Trong hơn 2 tháng đầu năm 2024, thị trường tài chính có những biến động mạnh, giá vàng ở Việt Nam cũng lập đỉnh, tỷ giá tăng cao... Ông thấy gì từ những diễn biến này?
Trong hơn 2 tháng đầu năm 2024, thị trường tài chính thực sự có nhiều biến động, nhiều tài sản tài chính tăng giá mạnh. Ở Việt Nam giá vàng và tỷ giá đồng đô la cũng tăng nhanh so với mọi năm.
Mặc dù vậy, có vẻ thị trường dẫn dần làm quen với những bất định, là bởi vì có quá nhiều bất ổn, bất trắc trong địa chính trị và kinh tế thế giới lập đi lập lại trong nhiều năm gần đây, và nó đã trở thành bình thường. Cảm nhận riêng của tôi xem đó như là hiện tượng “bình thường mới”.
Nhưng ta cần nhìn lại một vài điều để tự lý giải vì sao thị trường thế giới biến động, và những ảnh hưởng lan toả đến nền kinh tế nước ta. Đầu tiên, sau Covid-19, nhiều người kỳ vọng các chuỗi cung ứng phục hồi nhanh hơn, kinh tế toàn cầu ổn định hơn, tăng trưởng tốt hơn, lạm phát sẽ nhanh chóng kiểm soát được… nhưng thực tế không như vậy.
Tiếp theo, xung đột địa chính trị của Nga - Ukraine, Israel - Hamas… đã diễn ra ngày một gay gắt hơn. Tất cả đó đã làm kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và lạm phát tuy đạt đỉnh nhưng vẫn còn rất dai dẳng.
Nhưng vì sao giá vàng thế giới tăng rất cao, và tỷ giá đồng đô la Mỹ, dự báo sẽ giảm giá, nay cũng tiếp tục tăng? Nếu cần phải quy về một nguyên nhân căn bản nhất, theo tôi đó là xu hướng lãi suất của đồng đô la Mỹ. Dự báo được lãi suất của USD là một công việc cực kỳ khó khăn vì nó đòi hỏi việc dự báo chính xác một số các biến số kinh tế vĩ mô khác, chẳng hạn như tỷ lệ lạm phát hay thất nghiệp.
Ngay cả bà Janet Yellen – Bộ trưởng Tài chính Mỹ, trước đây là chủ tịch Fed, vừa mới trả lời kênh truyền hình Mỹ Fox News thì cho rằng bà lấy làm tiếc vì mình đã dự báo sai lạm phát ở Mỹ, cho rằng lạm phát chỉ tạm thời và đến cuối 2021 sẽ quay về mức bình thường. Việc thận trọng trong dự báo cũng như các hành động chính sách có thể thấy rõ trong các phát ngôn của các quan chức Fed gần đây.
Đặc biệt ngày 20/3/2024 chủ tịch Fed quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng khẳng định sẽ cắt giảm lãi suất đồng đô la Mỹ 3 lần trong năm 2024 này. Thị trường kỳ vọng đợt cắt giảm đầu tiên sẽ diễn ra tại kỳ họp 11-12/6 tới đây.
Khi lãi suất đồng đô la thấp xuống, thì việc phân bổ lại cơ cấu tài sản tài chính của các nhà đầu tư trên thế giới là việc tất yếu xảy ra. Giá vàng thế giới tăng lên cũng nằm trong cách suy nghĩ đó. Nhưng vì sao đồng USD lại không giảm? Đó là vì Fed đã không cắt giảm lãi suất trong quý 1/2024 như dự báo.
Bên cạnh đó, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ so với nhiều nền kinh tế khác và lãi suất USD vẫn còn rất cao đã kích thích các dòng chảy vốn vào thị trường Mỹ rất lớn. Cho nên vàng tăng giá, đô la Mỹ tăng giá có nguyên nhân sâu xa là như thế.
Còn ở Việt Nam, với những đặc điểm của thị trường vàng trong khuôn khổ pháp luật điều chỉnh hiện nay thì như Chính phủ đã chỉ đạo cần phải chỉnh sửa các quy định phù hợp hơn, nhằm thu hẹp giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi.
Về tỷ giá USD/VND đang tăng hơi nhanh so với các năm có nhiều lý do: chỉ số đô la index (đo lường tương quan của USD so với các ngoại tệ chủ chốt) từ đầu năm đến nay đã tăng 3.4%, tuy tỷ giá trung tâm chỉ tăng 0.5% nhưng các giao dịch liên ngân hàng có tỷ giá tăng trên 2%.
Nếu tháng 6/2024 Fed giảm lãi suất thì đô la index sẽ giảm, tạo tâm lý rất quan trọng trên thị trường về việc suy yếu của đồng đô la Mỹ. Hơn thế nữa, khi tín dụng trong nền kinh tế tăng lên sẽ kéo lãi suất liên ngân hàng tăng lên sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá. Tôi dự báo, với các thay đổi trong chính sách quản lý thị trường vàng, cầu tín dụng tăng, lãi suất USD thấp xuống… sẽ làm tỷ giá USD/VND ổn định hơn, cả năm tăng xấp xỉ 3%.
Theo ông, với những thay đổi bất thường của thị trường quốc tế như vậy, liệu thị trường tiền tệ Việt Nam năm 2024 có thể có những diễn biến khó lường hay không?
Tôi nghĩ chắc là không. Lãi suất huy động giảm tương đối nhanh và có thể coi là đã chạm đáy, nhưng cho vay còn dư địa có thể giảm nữa. Theo cách nhìn của tôi, chính sách tiền tệ cần tập trung vào hai vấn đề căn bản. Thứ nhất: giảm mặt bằng lãi suất thấp xuống nhất là lãi suất cho vay; thứ hai: có chính sách uyển chuyển cân đối hài hoà giữa rủi ro và tăng trưởng tín dụng.
Nếu trong quý 2 hoặc đầu quý 3 mà tín dụng tăng mạnh thì mặt bằng lãi suất huy động có thể nhích lên dần. Chính sách tiền tệ đã dần lộ rõ, mặc dù không chủ quan nhưng việc kiểm soát lạm phát với các yếu tố bên ngoài và bên trong thì ta có thể làm chủ được, và thị trường tiền tệ năm nay là có thể dự báo chứ không khó lường.
Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, rủi ro tín dụng lớn, việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay có hợp logic không và điều này tác động thế nào đến thị trường tài chính?
Trong hoạt động của ngân hàng thương mại thị hiện tượng phổ biến là khi tín dụng tăng nhanh đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế thì khả năng nợ xấu phát sinh cao. Trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh Covid tại nước ta vài năm trước đây khi sản xuất, kinh doanh, đi lại … đình đốn, thì nợ xấu tất yếu phải tăng cao.
Nhưng ta cũng đã có các chính sách cơ cấu nợ giúp các doanh nghiệp, cá nhân vay tiền vượt qua giai đoạn khó khăn ngặt nghèo đó. Vì nếu không thì người vay đâu có dòng tiền để trả nợ, nợ xấu phát sinh không vay được các khoản mới thì rơi vào tình trạng ách tắc. Dần dần doanh nghiệp và ngân hàng cũng xoay sở cùng nhau xử lý các khoản nợ trong thời đại dịch.
Nhưng cách tiếp cận về lãi suất cho vay không nên theo hướng từ góc nhìn nợ xấu. Vì bản chất của lãi suất cho vay đã chứa đựng việc bù đắp các rủi ro cho những khoản tín dụng mới. Nôm na là: nợ xấu là từ chất lượng kém của các khoản vay quá khứ; lãi suất cho vay là lượng định rủi ro của các khoản vay tương lai.
Ở đây, khi nhận định lãi suất vẫn còn cao là tôi muốn so sánh với lạm phát. Hiện nay, lãi suất huy động của các NHTM ở mức rất thấp. Lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 3,25%, so với mức là 4,5% đặt ra của Quốc hội. Và lãi suất huy động hiện nay là 3,5 - 5% cho 6 tháng, 12 tháng chỉ có 4,5 - 5,4% thôi, so với lạm phát kỳ vọng là 4%, chênh lệch là rất bé.
Trong khi đó, theo VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, lãi suất cho vay bình quân hiện nay ở mức tới 8-9%. Không nên để mức lãi suất cho vay bình quân cao gấp đôi lạm phát, phải kéo lãi suất cho vay xuống và đó là mục tiêu cho lợi ích toàn cục của nền kinh tế.
Kinh nghiệm thành công của các quốc gia công nghiệp mới cho thấy vai trò quan trọng như thế nào của một chính sách tiền tệ mà ở đó duy trì một mặt bằng lãi suất thấp xem như là nhân tố đầu vào tối ưu cho nền sản xuất kinh doanh của xã hội.
Trong quý 1, tín dụng tăng trưởng âm vì nhiều lý do chứ không phải chỉ từ lãi suất, điều này đúng. Các lý do có thể đến từ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tổng cầu của thế giới xuống thấp ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam và ảnh hưởng đến cả nhập khẩu… Tuy nhiên, không thể phủ nhận là lãi suất cao là một nguyên nhân cản trở tăng trưởng tín dụng.
Ở đây, tôi cũng xin nói thêm là nợ xấu nhưng các tài sản gắn liền với khoản tiền giải ngân từ các khoản nợ đó là không xấu. Tiền đang mắc kẹt ở nhiều dự án bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, và trong những dự án gặp vấn đề do đại dịch Covid hay những biến động của thị trường tài chính tiền tệ… Đó là những khối tiền tệ không hề nhỏ cần được “rã đông”.
Việc giảm lãi suất cho vay đã được nói nhiều lần nhưng chưa có thay đổi mạnh mà mới có tác động mạnh ở mảng huy động nhờ các biện pháp hành chính. Liệu lãi suất cho vay có cần những giải pháp tương tự để tác động có thể đến nhanh hơn?
Nếu chưa đến thời điểm thích hợp để thực hiện cơ chế “tự do hoá lãi suất” thì tôi cũng không khuyến nghị những biện pháp hành chính để đưa lãi suất cho vay thấp xuống. Lẽ ra khi cầu (tín dụng) tăng thì giá (lãi suất) mới tăng. Nhưng thời gian qua chúng ta lại chứng kiến tín dụng tăng rất chậm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Khi mức tăng trưởng tín dụng thấp có khi ta lại cho rằng đó là do cầu tín dụng thấp.
Trong thực tế việc thoả mãn các yêu cầu trong thẩm định tín dụng lại đến từ khẩu vị rủi ro của các ngân hàng thương mại, mà điều này lại đến từ thực trạng của nền kinh tế, sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp. Lãi suất cho vay thời gian qua còn ở mức cao bắt nguồn từ các nguyên nhân chính: chi phí huy động vốn bình quân còn cao, tỷ lệ cho vay trên nguồn vốn huy động còn thấp và phần bù đắp rủi ro tín dụng.
Có hai cách tiếp cận để tác động làm lãi suất cho vay thấp xuống. Cách đầu tiên là chính sách tiền tệ hỗ trợ các NHTM có chi phí huy động vốn bình quân giảm thấp. Bên cạnh các biện pháp hành chính về trần lãi suất huy động, thì cần xem xét các cơ chế về tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc, thị trường mở… chắc chắn chi phí huy động sẽ thấp xuống.
Cách tiếp cận thứ hai là trong khi vẫn áp dụng hạn mức tín dụng thì cần đưa tiêu chí lãi suất cho vay bình quân thấp là ưu tiên hàng đầu, cùng với các tiêu chí khác khi xem xét hạn mức tín dụng của các NHTM.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã định hướng quota khoảng 15% và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ông có nhận xét gì về động thái này?
Trước hết cần nói về hạn mức tín dụng. Phần lớn các nước thì không có cơ chế về hạn mức tín dụng. Cách tiếp cận về cung tiền phổ biến ở các nước dựa vào lượng tiền trong lưu thông và lượng tiền gửi trong ngân hàng.
Bằng cách này hay cách khác vốn tín dụng ngân hàng sẽ đi vào lưu thông cho nên quản lý tín dụng bằng cơ chế hạn mức quota là điều có thể hiểu được. Nhưng ở các nước họ không dùng hạn mức tín dụng mà tiếp cận bằng các chuẩn mực Basel thì rất khoa học và hiệu quả.
Trở lại hạn mức tín dụng 15% của năm nay, điểm khác biệt so với các năm trước là năm 2024 NHNN công bố hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng ngay từ đầu năm, giúp họ chủ động tính toán không chỉ lượng tín dụng cung ứng cho nền kinh tế mà còn cả lượng vốn huy động với từng loại lãi suất và kỳ hạn khác nhau.
NHNN cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ từ bỏ cơ chế hạn mức tín dụng vào thời điểm thích hợp. Nếu vận dụng tốt và triệt để các thông lệ và chuẩn mực quốc tế trong quản trị ngân hàng hiện đại thì vẫn có rất nhiều cách để quản lý cung tiền hiệu quả thay cho hạn mức tín dụng.