"Các vấn đề phải được công khai để người dân biết"

PV | 13:19 27/05/2022

Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã thể hiện rõ và đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

"Các vấn đề phải được công khai để người dân biết"
Phiên họp ngày 27/5.

Ngày 27/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trước Quốc hội.

Sẽ có quy định về dân chủ tại doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự thảo Luật gồm 07 chương, 74 điều, quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phạm vi “cơ sở” được xác định là xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là cơ quan, đơn vị); doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (gọi chung là doanh nghiệp), là nơi trực tiếp công khai thông tin, tổ chức lấy ý kiến, thực hiện các quyết định và chịu sự kiểm tra, giám sát của công dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Dự thảo Luật có các điểm mới, gồm: Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.

Về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, dự thảo Luật mở rộng phạm vi và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã; mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của Nhân dân; quy định về hình thức văn bản của cộng đồng dân cư; bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành các quyết định hành chính, có sự phân giữa kiểm tra và giám sát của Nhân dân.

Về thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, dự thảo Luật bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông qua hệ thống thông tin nội bộ; có sự phân biệt giữa kiểm tra và giám sát của cán bộ, công chức, viên chức; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, dự thảo Luật bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp; có sự phân biệt giữa kiểm tra và giám sát của người lao động; bổ sung một số nội dung hiện đang được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (hình thức quyết định, kiểm tra, giám sát; một số nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát,...).

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo Luật quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện; đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên người đứng đầu cơ quan, đơn vị; quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chế độ báo cáo về thực hiện dân chủ ở cơ sở; trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong bảo đảm các biện pháp thực hiện và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nói riêng; trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, dự thảo Luật lần này có quy định về Thanh tra Nhân dân bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền, cơ quan, đơn vị. Đây là nội dung đang được quy định tại Luật Thanh tra. Tuy nhiên, Thanh tra Nhân dân có những điểm khác biệt về cách thức thành lập, nguyên tắc tổ chức hoạt động và thẩm quyền so với cơ quan Thanh tra nhà nước. Do đó, Chính phủ đề nghị bổ sung chế định Thanh tra Nhân dân trong luật này.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, trình dự án Luật, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị dự án Luật quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị dự án Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Chính phủ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật quy định một chương về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Cần quy định rõ quyền được biết, được tham gia ý kiến của người dân

Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Theo đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân” với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở” được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Đánh giá hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có báo cáo bổ sung hoặc chuẩn bị giải trình cụ thể, thuyết phục về một số nội dung như: Tổng kết, đánh giá đầy đủ, cụ thể hơn việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị của Đảng, các cơ quan của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; Bổ sung các giải pháp về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các quy định cụ thể của dự thảo Luật; bổ sung các phân tích gắn với số liệu cụ thể khi đánh giá tác động chính sách để lý giải lý do lựa chọn giải pháp chính sách có tính thuyết phục cao hơn.

Về bố cục của dự thảo Luật: để thể hiện rõ và đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong từng chương của dự thảo Luật quy định về việc thực hiện dân chủ tại từng loại hình cơ sở cần quy định rõ quyền của người dân trong việc được biết, được tham gia ý kiến, được bàn bạc, quyết định, được kiểm tra, giám sát, được thụ hưởng, các vấn đề phải được công khai để người dân biết, vấn đề người dân được tham gia ý kiến và được quyết định; trình tự, thủ tục thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở và tương ứng là trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức có thẩm quyền trong việc bảo đảm thực hiện các quyền dân chủ của người dân.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các điều khoản trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong việc quy định đối với các loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở; cân nhắc, sử dụng thống nhất một số thuật ngữ trong dự thảo Luật (như “cơ sở”, “Nhân dân”, “người dân”, “cử tri”, “cán bộ, công chức, viên chức”, “người lao động”,...) và bổ sung quy định về cách thức để người dân “thụ hưởng”.

Ủy ban Pháp luật tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để quy định việc thực hiện dân chủ cơ sở đối với 03 loại hình cơ sở chính, gồm: xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp; đồng thời, tán thành giao các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định cụ thể việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, tổ chức có tính chất đặc thù.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung, làm rõ thêm các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát của người dân; nội dung kiểm tra, giám sát; hiệu lực của kiến nghị sau kiểm tra, giám sát và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân; vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc “làm nòng cốt” để người dân thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở và cơ chế thực hiện để thể chế hóa chủ trương của Đảng; các chế tài và hình thức xử lý, các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cả phía người dân và phía các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong mối quan hệ về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thể chế hóa đúng đắn chủ trương của Đảng về mở rộng, phát huy dân chủ phải đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của Nhân dân.  

Về thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xác định cụ thể một hoặc một số hình thức công khai thông tin có tính bắt buộc tại Điều 10 của dự thảo Luật; quy định cụ thể trường hợp nào thì toàn thể cử tri, trường hợp nào thì chỉ có các cử tri đại diện hộ gia đình được tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương tại Điều 13. Bổ sung quy định về cơ chế thực hiện để bảo đảm các nội dung cộng đồng dân cư quyết định phải được đưa ra bàn bạc, thảo luận trước đó, trường hợp không tổ chức họp thì ý kiến của người dân cũng cần được thu thập bằng các hình thức linh hoạt khác nhau. Làm rõ cơ chế xử lý các nội dung chưa thống nhất trong quyết định của các cộng đồng dân cư khác nhau tại một địa bàn đơn vị hành chính cấp xã khi cùng quyết định về một vấn đề có tác động, ảnh hưởng chung

Ngoài ra, về Thanh tra nhân dân, Ủy ban Pháp luật tán thành việc chuyển quy định về Thanh tra nhân dân (hiện đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự thảo Luật này nhưng đề nghị cần kế thừa cách thức quy định của Luật Thanh tra hiện hành, bảo đảm tính đầy đủ và toàn diện của chế định Thanh tra nhân dân. Đề nghị nghiên cứu có phương án phù hợp hơn về tên gọi “Ban Thanh tra nhân dân” để phản ánh đúng bản chất của chế định này là hoạt động giám sát của người dân, tránh nhầm lẫn với hoạt động thanh tra của Nhà nước; làm rõ lý do không quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài Nhà nước và tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện các mô hình tự quản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Các vấn đề phải được công khai để người dân biết"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO