Sửa Luật Thủ đô, quy định về thu hồi đất cần tương thích với Luật Đất đai

Lê Sáng | 10:05 27/11/2023

Tham góp về quy định liên quan đến công tác thu hồi đất tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng cần có sự cân nhắc để đảm bảo sự tương thích với Luật Đất đai hiện hành.

Sửa Luật Thủ đô, quy định về thu hồi đất cần tương thích với Luật Đất đai
Theo chuyên gia, quy định về thu hồi đất trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có sự tương thích với Luật Đất đai. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Cơ chế đặc thù

Theo đánh giá của các chuyên gia, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện đang được Quốc hội thảo luận đã đưa ra không ít cơ chế, chính sách đặc thù nhằm mục đích khuyến khích sự phát triển của một trong những “đầu tàu” kinh tế, xã hội của cả nước.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 Chương, 59 Điều (tăng 3 Chương, 32 Điều so với Luật Thủ đô năm 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 Điều; quy định mới 38 Điều). Đáng chú ý và thu hút được sự quan nhất trong Dự thảo trên là quy định một số nguyên tắc trong việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn Thủ đô.

Cụ thể, khoản 4 Điều 31 Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn phải tuân thủ các nguyên tắc như:

Hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi có nơi ở, có thu nhập, có việc làm và đời sống ổn định. Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi; nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi hoặc bằng nhà ở và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bằng nhà ở;

HĐND TP. Hà Nội quyết định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi hoặc bằng nhà ở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Đánh giá cao những thể chế, chính sách được đưa ra tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tuy nhiên, theo chuyên gia, quy định về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi vẫn còn chung chung, chưa đáp ứng được sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất.

Cần sự tương thích, thống nhất trong quy định pháp luật

Liên quan đến quy định về công tác đền bù, thu hồi đất tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội đánh giá quy định các nguyên tắc như khoản 4 Điều 31 Dự thảo Luật (sửa đổi) chưa cho thấy được rõ ràng cơ chế đặc thù mà Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dành cho Hà Nội trong quản lý và sử dụng đất.

Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, dường như nội dung về quản lý và sử dụng đất của Dự thảo Luật chưa thể chế hóa và làm nổi bật cơ chế đặc thù được thể hiện trong Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 20230, tầm nhìn đến năm 2045.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến dẫn chứng quy định về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất của Dự thảo Luật (Luật Thủ đổi sửa đổi – PV) có nội hàm hẹp hơn quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của Điều 61, Điều 62; từ Điều 74 - Điều 94 Luật Đất đai năm 2013. Các điều này của Luật Đất đai năm 2013 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng.

Theo đó, ông Tuyến cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 quy định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không chỉ trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà còn đối với trường hợp thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh. Hơn nữa, theo pháp luật đất đai hiện hành thì người bị thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không chỉ được bồi thường mà còn được hỗ trợ, tái định cư.

Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của Luật Đất đai năm 2013 và đảm bảo sự tương thích trong nội dung quy định của khoản 4 Điều 31, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, “vế” đầu tiên của khoản này nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn Thủ đô phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây: …”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sửa Luật Thủ đô, quy định về thu hồi đất cần tương thích với Luật Đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO