Ngày 10/9, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã phối hợp với Công ty BPC Việt Nam tổ chức hội thảo “Chiến thắng cuộc đua thanh toán số trong ngành Tài chính Ngân hàng”.
Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng – Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, hành vi khách hàng đang thay đổi nhanh chóng, sử dụng dịch vụ số mạnh mẽ. Kỳ vọng cao của khách hàng đối dịch vụ tài chính - ngân hàng (trải nghiệm xuyên suốt, minh bạch, chi phí thấp…); Sự phát triển của các công nghệ lưu trữ, thu thập, tổng hợp dữ liệu cũng như các "điểm tiếp xúc" với khách hàng sản sinh ra khối lượng dữ liệu rất lớn…
Chia sẻ về tình hình chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam, ông Dũng cho biết, cơ quan quản lý đã có những chủ trương, định hướng về công tác chuyển đổi số thông, các quy định pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động ngân hàng. Trong đó có: Luật phòng, chống rửa tiền 2022; Luật giao dịch điện tử 2023; Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về TTKDTM; Thông tư 11/2022 và thông tư 06/2023 quy định về bảo lãnh ngân hàng, cho vay bằng phương thức điện tử; Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, NĐ 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của TCTD…
Theo thống kê, Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt xấp xỉ gần 9,3 tỷ giao dịch (tăng 58,44% so với cùng kỳ năm 2023) và tổng giá trị giao dịch đạt hơn 160 triệu tỷ đồng (tăng 35,13% so với cùng kỳ năm 2023).
Đến hết 06/2024, toàn Việt Nam có hơn 193 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân. Tính đến cuối 2023, dân số trưởng thành Việt Nam có tài khoản thanh toán đạt 87,07%. Nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
Trước đó, cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 10 triệu tài khoản được mở mới.
Bên cạnh sự tăng trưởng, phát triển tích cực, chuyển đổi số ngành ngân hàng cũng gặp phải một số khó khăn thách thức như: Bối cảnh mới với hành vi người dùng thay đổi, mô hình kinh doanh, kênh phân phối mới dựa trên công nghệ, dữ liệu. Bên cạnh đó, việc xuất hiện “những người chơi mới”… cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc theo dõi, đánh giá, kiểm soát rủi ro; Gia tăng rủi ro an ninh mạng; Thách thức trong giáo dục tài chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.