lao động phổ thông, chi phí sinh hoạt quá cao cùng với việc đại dịch đã khiến nhiều người đánh giá lại chất lượng cuộc sống, buộc họ rời khỏi thủ đô để tìm nơi có mức sống hợp lý hơn. Theo dữ liệu, làn sóng rời đi của người lao động trẻ đang gia tăng, làm thay đổi diện mạo dân cư của thành phố.
Ngoài ra, giới kinh doanh cũng bắt đầu “quay lưng” với London. Nhiều công ty khởi nghiệp lẫn doanh nghiệp lớn đang tìm cách niêm yết tại nước ngoài hoặc chuyển trụ sở chính ra khỏi Anh. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế trung tâm tài chính mà London từng tự hào.
Bill Blain, một chiến lược gia thị trường và cựu chuyên gia ngân hàng đầu tư, nhận định London đã đánh mất sức hấp dẫn từ nhiều năm nay.
“Không khí tại khu tài chính City of London hay Canary Wharf giờ đây ảm đạm hơn bao giờ hết. Các ngân hàng đầu tư lớn của Anh gần như biến mất, thay vào đó là các tập đoàn tài chính Mỹ nắm thế thượng phong. Những người từng làm trong ngành như tôi là thế hệ cuối cùng còn được ‘hưởng lộc’ từ thị trường tài chính London,” Blain chia sẻ.
Ông cho rằng nguyên nhân chính đến từ việc siết chặt quy định quá mức, khiến bộ máy hành chính phình to với đội ngũ kiểm soát và tuân thủ lấn át hoàn toàn các chuyên gia tài chính tuyến đầu. Thêm vào đó là tình trạng bất ổn chính trị với 6 đời thủ tướng trong vòng 10 năm, cộng với “di chứng” từ Brexit.
Chiến thắng vang dội của Công đảng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024 đặt chính phủ mới - đặc biệt là Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves, vào thế khó. Tân Thủ tướng phải vừa phải giữ kỷ luật ngân sách, vừa nỗ lực kích thích tăng trưởng và chi tiêu công. Điều này khiến niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào sự ổn định của Anh quốc bị lung lay.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bi quan về tương lai của London. Barret Kupelian, kinh tế trưởng PwC tại Anh, cho rằng các yếu tố cốt lõi làm nên thương hiệu London vẫn vững vàng. “Pháp quyền, lịch sử, văn hóa, sự đa dạng, tài năng, hạ tầng, múi giờ thuận lợi… tất cả vẫn còn đó,” Kupelian khẳng định.
Theo ông, dù xuất khẩu hàng hóa của Anh đang chững lại do môi trường thương mại bất lợi, xuất khẩu dịch vụ lại tăng trưởng mạnh và phần lớn vẫn tập trung tại London. “Chúng ta thường nói dịch vụ tài chính là viên ngọc quý của London, nhưng thực ra, dịch vụ doanh nghiệp mới là động lực tăng trưởng đáng chú ý trong xuất khẩu gần đây,” ông nhấn mạnh.
Báo cáo “Chỉ số Tăng trưởng Bền vững cho Các Thành phố” do PwC và viện thăm dò Demos công bố năm 2024 cho thấy, tuy London được dự báo có mức tăng trưởng kinh tế mạnh trong năm 2025, nhưng lại kém xa các thành phố khác ở Anh về yếu tố “đáng sống”, đặc biệt là vấn đề thiếu nhà ở giá rẻ và hệ thống giao thông công cộng quá tải.
Dẫu vậy, khi đặt London vào bức tranh toàn cầu, Kupelian cho rằng thành phố vẫn giữ được vị thế cạnh tranh với các siêu đô thị như New York, Paris, Singapore hay Tokyo.
Thay vì một cuộc “đại cải tổ”, Kupelian đề xuất cách “can thiệp có mục tiêu”, như củng cố điểm mạnh về pháp lý, điều tiết minh bạch và cơ sở hạ tầng, là đủ để giữ chân doanh nghiệp và nhân tài.
Tham khảo CNBC