Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vừa diễn ra, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, về điều hành lãi suất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, trong nửa đầu năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo từ nay đến cuối năm tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Thủ tướng rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt đối với hệ thống ngân hàng, trong đó vấn đề tín dụng được đề cập tới nhiều.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 14/6 tín dụng tăng 3,79%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước. Theo yêu cầu của Thủ tướng hết quý 2/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5%-6%, cả năm đạt 15%-16% theo mục tiêu đề ra.
Bà Hồng cho biết tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp, có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm.
Trong 6 tháng đầu năm, có ngân hàng tăng trưởng tín dụng nhanh song cũng có ngân hàng tăng trưởng tín dụng chậm, thậm chí tăng trưởng tín dụng âm.
Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định.
“Mặc dù ngành Ngân hàng nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhưng đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Các ngân hàng bàn bạc tới câu chuyện điều phối room tín dụng nếu có vướng mắc, hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống”, Thống đốc nói.
Thống kê chi tiết hơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thêm đến nay vẫn còn 23 tỉnh tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh tăng trưởng không quá 2%. Đối với hệ thống tổ chức tín dụng, bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng cao hơn 10% thì vẫn có những ngân hàng tín dụng âm hơn 4%.
Đơn cử như ABBANK là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng âm cao nhất tới 10,08%.
Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng Giám đốc ABBANK cho biết, ngân hàng này mong muốn tăng trưởng tín dụng, rất may phần tăng trưởng mới không phát sinh nợ xấu, từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024. Tổng danh mục đến nay, ABBANK tăng trưởng âm 10,88%.
“Dự kiến đến khoảng tháng 7/2024, ABBANK sẽ tăng trưởng dương trở lại và cam kết đến cuối năm tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được mức Ngân hàng Nhà nước cho phép đã được công bố”, ông Hiếu chia sẻ.
Nằm trong nhóm Big4 nhưng ngân hàng Vietcombank là một trong mức tăng trưởng tín dụng của Vietcombank cũng ở mức khiêm tốn. Tính đến ngày 17/6 tín dụng của Vietcombank tăng 2,4% so với đầu năm.
Phía Vietcombank, đã thực hiện rất nhiều biện pháp thúc đẩy tín dụng như cải tiến quy trình cấp tín dụng, doanh nghệp áp dụng các giải pháp công nghệ, tăng giải ngân trực tuyến…
Ngoài ra, triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó có chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.