Một trong những nội dung gây chú ý của việc sửa luật Dược liên quan đến bán thuốc và kê toa online, trong bối cảnh bán hàng trực tuyến hay thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang bùng nổ tại Việt Nam, và là “con đường bắt buộc” mà mọi nhà bán hàng phải đi qua.
Tại Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã bổ sung, ngoài việc bán thuốc tại các hiệu thuốc truyền thống, sẽ cho phép kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử - Đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và phải tuân thủ những quy định nhất định.
Dự thảo được các chuyên gia bàn luận tại nhiều toạ đàm gần đây. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi, song đa số các bên đều ủng hộ bán thuốc trên TMĐT, bởi các lợi ích gồm:
(1) Tiện lợi, khách hàng có thể dễ dàng mua thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe bất cứ lúc nào, không cần phải đến các nhà thuốc truyền thống, giúp tiết kiệm thời gian di chuyển. Đặc biệt tiện lợi khi cần sản phẩm gấp hoặc sống ở khu vực xa trung tâm, hay trong các trường hợp thiên tai, đại dịch, bất khả kháng.
(2) Hạn chế bệnh truyền nhiễm, lây nhiễm chéo khi tiếp xúc trực tiếp. Từ đó, giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế quốc gia.
SÂN CHƠI MỚI CHO CÁC DOANH NGHIỆP DƯỢC?
Dưới góc nhìn người trong cuộc, một doanh nghiệp ủng hộ việc đưa thuốc lên TMĐT song song dữ liệu quá các thông tin về thuốc, giá cả và lời khuyên, toa từ bác sĩ. Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Trung Dũng, CEO nhà thuốc Phương Chính cũng cho rằng chuyển đổi số hiện nay là "sống còn" đối với các nhà thuốc tư nhân.
Theo ông Dũng, những năm gần đây việc kê đơn thuốc điện tử cũng đã giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp. Nếu trước kia, khi bệnh nhân đến với đơn thuốc viết tay, thậm chí dược sĩ khó có thể dịch được, giờ đây, dưới mỗi mã đơn thuốc còn có mã QR code để tra cứu đơn thuốc. Ông Dũng đề xuất nếu có thể liên thông dữ liệu từ nhà thuốc, bệnh viện và dữ liệu đơn thuốc quốc gia để đảm bảo người bệnh được mua thuốc đúng nơi, đúng đơn.
“TMĐT là xu thế tất yếu, đặc biệt sau COVID-19 nhu cầu mua thuốc online rất phổ biến. Nhu cầu thực tế của người dân là có, tuy nhiên hiện nay chưa có quy định về bán thuốc online. Chúng tôi mong rằng sẽ có quy định cụ thể triển khai để các nhà thuốc có thể thực hiện đúng quy định, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân", ông Dũng nói.
Thực tế, online đã và đang là một “sân chơi” sôi nổi mới của các chuỗi nhà thuốc, sau cuộc chiến tăng số cửa hàng nhiều năm liền. Hiện, Long Châu và Pharmacity đều đang đẩy mạnh kênh TMĐT của mình, với nhiều khuyến mãi định kỳ thu hút người dùng.
Cùng với đó, các chuỗi nhà thuốc bán lẻ khác không ngoài cuộc. Đơn cử, nhà thuốc Phương Chính – một thương hiệu tại Hà Nội với hệ thống khoảng chục cửa hàng – cũng phát triển kênh TMĐT của mình, chuyên bán thực phẩm chức năng, khẩu trang, mỹ phẩm….
Ghi nhận, thị trường dược phẩm Việt Nam theo đánh giá rất tiềm năng, với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập tăng và các nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ cũng tăng. Đặc biệt, thị trường bùnh nổ sau đại dịch Covid-19: Đây cũng là thời điểm kênh bán lẻ thuốc không kê đơn (OTC) phát triển mạnh mẽ, với sự mở rộng nhanh chóng của nhiều chuỗi nhà thuốc lớn.
Theo công ty nghiên cứu thị trường BMI, doanh thu từ thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD vào năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng này, thị trường dược phẩm được coi là một "miếng bánh" hấp dẫn đối với bất kỳ chuỗi nhà thuốc nào.
Thương vụ Dongwha Pharm (Hàn Quốc) mua lại 51% cổ phần của chuỗi Trung Sơn Pharma vào năm ngoái là một minh chứng rõ nét. Theo Dongwha Pharm, đây là bước đi chiến lược để mở rộng sự hiện diện của họ tại thị trường dược phẩm và làm đẹp Đông Nam Á.
KHI TMĐT LÀ XU THẾ TẤT YẾU
TMĐT đã trở thành một trong những động lực chính của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng của ngành này cũng đã góp phần quan trọng vào GDP quốc gia.
Theo báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI 2024), ngành TMĐT Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trên 25% trong năm ngoái, với quy mô thị trường lên đến 25 tỷ USD. Điều này không chỉ đưa Việt Nam vào top 10 các quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới mà còn cho thấy sức mạnh bền vững của TMĐT trong việc duy trì đà phát triển, ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Sáng quý 1/2024, theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng cộng có hơn 766 triệu đơn hàng được giao thành công tới tay người tiêu dùng, tăng hơn 83 % so với cùng kỳ năm 2023. TMĐT không chỉ tăng về doanh số mà cả người dùng.
Năm 2023, Bộ thống kê với 74% người dân sử dụng internet, Việt Nam có khoảng 59 - 62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300-320 USD. Con số này năm 2022 là 288 USD.
Như vậy, TMĐT là xu thế tất yếu. Song, đối với ngành đặc thù là dược, khi lấy ý kiến dự thảo, có nhiều tranh luận liên quan đến bán thuốc online bởi lẽ thuốc là một dạng hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng tới sức khỏe con người nên phải hướng đến việc quản lý thật chặt.