Từng là nhà sản xuất ô tô thống trị tại Trung Quốc, Volkswagen (VW) hiện đang trải qua năm tái cơ cấu khi phải đối mặt với cuộc chiến giá khốc liệt trên thị trường xe điện (EV) nước này.
Ông Ralf Brandstätter, Giám đốc điều hành VW Group China, cho biết tập đoàn sẵn sàng “hy sinh thị phần” để bảo vệ giá trị thương hiệu trong bối cảnh hàng trăm hãng xe đua nhau giảm giá, kể cả Tesla, BYD và Xiaomi.
“Thị trường ô tô Trung Quốc hiện đã mất đi mọi lý trí”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Handelsblatt (Đức). “Khi ai cũng bán dưới giá thành, sẽ không còn tiền để đầu tư cho tương lai”.
Theo VW, hiện có tới 130 thương hiệu đang cạnh tranh trong phân khúc xe điện và xe hybrid tại Trung Quốc. Kết quả là gần như không một hãng nào có thể đạt lợi nhuận dương.
Năm 2024, BYD bán 4,21 triệu xe tại Trung Quốc. Trong khi đó, Volkswagen chỉ bán được 2,93 triệu xe, giảm mạnh so với mức đỉnh 4,23 triệu xe năm 2019 – thời điểm trước khi Trung Quốc thực hiện chính sách “Ba lằn ranh đỏ” nhằm siết chặt tín dụng bất động sản.
Volkswagen là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới xét theo doanh số, sau Toyota. Điều này chủ yếu nhờ chiến lược đầu tư sáng suốt vào Trung Quốc, thị trường mà hãng đã thống trị gần 40 năm sau khi trở thành thương hiệu ô tô phương Tây đầu tiên thâm nhập thành công vào năm 1985.
Nhưng kể từ khi Bắc Kinh siết chặt lĩnh vực bất động sản khiến bong bóng bất động sản vỡ tung, doanh số của VW liên tục giảm.
Sau khi tập đoàn bất động sản Evergrande vỡ nợ 300 tỷ USD năm 2022, thị trường bất động sản lao dốc kéo theo nhu cầu về xe giảm mạnh. Tesla nhanh chóng mở màn cuộc chiến giá bằng cách liên tục giảm giá xe tại Trung Quốc, kéo theo làn sóng giảm giá trên toàn ngành.
Các đối thủ Trung Quốc liên tục tung ra những mẫu EV giá rẻ nhưng tích hợp công nghệ cao, ví dụ như mẫu sedan SU7 của Xiaomi chỉ 30.000 USD nhưng có thiết kế và hiệu năng không kém xe thể thao châu Âu.
Trong khi đó, Volkswagen tạm thời chấp nhận rút lui để chuẩn bị tái xuất với loạt sản phẩm mới từ năm 2025. VW tuyên bố năm 2025 là năm chuyển đổi và kỳ vọng có những sản phẩm hấp dẫn mà không cần phải cạnh tranh với BYD và Xiaomi chỉ về giá.
VW sẽ tung ra các mẫu xe điện giá phải chăng phát triển trên nền tảng CMP dành riêng cho thị trường Trung Quốc, trong đó có thể có mẫu xe thương hiệu Jetta với giá chỉ từ 15.000 euro (khoảng 17.500 USD). Đến năm 2027, hãng sẽ tiếp tục với các mẫu xe cao cấp hơn sử dụng nền tảng CSP.
“Trong một thị trường thiếu lành mạnh như hiện nay, thị phần không còn quan trọng”, ông Brandstätter nhấn mạnh. “Những hãng chỉ bán được xe bằng chiết khấu sẽ làm tổn hại thương hiệu”.
Khác với General Motors (GM) – nơi 97% lợi nhuận hoạt động năm 2023 đến từ Bắc Mỹ, Volkswagen vẫn duy trì mục tiêu dẫn đầu toàn cầu, đặc biệt tại Trung Quốc. Đây là thị trường chiếm hơn 1/3 sản lượng toàn cầu của hãng, với công suất lên tới 4 triệu xe mỗi năm.
Trong khi các hãng ô tô truyền thống khác như Ford và GM từ bỏ tham vọng xe tự lái, VW vẫn tiếp tục đầu tư vào các xu hướng công nghệ như xe tự hành, dịch vụ gọi xe thông minh. Điều này cho thấy hãng chưa từ bỏ vai trò dẫn dắt trong kỷ nguyên xe điện và phần mềm hóa ngành ô tô.
Tham khảo: Fortune